Sự kiện Vũng Áng gây thảm họa trực tiếp cho bốn tỉnh miền Trung có lẽ là thảm họa môi trường lớn nhất của Việt Nam từ sau năm 1975 tới nay. Sự kiện này còn kéo dài lâu nữa cho tới khi phần lớn việc khắc phục được coi như hoàn tất, nhưng giai đoạn khủng hoảng của nó có thể coi như đã khép lại với việc ban lãnh đạo Formosa chính thức nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân Việt Nam.

Nghĩ sau khi Formosa nhận trách nhiệm về thảm họa môi trường Vũng Áng

02/07/2016, 12:27

Sự kiện Vũng Áng gây thảm họa trực tiếp cho bốn tỉnh miền Trung có lẽ là thảm họa môi trường lớn nhất của Việt Nam từ sau năm 1975 tới nay. Sự kiện này còn kéo dài lâu nữa cho tới khi phần lớn việc khắc phục được coi như hoàn tất, nhưng giai đoạn khủng hoảng của nó có thể coi như đã khép lại với việc ban lãnh đạo Formosa chính thức nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân Việt Nam.

Bài viết này nêu lên vài suy nghĩ sau khi nghe ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị Formosa tuyên bố nhận trách nhiệm.

Nếu Formosa hợp tác sớm hơn

Tôi hài lòng về việc cuối cùng Formosa nhận lỗi gây thảm họa môi trường và công khai xin lỗi người dân Việt Nam, nhất là người dân tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp. Tôi hiểu sự bức xúc của dân chúng về sự chậm trễ xác nhận nguyên nhân. Tuy nhiên, với một công ty lớn như Formosa, trước một sự việc có tầm ảnh hưởng rộng và lớn như vậy, sự xác định trách nhiệm sẽ kèm theo các thiệt hại rất rất lớn của công ty về uy tín, giá trị thương hiệu, số tiền bồi thường và khắc phục hậu quả… Cho nên tôi thông cảm việc 3 tháng sau khi thảm họa bùng ra thì trách nhiệm mới được xác định.

Tuy nhiên tôi có câu hỏi: Với các hoạt động mà Formosa đã tiến hành một cách thiếu kỹ lưỡng, lỏng lẻo như vậy, và có thể còn có những hoạt động, vận hành khuất tất khác, thì khi sự cố xảy ra với tác hại lớn tới mức đó, nếu họ hợp tác với phía Việt Nam ngay từ đầu thì quá trình xác định nguyên nhân và xác định nguồn thải có lâu tới 3 tháng hay không? Và như vậy thì sự khắc phục thảm họa có nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn không vì khi đó ô nhiễm chưa ngấm sâu vào môi trường?

Tôi chưa có ý kiến về số tiền Formosa đề nghị bồi thường là thỏa đáng hay chưa. Theo tôi, nên có một ủy ban điều tra và thẩm định thiệt hại và công bố cho dân chúng. Mức độ thiệt hại cần tính trên thiệt hại trước mắt (cá chết, thu nhập hàng ngày mất đi…) và thiệt hại lâu dài (cải tạo môi trường, vực dậy thương hiệu, tái thiết nền kinh tế…). Việc điều tra và thẩm định thiệt hại cần có mặt nhiều chuyên gia kinh tế, pháp luật, nhiều thành phần trong xã hội ngoài chính quyền, trong đó không thể thiếu đại diện của chính người dân bốn tỉnh bị thiệt hại. Sau khi đã xác định con số thiệt hại thì mới thương lượng đền bù với Formosa.

Chính quyền cần rút ra những bài học về quản lý

Thu xếp sự việc như thế này là tương đối tốt nếu so sánh với những sự việc trong quá khứ. Thuyết phục Formosa nhận trách nhiệm là một thành công của Chính phủ.

Tuy nhiên, để một nhân tai lớn như vậy xảy ra, chính quyền cũng có lỗi với dân. Formosa đã xin lỗi. Nếu có một lời xin lỗi nhân dân từ Chính phủ, chắc hẳn điều đó sẽ đưa Chính phủ tới gần dân hơn. Sau khủng hoảng này, Chính phủ nên cân nhắc các động thái trong việc khắc phục thảm họa để lấy lại được lòng tin của dân chúng hầu có thể huy động sức dân mênh mông mà xây dựng Tổ quốc mạnh giàu.

Chính phủ cần có chương trình đền bù cho dân chúng, một chương trình bảo đảm tiền đền bù tới đúng tay người bị thiệt hại. Để tạo lòng tin nơi dân chúng, chương trình này nên có sự tham gia hay quan sát của các thành phần ngoài chính quyền và của giới truyền thông báo chí. Nguyên tắc chung là càng minh bạch càng tốt.

Quan trọng không kém đền bù, một chương trình hậu thảm họa bao gồm khắc phục sự cố môi trường và tái thiết lại nền kinh tế cần được gấp rút vạch ra.

Chính phủ cần đưa ra một lộ trình điều tra và xem xét các nguyên nhân quản lý dẫn tới nhân tai này. Sau đó là xử lý các nguyên nhân đó, và xử lý những cá nhân chịu trách nhiệm.

Đây là bài học rất lớn mà Chính phủ cần có chương trình phân tích sự kiện nhằm rút ra các bài học thực tế rất sinh động trên nhiều mặt. Các bài học nên rút ra trước nhất là các bài học về quản lý: quản lý chung, rủi ro, kiểm tra, khủng hoảng, truyền thông, kế hoạch, khắc phục…

Người dân cần biết các quyền và quyền lợi của mình

Người dân cần biết các quyền và quyền lợi của mình một cách chính xác. Nếu chưa biết rõ thì yêu cầu chính quyền xác định minh bạch. Biết để có cách hành xử chững chạc thực thi các quyền của mình nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình. Không ai phục vụ cho ta tốt hơn là chính ta. Không ai bảo vệ quyền lợi cho ta tốt hơn là chính ta.

Người dân cần hiểu rõ rằng chính quyền là để, và phải, phục vụ người dân. Chính quyền phục vụ dân chúng tốt nhất là chính quyền thực thi trách nhiệm của mình tốt nhất. Dân chúng và chính quyền đều hiểu rõ những điều trên thì sự hợp tác giữa chính quyền và dân chúng mới hài hòa hơn; những khủng hoảng như thảm họa môi trường Vũng Áng mới được quản lý tốt hơn, khắc phục nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ sau khi Formosa nhận trách nhiệm về thảm họa môi trường Vũng Áng