Song song với những “lời từ biệt” của các dự án lớn sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, gần đây, khá nhiều nhà đầu tư mới đã tìm về khu vực miền Trung, làm dấy lên niềm hy vọng du lịch miền Trung lại có cơ hội cất cánh.

“Ngôi sao” chờ vụt sáng

Một Thế Giới | 25/11/2013, 13:40

Song song với những “lời từ biệt” của các dự án lớn sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, gần đây, khá nhiều nhà đầu tư mới đã tìm về khu vực miền Trung, làm dấy lên niềm hy vọng du lịch miền Trung lại có cơ hội cất cánh.

Sở hữu “rừng vàng, biển bạc”, những báu vật của thiên nhiên và hàng trăm di sản, di tích của lịch sử để lại nhưng lâu nay con đường “di sản văn hóa miền Trung” vẫn còn mãi hát điệp khúc “tiềm năng”!

“Của để dành”

Những ai “mê” loạt phim nói về chàng điệp viên tài hoa James Bond chắc chắn sẽ không quên tập phim Người đàn ông có khẩu súng bằng vàng (The man with golden gun). Cũng chính nhờ bộ phim ăn khách này mà hòn đảo Khao Phing Kan (nằm ở ngoài khơi thiên đường nghỉ dưỡng Phukhet) của Thái Lan trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách từ những năm 70. Cũng kể từ đó, hòn đảo này cũng mang một cái tên mới: đảo James Bond.

Dù chưa có một bộ phim điện ảnh “để đời” được các nhà làm phim Hollywood chú ý nhưng mới đây, kênh truyền hình BBC World News đã công bố một loạt các chương trình về Việt Nam mang tên Vietnam Direct, dự kiến lên sóng trong tháng 8 này. Sự kiện là cơ hội để hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam được quảng bá trên phạm vi toàn cầu. Đà Nẵng, trung tâm kinh tế miền Trung là một trong những điểm nhấn của chương trình, đoạn phim sẽ nói về cuộc “hồi sinh” của thành phố biển này kể từ sau hai cuộc kháng chiến để trở thành nơi đáng sống nhất Việt Nam.
“Ngoi sao” cho vut sang
 Một góc biển đẹp của miền Trung
 Liên quan đến Đà Nẵng và dãy đất hẹp nhất trên lãnh thổ Việt Nam, John Augustin, Giám đốc điều hành Tập đoàn quản lý khách sạn The Everly Group (Malaysia) kể, ông đã đến Việt Nam nhiều lần, ông thích Hà Nội nhưng nơi đây sẽ đi chậm hơn khu vực miền Trung trong lĩnh vực du lịch; còn TP.HCM thì thích hợp với hình ảnh một trung tâm kinh tế - tài chính hơn. John nhấn mạnh, Huế - Hội An - Đà Nẵng là những khu vực có điều kiện tốt để phát triển các sản phẩm du lịch. Cụ thể, Huế gắn liền với lịch sử triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, Đà Nẵng lung linh với những bãi biển đẹp cho du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn; trong khi, Hội An lại khắc khoải với hình ảnh của khu phố cổ thơ mộng.

Không chỉ John Augustin, trong mắt các nhà đầu tư, khi nói đến miền Trung, họ luôn dành sự ưu ái cho 5 điểm dừng chân lý tưởng trên “con đường di sản” gồm: Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn - Đà Nẵng - Huế và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Hầu hết các điểm này đều đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới; ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ hơn 80 di tích lịch sử đã được xếp hạng, cùng nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam và hệ sinh thái phong phú.

