Ngô Thanh Vân là người phụ nữ quyền lực của điện ảnh Việt. Mỗi năm một câu chuyện đầy cảm hứng và tham vọng chưa bao giờ tắt.
Năm nay là một năm khiến tôi hài lòng vì đã làm được rất nhiều thứ. Không chỉ trong công việc liên quan đến phim ảnh mà còn ở những việc hành chính như phân bổ lại chức năng của công ty, phân thành từng nhánh nhỏ và tập trung kĩ hơn cho từng công việc chủ đạo. Như Studio 68 này cũng phải mất cả năm trời mới xây xong, dù nó đã xuất hiện trên credit của Cô Ba Sài Gòn. Còn về phần phim ảnh, đáng lý năm nay mục tiêu của công ty là hoàn thành 4 phim nhưng vì lý do sức khỏe của bản thân tôi và một số vấn đề trong nội bộ ekip nên một dự án phải dời đến tháng 3 năm sau mới bắt đầu. Còn hiện tại, ngoài Cô Ba Sài Gòn đã công chiếu và Về quê ăn Tết đã sẵn sàng chiếu vào dịp Tết Nguyên đán thì còn một dự án phim về cải lương có tên Song Lang cũng đã hoàn thành, dự kiến ra rạp vào tháng 5 năm sau.
Đấy là chuyện trong nước, còn những chuyện tôi làm được ở Hollywood năm nay cũng là những mục tiêu đã hoàn thành. Ngoài vai diễn Paige Tico trong Star Wars: The Last Jedi và sát thủ Tiên trong Bright thì lý ra vẫn còn nhiều dự án hạng A khác, kể cả những dự án của Marvel nhưng nhưng tôi đã từ chối tham gia casting vì không có thời gian đầu tư, đào sâu cho vai diễn. Mỗi bước chân, sự trải nghiệm của tôi ở thị trường lớn như Hollywood đều mang theo mong muốn được học hỏi khi tham gia trực tiếp, để mang kinh nghiệm sản xuất về cho những dự án của mình.
2 năm trước, khi đóng Ngọa hổ tàng long 2 ở New Zeland, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm về sản xuất. Sau đó là Star Wars ở London và Bright ở Los Angeles. Mỗi một dự án của Hollywood khi tham gia đều phải xuất hiện ở phim trường từ 3 đến 6 tháng, đó là điều bắt buộc trong hợp đồng để diễn viên tập dượt và chuẩn bị cho vai diễn, một điều khoản cam kết. Vì đã tốn quá nhiều thời gian thế nên ngay khi vừa xong, tôi trở về Việt Nam và dành trọn 2017 cho các bộ phim mình sản xuất theo kế hoạch.
Đã rất nhiều người hỏi tôi về chiến lược hay đường đi nước bước của tôi ở Hollywood, cũng như cách để tôi có thể vừa đóng phim ở nước ngoài, vừa làm phim ở Việt Nam. Nhưng thực chất, tôi phải chọn một trong hai. Một là tập trung để đóng phim ở Hollywood, hai là tập trung để sản xuất phim Việt Nam chứ không thể tham lam làm quá nhiều thứ cho cả hai. Tôi có rất nhiều cơ hội ở Hollywood vì hình tượng đả nữ đang rất được ưa chuộng, thịnh hành, là hướng đi mà rất nhiều nhà sản xuất, studio lựa chọn. Các nhân vật nổi tiếng cho hướng đi này như Wonder Woman, Black Widow, Captain Marvel hay Harley Quinn đều đã được lên kế hoạch các tập phim riêng, vì thế mà họ rất cần những nữ diễn viên có thể đóng được, lăn xả được cho hình tượng này.
Nếu tôi tập trung và đầu tư phát triển bản thân, chắc chắn sự nghiệp của tôi ở Hollywood sẽ rất sáng. Nhưng nếu chọn hướng đi đó, đồng nghĩa với việc tôi phải bỏ lại rất nhiều thứ ở Việt Nam, những thứ mình đã tâm huyết gầy dựng suốt nhiều năm qua. Tôi không thể bỏ đi công sức không chỉ của mình mà của rất nhiều anh em. Nếu tôi không tiếp tục giữ vị trí một người đầu tàu thì hiện tại chẳng ai thay tôi làm chuyện đó. Vì thế mà tôi buộc phải chọn Việt Nam, quê hương của mình, để không chỉ xây dựng sự nghiệp cho bản thân mà cả một phần tương lai của điện ảnh Việt.
