Bước vào mùa mưa bão, ngư dân vùng biển ĐBSCL gặp nhiều khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt. Cùng với đó, chi phí sản xuất ban đầu tăng nhưng sản lượng đánh bắt và giá bán giảm mạnh, dẫn tới thua lỗ đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Ngư dân Cà Mau, Bạc Liêu chật vật ra khơi

Trần Khải 13:27 21/08/2024

Bước vào mùa mưa bão, ngư dân vùng biển ĐBSCL gặp nhiều khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt. Cùng với đó, chi phí sản xuất ban đầu tăng nhưng sản lượng đánh bắt và giá bán giảm mạnh, dẫn tới thua lỗ đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân.

Ngư dân gặp khó vì "thu không đủ chi"

Tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, nơi sầm uất bậc nhất vùng biển Cà Mau, nhưng những ngày gần đây không khí khá trầm lắng. Ông Lê Văn Dững, ngư dân ngụ ở thị trấn Sông Đốc chia sẻ, ông bám biển hơn 20 năm và đang phải chứng kiến việc đánh bắt thủy sản rơi vào khó khăn.

thu-mua.jpg
Sản lượng thu mua tại các cảng biển ở Cà Mau giảm manh so với những năm trước

“Chi phí nhiên liệu hiện nay cao so với thời điểm 3 năm trước khiến cho lợi nhuận giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá hải sản thấp nên các chủ tàu đang “sống dở chết dở” sau những chuyến biển dài. Tình trạng thu không đủ bù chi khiến nhiều tàu cá phải hoạt động cầm chừng hoặc phải neo đậu vì thua lỗ”, ông Dững cho biết.

Theo ông Dững, tàu cá của gia đình ông dài hơn 21m, mỗi chuyến biển kéo dài 4 ngày thì khoản phí bỏ ra ban đầu đã gần 50 triệu đồng. Trong đó, tiền nhiên liệu hơn 20 triệu đồng; chi phí thuê lao động hơn 12 triệu đồng; tiền nước đá trên 15 triệu. Tuy nhiên, hải sản thu về mỗi chuyến bán được chỉ khoảng 30 triệu đồng.

“Khoản thu vào thấp hơn số tiền bỏ ra thì coi như thua lỗ. Đây không phải là lần đầu tiên mà từ đầu năm đến nay tôi đã thua lỗ nhiều chuyến như vậy. Ngư trường giờ cạn kiệt, sản lượng hải sản thu về ít quá”, ông Dững trầm tư.

thu-mua-5.jpg
Do nguồn thu không đủ chi nên nhiều tàu cá phải nằm bờ chờ thời điểm thích hợp sẽ vươn khơi

Ông Dững chia sẻ thêm, có một nghịch lý ở thị trường thu mua là lẽ ra mất mùa thì giá hải sản phải cao vì nguồn hàng khan hiếm, tuy nhiên hiện nay giá các mặt hàng thủy sản lại giảm, các loại cá như cá sòng, cá thu, cá ngừ đại dương, cá bớp đều giảm giá từ khoảng 3.000 - 10.000 đồng/kg. “Cá ngừ năm trước được các vựa thu mua với giá 35.000 đồng/kg, nhưng năm nay giảm còn 20.000 đồng/kg”, ông Dững nói.

Các tàu cá hoạt động nghề lưới rê thường đánh bắt xa bờ với các loại cá lớn như cá thu, cá ngừ đại dương, cá bớp… cũng bị ảnh hưởng.

Ông Lê Phong Phú, ngư dân ngụ ở thị trấn Sông Đốc cho hay, cá ngừ đại dương sinh sống ở vùng biển Cà Mau là đặc sản biển có giá trị kinh tế cao. Người dân vùng biển Sông Ðốc rất chú trọng đầu tư phương tiện công suất lớn, đánh bắt xa bờ để khai thác loại cá này. Tuy nhiên, năm nay việc đánh bắt cá ngừ đại dương cũng đang gặp khó khăn do cá không còn nhiều như giai đoạn trước.