Đến và đi

Với những điều kiện thuận lợi trên, khu vực duyên hải miền Trung đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ năm 2007 đến nay, các tỉnh duyên hải miền Trung (gồm 9 tỉnh từ Bình Thuận đến Thừa Thiên-Huế) thu hút hơn 400 dự án với 23 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 56% tổng số dự án và 91% vốn đăng ký đầu tư của toàn khu vực. Trong đó, đa phần các dự án du lịch tập trung ở cung đường di sản. Đáng chú ý là Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam, năm 2006 - 2007 là thời điểm bùng lên làn sóng đầu tư vào đây. Các nhà đầu tư lớn như: Indochina Land, Tập đoàn VinaCapital, Accor, Genting Malaysia Bhd,…đã nhanh chân chiếm giữ những vị trí đẹp dọc bờ biển đề hình thành nên quần thể biệt thự nghỉ dưỡng, có thể kể đến như: The Nam Hải, Furama Resort Danang, Fusion Suites Danang Beach,…
Riêng người “anh em” Đà Nẵng và Hội An, theo nghiên cứu của các nhà đầu tư, ở phân khúc khách sạn từ 3 - 5 sao, hai địa phương này có khoảng 840 khách sạn với 10.019 phòng, có khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú cho hơn 3,7 triệu lượt khách. Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đến với miền Trung, ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Land (thuộc Công ty quản lý quỹ Indochina Capital) từng chia sẻ, Việt Nam có nhiều khu vực lý tưởng để phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng nhưng khó có nơi nào sánh bằng dải bờ biển từ Đà Nẵng đến phố cổ Hội An. Lý do mà Peter Ryder đưa ra không chỉ là câu chuyện của những di sản hay thắng cảnh mà còn bởi, Đà Nẵng có cảng hàng không quốc tế lớn thứ ba tại Việt Nam, với công suất khai thác 4 triệu lượt khách/năm (đến năm 2015 là 6 - 8 triệu lượt khách/năm), tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của du khách.
“Ngoi sao” cho vut sang
 Phố cổ Hội An là điểm đến của nhiều du khách
Trong những năm gần đây, để khai thác lưu lượng khách quốc tế, nhiều hãng hàng không đã mở các chuyến bay trực tiếp từ Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Campuchia đến Đà Nẵng. Điều này đã giải thích lý do khiến Indochina Land đầu tư nhiều dự án nghỉ dưỡng lớn tại đây như: The Nam Hải, sân golf Montgomerie Links (Quảng Nam) và khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang Resort (Đà Nẵng). Cùng với Indochina Capital, VinaCapital cũng đầu tư mạnh mẽ vào vùng đất miền Trung, cụ thể là Đà Nẵng.
Năm 2006, thông qua quỹ VOF, VinaCapital đã tham gia đầu tư và triển khai dự án có quy mô lên đến 260ha Danang Beach Resort, bao gồm các hạng mục chính như: biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao, sân golf The Dune…với tổng vốn đầu tư lên đến trên 121 triệu USD. Đó là chưa kể đến hàng loạt các dự án nghỉ dưỡng mà các tập đoàn lớn khác đã đầu tư vào các điểm du lịch ở Huế, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Tuy nhiên, sau thời gian thu hút đầu tư “nóng”, khủng hoảng kinh tế từ giữa năm 2008 đã tác động đến tiến độ của nhiều dự án và quyết định của không ít nhà đầu tư. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, kể từ năm 2007, cả nước thu hút gần 30 dự án tỷ đô nhưng giây phút “hân hoan” không được bao lâu thì đã có không ít dự án hoặc bị rút giấy phép, giải thể trước hạn hoặc tốc độ giải ngân rất chậm. Điển hình như trường hợp của Quảng Nam, địa phương từng thu hút nhiều dự án lớn trong lĩnh vực du lịch, một trong số đó có thể kể đến là dự án Bãi biển Rồng do Công ty TNHH Tập đoàn Bãi biển Rồng (gồm hai đối tác của Mỹ là Tano Capital LLC và Global C&D Inc.) làm chủ đầu tư với vốn đăng ký 4,1 tỷ USD. Chính nhờ dự án này mà Quảng Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 cả nước (sau Bà Rịa - Vũng Tàu) về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2009, dù tỉnh này chỉ thu hút được duy nhất…một dự án! Không dừng lại ở đó, 10 ngày trước khi bảng số liệu thống kê FDI 2010 được công bố, việc cấp phép dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An 4 tỷ USD (do nhà đầu tư Singapore đầu tư) đã đưa Quảng Nam lên ngôi đầu về thu hút FDI. Tuy nhiên, chưa tròn năm sau ngày cấp phép, dự án Bãi biển Rồng 400 ha đã bị thu hồi giấy phép do chủ đầu tư không nộp tiền ký quỹ và cũng không thu xếp được vốn để triển khai dự án.
Trong khi đó, khu Nam Hội An đến nay vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Ngoài ra, xét trên quy mô vùng miền Trung, cũng có không ít dự án đang rơi vào cảnh nằm “phơi mình” dưới nắng gió. Chẳng hạn như dự án Mirax Cam Ranh Resort 100 triệu USD, do Gerrad Holdings Ltd (Nga) làm chủ đầu tư, hay dự án khu nghỉ dưỡng 6 sao nằm ở Bắc bán đảo Cam Ranh được Ngân hàng Emirates NBD (thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE) đầu tư với vốn đăng ký 200 triệu USD vẫn chưa triển khai xây dựng. Song, “đáng nể” hơn hết là dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên, New City (huyện Tuy An, TP.Tuy Hòa) của Công ty TNHH New City Việt Nam (thuộc Tập đoàn New City, Brunei), được cấp phép năm 2008 với vốn đăng ký “khủng” 4,3 tỷ USD nhưng đến thời điểm quý I/2013 mới xong khâu phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư…