Nhưng tôi cũng có kế hoạch sẽ hợp tác sản xuất các phim ngoại quốc. Qua những bộ phim như Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn mà tôi đã làm, thì ekip chỉ mới dần hình thành. Những điều mà tôi học ở nước ngoài để mang về áp dụng ở Việt Nam rất nhiều nhưng tôi không thể một sớm một chiều mà dạy hết cho các bạn ở đây. Một phần vấn đề mà tôi luôn trăn trở còn nằm ở tuổi tác và tương quan nghề nghiệp ở Việt Nam nữa.
Ở nước ngoài, những người nắm các chức vị quan trọng của một ekip sản xuất đều có tuổi đời rất lớn, họ đã phải trải qua một quá trình phấn đấu và học tập rất lâu dài, từ những người cuốn dây đèn ở phim trường, bưng ly, bưng nước mới đến được các vị trị lớn hơn. Trong khi hiện nay, những vị trí quan trọng trong sản xuất phim ở Việt Nam hầu hết là những người trẻ. Họ có nhiệt huyết, có cá tính, có tài nhưng họ không kiên định, không chịu được áp lực nhiều do chưa có nhiều trải nghiệm. Đôi khi vì công việc cực quá, áp lực quá mà họ bỏ việc. Cứ như thế, thật sự rất khó để xây được một ekip vừa giỏi vừa đam mê trong một thời gian gấp rút. Mọi thứ buộc phải làm từng bước và có sự kiên nhẫn. Thành thử ra bao nhiêu kế hoạch lớn như bắt tay sản xuất phim nước ngoài mà tôi đã nghĩ đến, thì chỉ dám xem là mục tiêu để phấn đấu chứ không thể thực hiện trong lúc này. Giờ đây tôi phải hoàn thành tốt những dự án trong nước trước đã. Về các mối quan hệ với nước ngoài, tôi không thiếu. Tôi càng là người hiểu được nhu cầu của thị trường Hollywood hiện tại lớn như thế nào trong việc sản xuất phim ở nước ngoài. Bơi vì chi phí sản xuất ở Mỹ sẽ sẽ cao hơn nếu đi ra nước ngoài. Ấy thế mà họ đang rất tích cực tìm kiếm cơ hội, những nước như Việt Nam hay Thái Lan càng dễ kiếm một "phi vụ" hợp tác nhưng lúc này ekip của tôi chưa đủ mạnh để có thể làm việc cùng họ. Chẳng còn cách nào khác, ai cũng phải học và rèn luyện thì mới giỏi.
Nhớ lại hai vai diễn mình đã đóng ở quốc tế vừa rồi, tôi cảm thấy hơi tức cười, họ giống như chính tôi ngoài đời vậy. Tôi từng đùa trên trang cá nhân của mình rằng số mình là số ôm bom, chuyên ôm bom tự sát, nổ banh xác để phía sau tiến lên. Từ hồi Tấm Cám đã như vậy, tôi giống như một người lính tiên phong, làm những điều nguy hiểm để cho dù tôi có "chết" thì những người phía sau, đi cùng con đường với tôi, sẽ rộng đường mà tiến tới. Và đến hai nhân vật trong Star Wars với Bright, tôi cũng "được" trở thành những kẻ ôm bom làm cảm tử.
Tôi thà cạnh tranh với phim ngoại, chứ không muốn "đấu" với phim Việt
Nhưng ôm bom cũng được, hy sinh cũng chẳng sao, miễn là mình cống hiến được điều gì đó. Cô Ba Sài Gòn lại là một ví dụ khác. Tôi đang cố gắng để dịp Tết Nguyên đán này mình có thể mang bộ phim sang thị trường Mỹ, châu Âu và Úc, những nơi có cộng đồng người Việt để trình chiếu, vì mong muốn làm phim của tôi là cho tất cả người Việt trên thế giới được xem. Thông điệp về văn hóa, truyền thống nước nhà luôn là điều mà tôi rất quan tâm trong mỗi bộ phim mình làm. Tôi muốn không chỉ người Việt Nam ở Việt Nam được xem, mà phải là tất cả người Việt trên trái đất này, càng nhiều càng tốt, để họ được hoài niệm và nhớ về quê hương bằng những câu chuyện mang màu sắc, văn hóa của dân tộc. Tại sao ta không làm điều đó trong khi điện ảnh là một phương tiện truyền bá văn hóa rất hiệu quả. Người Việt mình có nhiều thứ hay như vậy thì phải mang nó lên phim càng nhiều càng tốt, để cả thế giới chiêm ngưỡng và trầm trồ.
