Lý do vì người nhận có thể không hiểu đúng ý nghĩa biểu tượng cảm xúc (emoji) mà bạn gửi, dẫn đến hiểu lầm không đáng có.
Việc nhắn tin mà không có emoji đã trở thành điều không thể tưởng tượng được, khi những các chữ tượng hình này trở thành một phần chính của giao tiếp trực tuyến toàn cầu. Thế nhưng, liệu chúng ta có thực sự hiểu đúng ý nghĩa emoji nhận được không?
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham (Anh) đã thực hiện một cuộc khảo sát với hàng trăm người Anh và Trung Quốc trưởng thành. Họ cho biết: “Một số biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt phổ biến có thể không được hiểu đồng nhất khi được chuyển thành emoji. Người nhận có thể hiểu emoji khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, nền tảng văn hóa và giới tính của họ”.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu cho biết người nhắn tin Trung Quốc có thể sử dụng emoji nụ cười để gợi ý những hàm ý tiêu cực như mỉa mai, do đó họ ít có khả năng nhận diện nó là "vui vẻ" so với những người ở Anh.
Nhóm nghiên cứu đã viết trong một bài báo đăng trên tạp chí bình duyệt PLOS ONE hôm 14.2: “Những phát hiện của chúng tôi liên quan đến tuổi tác và văn hóa nêu bật tầm quan trọng của bối cảnh trong việc sử dụng emoji. Ví dụ, có khả năng rằng những người ở Trung Quốc thường xuyên sử dụng emoji cười để diễn đạt ý nghĩa khác ngoài việc chỉ bày tỏ sự hạnh phúc”.
Tạp chí bình duyệt là một loại tạp chí nghiên cứu khoa học, trong đó bài báo được chấp nhận xuất bản sau khi trải qua đánh giá và kiểm tra chất lượng bởi các chuyên gia đồng nghiệp. Đây là những chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tương ứng với nội dung bài báo.
Quá trình bình duyệt giúp đảm bảo rằng các nghiên cứu được công bố trong tạp chí đều trải qua quá trình kiểm tra chất lượng và tính khoa học cao. Bài báo sẽ được gửi đến một hoặc nhiều chuyên gia đồng nghiệp, những người sẽ xem xét kỹ lưỡng nội dung, phê duyệt hoặc từ chối dựa trên các tiêu chí như phương pháp nghiên cứu, dữ liệu, kết quả và đánh giá hợp lý.
Các tạp chí bình duyệt thường được xem là nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy trong cộng đồng nghiên cứu và giáo dục.
Để thực hiện nghiên cứu của mình, nhóm đã tuyển dụng 253 người dùng internet Trung Quốc và 270 người Anh trong độ tuổi từ 18 đến 84 thông qua các nền tảng khảo sát trực tuyến. Những người tham gia được yêu cầu xem lại các emoji đại diện cho 6 cảm xúc hạnh phúc, ghê tởm, sợ hãi, buồn bã, bất ngờ và tức giận.
Các emoji được lấy từ bốn nền tảng là Apple, Android, Windows và WeChat. Emoji trên mỗi nền tảng có thiết kế khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét tần suất những người tham gia diễn giải ý nghĩa của emoji theo cách phù hợp với nhãn do nhóm chỉ định.
Họ phát hiện ra rằng những người tham gia càng lớn tuổi thì càng ít hiểu đúng ý nghĩa được gán cho các emoji ngạc nhiên, sợ hãi, buồn bã và tức giận
Xét về sự phân chia giới tính, phụ nữ có nhiều khả năng phù hợp với các emoji vui, sợ hãi, buồn bã và tức giận hơn nam giới. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về giới tính với các emoji ngạc nhiên hoặc ghê tởm.
Họ cũng quan sát thấy rằng những người tham gia ở Anh hiểu đúng ý nghĩa các nhãn được chỉ định cho emoji vui, sợ hãi, buồn bã, tức giận và ngạc nhiên. Trong khi nhiều người Trung hiểu đúng ý nghĩa emoji ghê tởm hơn.