Liên quan đến những dự án tỷ đô, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nêu rõ, các dự án bất động sản có vốn đăng ký lên đến hàng tỷ đô thực chất cũng chỉ đưa vào Việt Nam vài chục triệu để xây dựng. Sau đó, nhà đầu tư sẽ bán “cuốn chiếu” sản phẩm và lấy lợi nhuận này để tái đầu tư. Tuy vậy, về câu chuyện thu hồi giấy phép của một dự án tỷ đô, Giáo sư Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh, cần phải xem xét khách quan từ nhiều phía; bởi có khi thời gian thẩm định của ta kéo dài, đến khi hoàn tất khâu này thì tình hình thị trường đã thay đổi so với thời điểm nhà đầu tư tiếp cận. Đó cũng là một phần lý do họ không tiếp tục đầu tư vì dự án chẳng còn mang tính khả thi.

Ngày mai trời lại sáng?

“Chia tay không phải là hết, chia tay là để khởi đầu một cái mới”, tạm mượn câu này để nói về tình hình của các dự án bất động sản du lịch ở miền Trung hiện nay. Song song với những “lời từ biệt” của các dự án lớn, gần đây, khá nhiều nhà đầu tư mới đã tìm về khu vực miền Trung. Ngay như suy luận của John Augustin, Tập đoàn The Everly Group, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư, bởi, tình hình khó khăn, chi phí mua lại dự án và triển khai sẽ “mềm” hơn khi thị trường “nóng sốt”.
“Ngoi sao” cho vut sang
 