Tất cả những dự án tôi đã, đang và sẽ làm đều là những câu chuyện của người Việt Nam. Sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể thì dự án mang màu sắc cổ tích tiếp theo của tôi và công ty chính là Trạng Tí, một live-action được chuyển thể từ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Đây là dự án quan trọng và lớn nhất của công ty trong 5 năm tới, hiện đã deal xong bản quyền với bên giữ nguyên tác với tham vọng mỗi năm trình chiếu một tập phim Trạng Tí điện ảnh vào dịp Tết Nguyên đán hoặc mùa hè.
Ngoài ra, studio cũng đã lên nhiều kế hoạch dài hạn khác trong vòng 5 đến 10 năm tới trong chùm phim liên quan đến cổ tích, thần thoại, truyện dân gian Việt Nam như Thạch Sanh, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng hay Thằng Bờm, Ông kẹ. Toàn bộ những dự án này đều đã và đang được xây dựng, phát triển kịch bản, tìm kiếm đạo diễn và đều là những câu chuyện thuần Việt, mang màu sắc văn hóa của đất nước chúng ta. Đó cũng là kim chỉ nam, là tham vọng mà chúng tôi đặt vào nền điện ảnh nước nhà.
Với Cô Ba Sài Gòn, điều tôi tự hào và thấy vui nhất chính là mình đã góp phần tạo ra những trào lưu hay định hướng
về ăn mặc, thói quen cho khán giả. Giống như ở Tấm Cám, sau khi phim chiếu thì nhiều người cũng gắn hoa, gắn bông lên mấn khi đội, điều đó khiến tôi rất phấn khích. Ở Cô Ba Sài Gòn chính là những điểm nhấn trong bộ trang phục truyền thống áo dài. Thế nên khi bắt đầu mỗi dự án nào mới, tôi đều suy nghĩ và tính toán khá nhiều về điều này.
Tôi biết mọi người đang rất quan tâm đến doanh thu của Cô Ba Sài Gòn. Không phải tôi muốn giấu giếm gì nhưng hiện tại vẫn chưa thể chốt được, chỉ có thể nói đã xấp xỉ 60 tỉ. Tuy nhiên, dù lượt mua vé nhiều hơn nhưng doanh thu Cô Ba Sài Gòn lại thấp hơn Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Điều này từng khiến tôi do dự từ khi phim chưa công chiếu. Câu chuyện muôn thuở về phần trăm ăn chia với rạp chiếu vẫn luôn khiến tôi đau đầu, nó khiến mình chạnh lòng khi tâm lực, sức lực, tiền của mình bỏ ra khó thu được về thành quả như ý. Nhưng tôi không thể cứ vướng ở đó mà không tiến tới, vì ngoài niềm tự hào của mình thì mình phải có trách nhiệm mang tiền về cho các nhà đầu tư. Làm phim ở Việt Nam phải chứng minh được cho các nhà đầu tư thấy rằng mình có lợi nhuận thì họ mới bỏ tiền cho dự án tiếp theo. Thành thử dù ức hay không, cũng đến lúc tôi phải thỏa hiệp.
Nhưng đúng là không bao giờ mọi chuyện dễ dàng như mình nghĩ. Vấn đề giảm giá vé ở rạp hiện nay khiến tôi và các nhà đầu tư lại phải đau đầu, vì khả năng sinh lợi của phim bị giảm đi rất nhiều. Gần như ngày nào tôi cũng đứng ngồi không yên với Cô Ba Sài Gòn, dù bản thân nó là một bộ phim hài hòa, rất hợp cho mong muốn giải trí của khán giả, lượt xem cũng nhiều nhưng vì chuyện các rạp cạnh tranh giảm giá vé mà doanh thu không thể đột phá. Là một nhà sản xuất, chắc chắn tôi lo đến sốt vó. Nếu tình trạng này mà kéo dài thêm một, hai năm nữa chắc tôi phải chuyển qua… bán chè cho lành.
