Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ước khoảng 24,1% thu ngân sách và có thể sẽ tăng lên mức 27,4%. Điều này có thể gây thêm áp lực đối với thu ngân sách và giảm cơ hội ưu đãi tài khóa.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), số liệu của Bộ Tài chính cho thấy nợ công của Việt Nam tính cho năm 2020 là khoảng 3,63 triệu tỉ đồng, xấp xỉ 56,8% GDP, dưới ngưỡng trần Quốc hội cho phép (65%).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, đây chính là dư địa quan trọng cho điều hành chính sách trong các kịch bản sắp tới. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 24,1% thu ngân sách và có thể sẽ tăng lên mức 27,4% thu ngân sách.
“Tình trạng này có thể gây thêm áp lực với thu ngân sách và giảm cơ hội ưu đãi tài khóa để hỗ trợ các ngành kinh tế được ưu tiên”, CIEM nhận định.
Có chiến lược đúng đắn về xuất nhập khẩu
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu, theo CIEM, xuất khẩu trong quý 3/2020 đạt 79,8 tỉ USD và ước đạt 78,9 tỉ USD ở quý 4, với mức tăng trưởng lần lượt là 10,7% và 13,3%. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 281,5 tỉ USD, tăng 6,5%.
CIEM nhận định tăng trưởng xuất khẩu đã có sự phục hồi khá nhanh trong quý 3 và 4/2020, sau khi gặp khó khăn nghiêm trọng trong quý 2/2020 do hệ lụy của COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch.
Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có sự phục hồi mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020, qua đó đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu chung năm 2020.
Cụ thể, xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài quý 3 đạt 56,5 tỉ USD, quý 4 ước đạt 59,6 tỉ USD, tương ứng tăng 12,6% và 20,7% so với cùng kỳ 2019.
Xuất khẩu khu vực trong nước đạt 23,3 tỉ USD trong quý 3 (tăng 6,4%) và giảm nhẹ vào quý 4 đạt 19,3 tỉ USD (giảm 4,8%).
Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỉ USD, giảm 1,1%. Xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỉ USD, tăng 9,7%.
CIEM nhận định xuất khẩu vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn trong nửa cuối năm 2020. Cụ thể là các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt rào cản phi thuế quan; sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, cũng như thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào và gia tăng chi phí vận chuyển, lưu kho.
Về mặt hàng, quý 3/2020 có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 75%. Trong quý 4/2020, con số này tăng lên 12 mặt hàng, chiếm 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung cả năm 2020, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 64,3%).
Trong khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản, thuỷ sản đều giảm (ngoại trừ xuất khẩu gạo tăng do giá tăng) thì tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đã đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung.
Cụ thể, mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 47,8%.
Cũng theo CIEM, Việt Nam đạt thặng dư thương mại hàng hóa gần 11,1 tỉ USD trong quý 3/2020 và 2,5 tỉ USD quý 4/2020. Tính chung năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỉ USD.
Theo khu vực, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,5 tỉ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,6 tỉ USD. Với mức xuất siêu kỷ lục này, đây là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam đạt thặng dư thương mại tăng đều qua các năm.
“Qua đó thể hiện hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành cùng chiến lược đúng đắn về xuất nhập khẩu, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam ngay cả trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới”, CIEM nhận định.
Vẫn nhiều thách thức từ EVFT
CIEM cũng đánh giá Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1.8.2020 đã mở ra cánh cửa lớn cho Việt Nam tiếp cận sâu rộng và hiệu quả hơn với thị trường xuất khẩu. Một số mặt hàng phần nào tận dụng được các ưu đãi, thông qua lượng C/O mẫu EUR1 được cấp tăng lên đáng kể, như giày dép, thủy sản, nhựa, sản phẩm mây, tre, đan, nông sản.
So với tháng 7.2020, xuất khẩu nông sản sang EU trong tháng 8 và tháng 9.2020 lần lượt tăng tương ứng 11,5% và 32,4%, phần nào khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam trong việc đáp ứng được các tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng khắt khe của châu Âu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm sang EU bắt đầu tăng trưởng tốt từ đầu quý 3 đạt 472,3 triệu USD, tăng 5,2% trong 11 tháng của năm 2020.
Tuy nhiên, EVFTA đặt ra không ít thách thức, nhất là các yêu cầu phi thuế quan, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy cách đóng gói, dán nhán, môi trường, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội…
Khả năng điều chỉnh sau khi Vương quốc Anh và Bắc Ai-len rời khỏi EU cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này, kể cả khi đã có thêm UKVFTA.
CIEM cũng nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19 chính là hai nhân tố trọng yếu đẩy nhanh chuyển dịch đầu tư đến các quốc gia Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa địa điểm đầu tư, giảm thiểu rủi ro và hệ lụy do “gián đoạn” và “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng.
Với một thị trường phát triển năng động và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, mạng lưới nhiều FTA và môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn với các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, CIEM cho rằng một số thách thức quan trọng với Việt Nam là ứng xử hiệu quả về vĩ mô với gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam; xử lý các điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn nhân lực và thúc đẩy hợp tác trong ASEAN để cùng thu hút đầu tư, thay vì “đua xuống đáy”.