Tác giả chính Ruth Filik, Phó giáo sư tại trường tâm lý học của Đại học Nottingham, nói nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt cá nhân trong cách người ta giải thích emoji.
“Điều quan trọng cần lưu ý là kết quả cho thấy tần suất người tham gia gắn nhãn emoji khác hay giống các nhà nghiên cứu. Điều này phản ánh sự khác biệt trong cách người ta diễn giải emoji thay vì một số người chính xác hơn những người khác. Ví dụ, nếu những người tham gia Trung Quốc sử dụng biểu tượng cảm xúc mỉm cười để biểu thị đang mỉa mai thì họ có thể ít gắn nhãn nó với ý nghĩa 'hạnh phúc' hơn những người ở Anh", bà nói.
Những nhà nghiên cứu cho rằng kết quả về sự khác biệt cá nhân có thể có ảnh hưởng rộng lớn ngoài tin nhắn văn bản khi việc sử dụng emoji ngày càng mở rộng. Một ví dụ là quảng cáo kỹ thuật số, trong đó “các tập đoàn đa quốc gia có thể cần áp dụng các emoji khác nhau cho mục đích tiếp thị ở những quốc gia khác nhau”.
Emoji được dùng nhiều nhất năm 2023
Emoji cười ra nước mắt có tần suất sử dụng cao nhất năm 2023.
Emojipedia, đơn vị thuộc Unicode Consortium - tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm số hóa ngôn ngữ trên thế giới, chuyên thống kê những emoji được sử dụng nhiều nhất thế giới.
Trong top 10 emoji năm 2023 do Emojipedia công bố, hầu hết biểu tượng cảm xúc mang hàm ý tích cực. 5 emoji được dùng nhiều nhất năm 2023 lần lượt là cười ra nước mắt, cười lăn lộn, trái tim màu đỏ, chắp tay cảm ơn và khóc to.
5 emoji tiếp theo trong top 10 là mắt trái tim, lấp lánh, ngọn lửa, đôi mắt biết cười và khuôn mặt đang yêu.
"Top 10 emoji của năm 2023 cho thấy nhiều người đang tiếp tục thể hiện sự tích cực của mình với gia đình và bạn bè. Tôi tin xu hướng này có thể tiếp diễn vào năm mới và emoji cười ra nước mắt vẫn sẽ phổ biến trên toàn cầu", chuyên gia Keith Broni của Emojipedia nhận xét.
Cũng theo Keith Broni, xu hướng sử dụng emoji ngày càng nhiều đang cho thấy đây vẫn là công cụ giao tiếp mạnh mẽ. "Tôi hoàn toàn không nghĩ emoji sẽ lụi tàn", ông nói thêm.
Đây không phải lần đầu "cười ra nước mắt" trở thành emoji được dùng nhiều nhất năm. Nó cũng được dùng nhiều nhất vào năm 2019 và 2021. Năm 2015, emoji này thậm chí khiến Đại học Oxford (Anh) phá lệ, bình chọn là "từ của năm".
Song theo hãng tin CNN, emoji cười ra nước mắt từng khởi nguồn cho một số tranh cãi. Biểu tượng này được thế hệ Y (sinh từ năm 1981 đến 2006) ưa chuộng, nhưng bị thế hệ thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) đánh là nhạt nhẽo và "chỉ người già mới sử dụng".
Emoji được thiết kế và ra đời năm 1999, xuất hiện trên một số mẫu điện thoại, lan truyền mạnh mẽ kể từ sau năm 2010. Năm 2015, Giáo sư Vyv Evans của Đại học Bangor từng gọi biểu tượng cảm xúc là "ngôn ngữ phát triển nhanh nhất ở Anh".
Tính đến nay, có 3.782 emoji đã được Unicode Consortium chứng nhận.