Tôi không nói quá lên đâu. Ví dụ như trong ngày 20/11 vừa rồi, thời điểm phim đang công chiếu, lượng khán giả chủ lực là học sinh đến rạp rất đông, nhưng doanh thu Cô Ba Sài Gòn cũng không đột phá hay tăng vọt. Chứng tỏ dù lượng người xem tăng lên nhiều nhưng giá vé rẻ thì doanh thu vẫn thấp. Điều này càng thách thức hơn với nhiều thể loại phim mà không phải là phim gia đình, dòng phim chủ lực của điện ảnh Việt. So với Tấm Cám thì Cô Ba Sài Gòn đã là một dòng phim kén khán giả hơn, mà lại còn rơi vào thời điểm giá vé giảm thì thực sự là một thiệt thòi cho bộ phim và cho cả thói quen thưởng thức phim Việt. Nó giống như một vòng tuần hoàn vậy, doanh thu thấp thì sẽ dẫn đến vốn đầu tư thấp ở phim sau, mà đầu tư thấp thì chất lượng thấp, chất lượng thấp thì ai mà thèm xem phim Việt nữa!?
Đau đầu như vậy đấy, nhưng chúng tôi buộc phải tìm ra hướng đi chứ không thể bó gối chờ ngày giải nghệ. Hiện tôi và công ty đã có kế hoạch cho các dự án dài hạn của mình. Chúng tôi có một quỹ đầu tư điện ảnh mà trong đó chúng tôi xây dựng những kế hoạch không chỉ một phim mà nhiều phim trong một năm, hoặc theo từng quý. Điều này vừa khắc phục được nỗi lo một phim nào đó chẳng may bị thất thu, vừa đảm bảo được sự trơn tru cho nhiều dự án liên tục. Hiện tại thì quỹ này đã có được đủ số tiền đầu tư cho toàn bộ các dự án sẽ sản xuất trong năm 2018.
Đau đầu như vậy đấy, nhưng chúng tôi buộc phải tìm ra hướng đi chứ không thể bó gối chờ ngày giải nghệ. Hiện tôi và công ty đã có kế hoạch cho các dự án dài hạn của mình. Chúng tôi có một quỹ đầu tư điện ảnh mà trong đó chúng tôi xây dựng những kế hoạch không chỉ một phim mà nhiều phim trong một năm, hoặc theo từng quý. Điều này vừa khắc phục được nỗi lo một phim nào đó chẳng may bị thất thu, vừa đảm bảo được sự trơn tru cho nhiều dự án liên tục. Hiện tại thì quỹ này đã có được đủ số tiền đầu tư cho toàn bộ các dự án sẽ sản xuất trong năm 2018.
Về vấn đề cạnh tranh của một phim ra rạp cũng có nhiều thứ để nói. Tôi không sợ phim mình cạnh tranh với phim nước ngoài, vì tôi biết khán giả Việt vẫn có nhu cầu xem phim Việt rất nhiều. Ví dụ như Cô Ba Sài Gòn dù thời điểm ra rạp gần với Justice League nhưng tôi vẫn tự tin vì phim của mình tốt, vẫn có khán giả riêng. Thậm chí hiệu ứng truyền miệng của phim Việt nếu xảy ra thì luôn rất mạnh. Nếu khán giả đã có nhu cầu xem phim thì 2 phim hay họ vẫn xem, còn 3 phim mà dở thì tất nhiên là không xem.