"Nếu như các chuyến đi biển trước đó, mỗi chuyến đi tàu cá có thể đánh bắt được hơn 10 tấn cá ngừ, cá thu… thì hiện nay, sản lượng thu về thấp hơn nên mỗi chuyến đi tôi lỗ gần 100 triệu đồng”, ông Phú nói.

moi-2.jpg
Cảnh lao động tại cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời

Trong khi sản lượng đánh bắt và giá bán giảm sâu thì chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao, khiến cho ngư dân gặp khó. Nhiều ngư dân cho hay trước đây giá dầu chỉ từ 17.000 - 18.000 đồng/lít nay tăng lên khoảng 21.000 đồng/lít. Kèm theo đó, tiền công thuê lao động và các khoản chi phí khác đều tăng khiến cho chủ tàu càng thêm gánh nặng.

Giám đốc Cảng cá Sông Đốc Phạm Anh Thương cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 880 lượt tàu cá cập cảng, sản lượng trung bình khoảng 4.500 tấn. Từ đầu năm đến nay sản lượng cá lên cảng giảm từ 20 - 30%.

Ông Võ Quốc Thống, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Đốc cho biết tổng số phương tiện khai thác thủy sản và phương tiện dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn được đăng kiểm hơn 1.110 tàu với hơn 7.500 thuyền viên. Sản lượng thủy sản đánh bắt trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn đạt hơn 50.450 tấn, con số này giảm nhiều so với năm trước. "Giá dầu tăng, các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân”, ông Thống cho hay.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có gần 4.500 tàu cá hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển. Nguồn lợi thủy sản biển hiện nay không còn phong phú như trước đây. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng luôn tuyên truyền, nâng cao ý thức cho ngư dân về việc gìn giữ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, chỉ nên đánh bắt những loại cá đạt kích cỡ và thả lại môi trường những loại thủy sản nhỏ.

Biết lỗ nhưng vẫn phải hoạt động

Ông Lê Thanh Việt (ngụ thị trấn Sông Đốc) chủ tàu đánh bắt xa bờ chia sẻ, dù biết ra khơi là thua lỗ nhưng tôi không thể cho tàu nằm bờ. “Hiện nay tìm lao động đi biển rất khó khăn nên buộc tàu cá phải duy trì hoạt động để có việc làm giữ chân người lao động”, ông Việt nói.

moi.jpg
Mặc dù mất mùa nhưng giá các mặt hàng thủy sản vẫn giảm

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 1.000 phương tiện đánh bắt thủy sản. Thời gian gần đây, nhiều chủ tàu hoạt động không mang lại lợi nhuận. Dù vậy, bà con ngư dân vẫn kiên trì bám biển với hy vọng may mắn được trúng mánh.

Ông Trần Văn Minh, ngư dân ở cửa biển Nhà Mát, TP.Bạc Liêu chia sẻ: “Nhiều năm gắn bó với nghề biển mà không đi biển thì không biết thu nhập từ đâu nên đánh liều bám biển. Tàu nằm bờ dài ngày sẽ mau hư hỏng vì không được bảo dưỡng thường xuyên như lúc hoạt động trên biển. Càng đi càng lỗ, biết vậy nhưng vẫn phải ra khơi”.

Ông Minh kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, có chính sách hỗ trợ cho các hộ làm nghề khai thác biển, để ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển.

moi-1.jpg
Sản lượng thu mua tại các cảng cá cũng giảm mạnh

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu cho rằng để nghề khai thác biển phát triển bền vững, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ sắp xếp, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản; đồng thời tăng cường, củng cố, đổi mới các tổ, đội hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản.

Cùng với đó, phát triển mô hình liên doanh, liên kết chế biến gắn kết với doanh nghiệp thu mua và ngư dân từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng ngành nghề; thành lập đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá cho các phương tiện khai thác xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi để các tàu cá bám biển dài ngày nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản cho ngư dân.

Bài liên quan
Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân Cà Mau, Bạc Liêu chật vật ra khơi