Sóc Trăng có một ngôi chùa nằm giữa lòng thành phố không thờ Phật mà thờ... “Bà Hỏa”, được đánh giá là ngôi chùa hiếm ở Việt Nam. Đó là chùa Hỏa Đức Tự (người dân quen gọi là Miếu Bà Hỏa).

Ngôi chùa thờ Bà Hỏa hiếm hoi ở Việt Nam

Lương Xuân Cao | 22/02/2023, 05:00

Sóc Trăng có một ngôi chùa nằm giữa lòng thành phố không thờ Phật mà thờ... “Bà Hỏa”, được đánh giá là ngôi chùa hiếm ở Việt Nam. Đó là chùa Hỏa Đức Tự (người dân quen gọi là Miếu Bà Hỏa).

hdt-1.jpg
Hỏa Đức Tự ở Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Huỳnh Ngọc Hưng, Trưởng ban quản lý Hỏa Đức Tự cho biết: “Chùa Hỏa Đức Tự vốn là một ngôi miếu nhỏ nằm cạnh gốc cây còng (còn gọi là me tây) cổ thụ có trên trăm năm tuổi. Chùa tọa lạc ngay ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Phan Đình Phùng, thuộc phường 4 TP.Sóc Trăng. Người địa phương thường gọi chùa Hỏa Đức Tự là miếu Bà Hỏa.

Theo lời kể của người dân địa phương, khoảng hơn 100 năm trước, tại cây còng cổ thụ, vào những đêm tối trời, người dân ở xung quanh khu vực này thường thấy có đốm lửa bay lên từ ngọn cây nên họ cho rằng có “Bà Hỏa” hiển linh. Vì vậy người dân lập ngôi miếu nhỏ để thờ cúng “thần lửa”, mong tránh được những rủi ro, bất hạnh do lửa gây ra và gọi ngôi miếu này là miếu Bà Hỏa.

hdt-2.jpg
Di tích Bà Hỏa - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ban đầu, ngôi miếu được dựng lên rất nhỏ nhưng càng về sau có nhiều người ở các nơi đến cúng viếng, nhất là người Hoa nên ngôi miếu được tôn tạo dần. Khoảng năm 1973, ông Trương Văn Ngươn (một người dân địa phương) đã khởi xướng, kêu gọi mọi người đóng góp mở rộng diện tích miếu thờ, với vách, mái được lợp tôn, đáp ứng phần nào nhu cầu tâm linh của người dân địa phương.

Sau ngày 30.4.1975, miếu Bà Hỏa tạm ngưng hoạt động. Đến năm 1978, sau nhiều lần thỉnh nguyện, miếu được Nhà nước cho phép hoạt động trở lại với tên gọi là Hỏa Đức Tự nhưng không thờ Đức Phật.

Năm 1990, chùa được trùng tu bằng vật liệu kiên cố trên diện tích 218m2, gồm 3 tầng: Tầng trệt là điện thờ; tầng một là nơi lưu giữ những vật do người dân mang đến cúng viếng và thờ hương linh người có đóng góp nhiều công đức cho chùa.

Ngay chính diện điện thờ, chiếm một khoảng không gian rộng rãi là nơi thờ Hỏa Đức Thánh Mẫu với đèn hoa rực rỡ và tượng Bà lộng lẫy trong bộ xiêm y, áo mão được thay mỗi tháng một lần vào ngày 24 âm lịch. Hai gian phụ hai bên điện thờ Bà còn có tượng thờ Quan Thánh và tượng Thiên Hậu. Đặc biệt, tại nơi được xem là Di tích Bà Hỏa, du khách rất ấn tượng khi được chiêm ngưỡng cây còng cổ thụ có tuổi trên 100, cao khoảng 25 mét, đường kính gốc khoảng 4 người ôm mới hết. Hiện cây vẫn phát triển tốt, xanh tươi…

hdt-3.jpg
Điện thờ Bà Hỏa - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo người dân địa phương, việc cầu mong “thần lửa” đem lại sự an lạc về tinh thần là một tín ngưỡng phản ánh nhu cầu thực tiễn từ xa xưa đến nay nên người dân lập miếu thờ “Bà Hỏa” làm nơi để đến chiêm bái, cầu xin “thần lửa” không gây tai họa.

Hàng năm, đông đảo người Hoa, người Kinh và cả người Khmer đều đến viếng Hỏa Đức Thánh Mẫu vào ngày 24.3 âm lịch. Thời gian này là cao điểm mùa khô ở Sóc Trăng, cũng là thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn. Cho nên, việc đến cúng viếng tại miếu Bà Hỏa còn là sự nhắc nhở mọi người luôn đề cao việc phòng cháy, chữa cháy trong cuộc sống hàng ngày.

Ông Huỳnh Ngọc Hưng cho biết thêm: “Không chỉ là nơi thờ cúng, từ nhiều năm qua, miếu Bà Hỏa còn là một cơ sở từ thiện có uy tín ở TP.Sóc Trăng. Hàng tháng, hàng chục hộ dân nghèo được Ban quản lý chùa hỗ trợ gạo 10 kg/hộ, các em học sinh khó khăn được trao học bổng trích từ quỹ từ thiện hàng năm. Bên cạnh đó, chùa còn có xe tang miễn phí, quan tài, đồ tẩm liệm… sẵn sàng giúp đỡ kịp thời cho những người nghèo khó qua đời và làm các công tác từ thiện đột xuất khác của địa phương với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Sóc Trăng có 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng chung sống nên có nhiều hoạt động tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Bà Hỏa. Có thể nói đây là hoạt động tín ngưỡng hiếm hoi trong cộng đồng dân cư ở khu vực Nam bộ cũng như của cả nước.

Theo đánh giá của nhiều người dân địa phương, Hỏa Đức Tự là một ngôi chùa hiếm hoi ở Nam Bộ cũng như ở Việt Nam thờ Bà Hỏa.

hdt-5c(1).jpg
Cây còng di tích có tuổi trăm - Ảnh: Lương Xuân Cao

Tục thờ lửa có trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Ở Việt Nam, tục này chịu ảnh hưởng từ tín ngưỡng thờ Ngũ Hành, có nguồn gốc từ Trung Hoa. Người Việt đã dân gian hóa tín ngưỡng thờ Ngũ Hành, tách nó ra thành những yếu tố riêng biệt như Thủy, Hỏa, Mộc… trong những điều kiện văn hóa riêng biệt để thực hành tín ngưỡng này.

Ở Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Bà Hỏa khá hiếm hoi trong cộng đồng người Việt, chủ yếu ở người Hoa như trường hợp thờ Huê Quang Đại Đế, vị thần của lò gốm, coi sóc củi lửa, thờ nhiều ở Biên Hòa, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Tân Uyên (của người Hoa), và tín ngưỡng của tổ nghề rèn như ở miếu Hỏa Đức Tinh Quân ở Vĩnh Kim (của người Việt).

Bài liên quan
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát tiến độ thi công cao tốc tại Sóc Trăng
Trong chuyến khảo sát tiến độ thi công các tuyến cao tốc trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long, sáng 20.11, đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn đã đến khảo sát tiến độ thi công dự án thành phần 4, thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi chùa thờ Bà Hỏa hiếm hoi ở Việt Nam