Bù lại, tôi ngại cạnh tranh với phim Việt chiếu cùng thời điểm hơn. Ban đầu, Cô Ba Sài Gòn định chiếu trong tháng 8, nhưng "chợ" đông quá nên tôi đành phải mang "hàng" của mình sang chỗ khác ngay. Nhưng xin đừng hiểu lầm, LHP Busan ở Hàn Quốc không phải một giải pháp thức thời, mà nó nằm trong kế hoạch quảng bá của tôi. Giải pháp của tôi ở Việt Nam chính là dời đến thời điểm không phim Việt nào ra rạp. Theo tôi, phim Việt chiếu thời điểm nào cũng sẽ có người xem, tất nhiên là nếu phim tốt. Những dịp lễ lạt chỉ là góp phần tăng thêm lượng người xem chứ không thể quyết định số phận cả bộ phim. Thành thử nếu tôi cho Cô Ba Sài Gòn xuất xưởng chung với 6, 7 phim Việt khác dịp lễ 2/9 như ban đầu thì tức là tôi đang tự chặn bớt đường đi của mình. Một miếng bánh dù lớn nhưng phải chia phần quá nhiều thì đối với người nhận vẫn là một mẩu bánh nhỏ. Cho nên thà tôi dời 3 tháng mà an toàn. Phim dù gì cũng đã làm xong, tôi cũng không gấp gáp thu tiền nên nếu dời lịch mà chắc chắn hơn thì vẫn phải làm.
Các dự án sau tôi sẽ tập trung cho vai trò sản xuất, kể cả vị trí đạo diễn tôi cũng sẽ không làm
Tôi cũng biết người ta gọi mình là số làm phim thị phi, nhưng nghe vậy thôi chứ tôi để tâm làm gì! Tôi không quan tâm, cũng không ưa giải thích. Tính tôi rất nóng, khi có vấn đề gì xảy ra thì bản thân mình luôn phản ứng rất dữ dội, cơ bản vì tôi muốn bảo vệ sản phẩm, công sức của anh em. Thế nên dù đôi lúc tôi có hoảng lên thật nhưng tôi không làm bừa. Mọi hành động, quyết định hay phản ứng của tôi trước mọi người không phải là những phản ứng cảm tính. Chẳng hạn như sự vụ livestream phim vừa rồi, có người còn nói tôi đã sắp đặt để tạo ra vụ việc, hòng PR cho phim. Nhưng tất nhiên là tôi không dư hơi làm điều đó. Vì bản thân mỗi bộ phim ra rạp, tôi đều đã lên kế hoạch rất kĩ lưỡng, đi từng bước một. Nếu không có những sự cố như CGV hay quay lén, tôi vẫn tự tin mình sẽ làm cho bộ phim thành công. Nhưng nếu vạ trời cứ đổ xuống thì mình đành chịu, quan trọng là phải biết giải quyết nó như thế nào. Vì nếu tôi chủ đích tạo ra những thị phi, thậm chí là biết trước nó sẽ xảy ra thì chắc chắn tôi sẽ có cách khiến phim thắng lợi giòn giã hơn nữa chứ không chỉ khơi lên rồi dừng lại nửa chừng như bây giờ. Mọi người có thấy tôi "cao tay" hay thế nào thì cũng chỉ là kết quả của việc chúng tôi xử lý được vấn đề khi nó xảy ra, kể cả khi nó trái khuấy với toàn bộ kế hoạch đã định trước.
Những chuyện làm được trong vụ livestream thì tôi đã làm, còn vấn đề kết quả cuối cùng, người vi phạm bị xử lý thế nào thì đành phụ thuộc vào nhà chức trách cũng như những điều lệ do pháp luật quy định. Tôi chỉ có thể lên tiếng, thậm chí là kêu gào, để mọi người nhận ra những hành vi đó sẽ ảnh hưởng tệ hại đến nền điện ảnh như thế nào, dẫn đến những hậu quả khó khăn ra sao với những nhà sản xuất. Tôi cũng biết ý thức là chuyện lớn, không thể ngày một ngày hai mà thay đổi. Một mình tôi hay phim của tôi càng không thể thay đổi điều gì, mà rất cần đến các anh chị em nghệ sĩ khác cùng giúp sức. Nhớ lại khi sự việc xảy ra, tôi cũng ráo riết đốc thúc các em trong team gọi điện, liên lạc với những anh chị nghệ sĩ khác để cùng chung tay bài trừ tệ nạn quay lén nhưng chắc do mọi người bận rộn quá, chưa kể chắc chắn ai cũng ngại dính vào mấy chuyện lùm xùm nên cuối cùng cũng chỉ có mình tôi la, mình tôi gào, mình tôi quậy.