Cách đó không lâu, vào tháng 4.2013, sau khi hoàn tất thương vụ mua lại khách sạn 5 sao Legend Hotel tại TP.HCM, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng tuyên bố, họ đang tiến hành mua lại khách sạn cao cấp ở Đà Nẵng. Trong một diễn biến khác, những thông tin bên lề đang rộn ràng chuyện một quỹ đầu tư của nhóm Việt kiều Đông Âu (từng đầu tư khá nhiều dự án tại TP.HCM) đã và đang xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào dự án phức hợp với quy mô trên 400 ha tại Quảng Nam. Theo đó, chủ đầu tư sẽ phát triển dự án này dựa trên việc kết hợp nét văn hóa cổ của Hội An với nét hiện đại của một khu đô thị mới tích hợp đầy đủ các tiện ích từ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cho đến các trung tâm thương mại nhằm tăng lợi nhuận cho du lịch miền Trung thông qua việc kích thích khách du lịch chi tiêu và lưu lại dài ngày hơn.
Dù dự án chưa triển khai nhưng có thể thấy đây là một dự án có “tính toán” kỹ lưỡng. Tại sao? Với vị thế trung tâm trên “con đường di sản miền Trung”, dự án này sẽ “hút” khách du lịch từ các nơi khác vì dự án đang đi ngược với mô hình kinh doanh của du lịch Việt Nam, tức sẽ tập trung khai thác những điểm mà ngành du lịch ta còn thiếu. Theo như phân tích của Grant Thornton trong báo cáo Khảo sát Ngành dịch vụ khách sạn hàng năm thì doanh thu của ngành công nghiệp này tại Việt Nam chủ yếu từ doanh thu phòng. Cụ thể, năm 2012, trong cơ cấu doanh thu, cho thuê phòng chiếm đến 62,1%; trong khi doanh thu nhà hàng đạt 29,1%; phần còn lại là các khoản doanh thu khác. Điều này cho thấy, doanh thu từ các sản phẩm du lịch của Việt Nam không đáng kể. Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới, so với Singapore, Việt Nam có ưu thế về di sản văn hóa, điều kiện tự nhiên và mức độ thân thiện của con người nhưng chất lượng hạ tầng du lịch, phương tiện di chuyển, phòng, ẩm thực, sản phẩm du lịch; Singapore đều được đánh giá cao hơn về tính đa dạng và chuyên nghiệp.
“Ngoi sao” cho vut sang
 Du khách lưu trú tại một khách sạn ở miền Trung
  Đó là chưa kể chi phí du lịch đến Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng. Một nhà đầu tư đang có ý định vào miền Trung đã chia sẻ khảo sát nhỏ của họ đối với phân khúc khách trung bình rằng, phương tiện đi lại và khách sạn là hai yếu tố tạo “gánh nặng” cho du khách (nhưng lợi nhuận mang về cho ngành du lịch thấp). Theo đó, trung bình đi du lịch trong vòng 18 giờ, du khách sẽ chi khoảng 1.500 USD cho di chuyển; từ 60 - 100 USD/đêm cho khách sạn lưu trú. Trong khi những hạng mục mang lại lợi nhuận cao như: nhà hàng, ẩm thực và giải trí lại hạn chế. Khách đến miền Trung chỉ mất dưới 10 USD/ngày cho hoạt động giải trí (cho du khách ở phân khúc cao - trung cấp và bình dân) và khách cao cấp chỉ tiêu dưới 100 USD/chuyến cho nhu cầu mua sắm. Du lịch đến Thái Lan, trung bình du khách tiêu tiền cho mua sắm gấp 5 lần như thế. Hơn nữa, đến Thái Lan, du khách không chỉ đến thăm thắng cảnh và đời sống văn hóa của dân bản địa mà khách có thể tham gia nhiều chương trình biểu diễn “đặc biệt chỉ có ở Thái”.
Còn nếu xét giá tour trọn gói, một chuyến tham quan qua “con đường di sản miền Trung” trong 4 ngày - 3 đêm có mức 8,5 triệu đồng/khách (máy bay khứ hồi). Trong khi đó, tour 5 ngày - 4 đêm chặng TP.HCM - Bangkok - Pattaya chỉ mất khoảng 6,7 triệu đồng/khách (bao gồm vé máy bay khứ hồi). Chi phí cao cũng là yếu tố hạn chế việc thu hút khách du lịch đến miền Trung. Chỉ tính riêng các tỉnh sở hữu “con đường di sản miền Trung”, năm 2012, vùng này đã đón 17 triệu lượt khách du lịch (4 triệu lượt khách quốc tế). Trong khi đó, chỉ tính riêng Phukhet (Thái Lan), năm 2012, họ đã thu hút 19,7 triệu lượt khách đến nghỉ dưỡng, du lịch. Do đó, để du lịch miền Trung ngày càng phát triển, song song với động thái thay đổi cách tiếp cận, các cơ quan quản lý tại các tỉnh này cũng nên xem xét việc tạo ra các phương tiện di chuyển công cộng nối nhiều điểm du lịch nhằm tạo thuận lợi cho du khách.
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam - Bài: Anh Huy - Ảnh: Nguyên Trương, Tư liệu
Bài liên quan
Miền Bắc nắng nhẹ, miền Trung mưa giảm dần
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết ngày 24.11, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to và dông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Ngôi sao” chờ vụt sáng