Tuy nhiên, dù có nóng tính nhưng chưa bao giờ tôi làm một điều gì vội vàng, không suy nghĩ. Mọi việc tôi làm, mọi quyết định tôi đưa ra, trong vụ việc livestream chẳng hạn, đều phải được suy xét dựa trên tình hình thực tế khi đó. Tôi đang có gì, làm điều này tôi sẽ mang lại kết quả như thế nào đều phải suy tính kĩ lưỡng. Cái nóng tính của tôi có thể nằm ở chỗ tôi muốn mọi thứ nhanh chóng được giải quyết, nhưng nó phải được giải quyết trên nền tảng có lợi ích, chứ không thể làm đại rồi tới đâu thì tới. Trong tất cả mọi việc, mình vẫn nên bình tĩnh mà sống.
Nhưng tôi cũng đã có kế hoạch cho những bộ phim sau về vấn đề bản quyền này. Có thể tôi sẽ sản xuất những video, hoặc những hoạt động để cảnh báo với khán giả về hành vi sai trái này. Và tôi nghĩ qua sự việc vừa rồi, ý thức số đông đã được đánh động khá đáng kể. Nhưng mình không vì thế mà bỏ mặc cho nó tự tốt lên, ngược lại càng phải có trách nhiệm nhắc đi nhắc lại để người ta tránh xa nó. Ý thức xem phim của người Việt chỉ mới đang hình thành thôi, những người như giới làm phim chúng tôi phải có trách nhiệm "nâng cấp" để nó văn minh hơn.
Trong tương lai, tôi cũng sẽ chỉ muốn tập trung làm phim, chứ không muốn dấn thân vào lĩnh vực nào khác nữa, kể cả là đào tạo ca sĩ. Sau 365, tôi nhận ra công việc đào tạo tài năng thật sự quá khó. Dự án kia mất 5 năm để 365 có được chỗ đứng trong thị trường, với hàng tấn công việc, đủ thứ cảm xúc mà tôi đã phải vượt qua, để mỗi thành viên phải có tố chất, thái độ để trở thành một ngôi sao chứ không riêng gì giọng hát hay tài năng. Đối với tôi, cái quá trình để người bình thường có được ý thức và phong thái của một ngôi sao thật sự rất dài. Không phải cứ cầm micro lên là trở thành ca sĩ hay ngôi sao được. Và giờ thì tôi không có thời gian để bỏ ra làm điều đó cho người khác nữa rồi vì nếu tập trung cho phim ảnh, một năm tôi làm được nhiều thứ hơn. Thời gian của tôi không còn nhiều để tiếp tục dạo chơi cái này cái kia nữa. Đam mê của tôi là điện ảnh, kể cả phim truyền hình cũng không có thời gian, nếu không làm phim nổi chắc tôi thật sự chỉ còn cách về phụ Lan Ngọc bán chè (cười lớn).
Nhưng nghiêm túc mà nói, các dự án sau này tôi sẽ tập trung chính cho vai trò sản xuất, kể cả vị trí đạo diễn tôi cũng sẽ không làm nữa. Nói có thể mọi người không hiểu hết, nhưng tôi giống như "thánh hốt" trong công ty. Mọi công đoạn từ sản xuất tiền kì, trung kì, hậu kì, chỉ đạo, ra set, chỉnh màu, pr-marketing tôi đều đã kinh qua, khâu nào hỏng thì tôi đều nhảy vào "hốt" được, và sau chừng ấy trải nghiệm tôi nhận ra mình giỏi nhất ở khâu nào. Công việc đạo diễn phim Tấm Cám có thể nói là trải nghiệm khó nhất mà tôi từng thử. Bao nhiêu gian khó về điều kiện ngoại cảnh như leo núi, chèo ghe, mưa gió tôi đều đã trải qua rồi. Tôi nhận ra hạn chế lớn nhất của một phụ nữ với vai trò này chính là sức khỏe.
Một người đàn ông khi ra phim trường có thể làm đến 22 tiếng một ngày, nhưng không phải người phụ nữ nào cũng làm được chuyện đó. Dù bản thân tôi tự thấy mình đã quá "trâu bò", 6 tháng chuẩn bị, 60 ngày quay ngoài phim trường tôi không đổ bệnh một ngày nào nhưng đạo diễn vẫn là một công việc quá khó khăn cho phụ nữ. Chưa kể các điều kiện về sinh hoạt, y tế cho việc làm phim ở Việt Nam rất khó khăn. Một đoàn phim ở nước ngoài lúc nào cũng tiện nghi kể cả khi quay ở những nơi hiểm trở. Họ dựng trại, dựng lều, có đầy đủ điều kiện sinh hoạt và y tế, thuốc men để đảm bảo cho mọi người. Còn ở Việt Nam thì khác, nội việc leo núi hay ra đồng trống đã khó khăn hơn rất nhiều rồi. Đã vậy, phụ nữ không thể thoải mái leo trèo hay tự do thể hiện như đàn ông, cho nên cực khổ trăm bề chứ không riêng gì chuyện sức khỏe.
Nhiều người cũng hay hỏi tôi về chuyện tình cảm hay chồng con, hỏi sao lúc nào tôi cũng chôn mình trong công việc. Nhưng thật sự là tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào, vì bản thân tôi cũng tự nghĩ rằng nếu lấy chồng về chắc cũng chỉ… để đó chứ không biết làm gì. Thời gian ngủ còn không có thì làm sao nghĩ đến chuyện thảnh thơi yêu đương. Chắc phải đến 90% thời gian hiện tại là tôi đã dành cho công việc, 10% còn lại thật sự để nghỉ ngơi, đọc sách, gặp gỡ bạn bè là quý lắm rồi. Hiện tại cuối năm, mọi người cũng chưa phải lao đầu vào dự án nào chứ đầu năm sau, khi bắt đầu sản xuất thì mấy phòng ban có khi làm đến 14, 16 tiếng một ngày chứ không riêng mình tôi nữa. Mỗi ngày của tôi từ lúc mở mắt đều đã phải sống rất nhanh. Trừ những lúc ngồi xuống thư giãn hay ngồi thiền, còn lại thì mình hoàn toàn bị cuốn vào guồng quay của công việc, đủ thứ chuyện phải lo mà không phải mình muốn chậm hay muốn dựa dẫm ai đó là sẽ được.
Tôi nghĩ vấn đề này không phải mình tôi đang trải qua. Hầu như giới trẻ đều đang phải chạy đua với thời gian, nhịp sinh hoạt bị phụ thuộc nhiều vào các yếu tố ngoại cảnh ví dụ như mạng xã hội. Bước ra đường bây giờ thấy ai cũng cắm mặt vào điện thoại, vì nếu không như vậy bạn sẽ giống như bị thế giới bỏ rơi. Chẳng hạn như một buổi sáng thức dậy, lướt facebook thôi có khi đã bay mất cả tiếng đồng hồ. Còn tôi, tôi luôn cố gắng để mình không phải lãng phí quá nhiều thời gian mà mình không kiểm soát được, nhưng không phải lúc nào mình cũng thành công. Bây giờ mỗi sáng thức dậy, tôi đều tự nói với mình rằng sang năm phải dành nhiều thời gian cho bản thân hơn, bớt công việc lại, sống cho mình nhiều hơn nhưng mà công việc thì nó vẫn đến và mình vẫn bị cuốn vào đó bất cứ lúc nào, chỉ có thể liên tục cố gắng cam kết với bản thân mà thôi.
Có thể người ta nghĩ mình nói thừa, nói đi nói lại một câu nhàm chán nhưng nếu không có đam mê với cái nghề này, chắc chắn mình đã gục ngã từ lâu rồi. Dù gì cũng là phụ nữ mà, làm nhiều đến mấy cũng thấy mệt, chịu cực giỏi đến mấy cũng đâu thể bằng đàn ông, nhưng vì đam mê thì phải cố gắng thôi. Nghề nào cũng vậy, chỉ cần thích thì mình sẽ làm được. Hiện tại tôi đang rất hứng thú với việc làm phim, nó thử thách tôi, trui rèn tôi, khiến tôi phải liên tục đặt ra những cái đích xa hơn cho sản phẩm của mình. Giả sử một ngày nào đó công việc này trở nên quá dễ dàng, không còn thách thức được tôi nữa thì chắc khi đó tôi mới có thể buông ra.
Phúc Du/Tri Thức Trẻ. Ảnh: Kim Điền