Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong cam kết WTO, cho đến nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền nhập khẩu nhưng chưa được phân phối dược phẩm.

Nghị định 54 và Thông tư hướng dẫn có vi phạm cam kết WTO?

Trí Lâm | 02/03/2018, 14:21

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong cam kết WTO, cho đến nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền nhập khẩu nhưng chưa được phân phối dược phẩm.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa tổ chức Tọa đàm về Chính sách mới đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp và các chuyên gia pháp lý, một số quy định mới trong lĩnh vực dược phẩm như Nghị định 54/2017/ND-CP hướng dẫn thực hiện Luật Dược và dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 còn có nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và các luật có liên quan, đồng thời có nhiều quy định can thiệp sâu vào hoạt động tự chủ của doanh nghiệp.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thu Trang, cho biết: “Theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền tự quyết, tự chủ trong hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy doanh nghiệp có quyền tự mình thực hiện các hoạt động hoặc ủy thác, thỏa thuận với các chủ thể khác thực hiện các hoạt động của mình, pháp luật không thể can thiệp vào quyền này của doanh nghiệp”.

Vì vậy, bà Trang đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh Dự thảo theo hướng bỏ các quy định bắt buộc về việc “phải trực tiếp” thực hiện các hoạt động liên quan tới phân phối.

Theo ông Chung Yee Seck, luật sư công ty luật Baker & McKenzie và đại diện cho tiểu ban pháp lý của Hiệp hội thương mại Mỹ, Nghị định 54 và Dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc, là những dịch vụ không bị cấm hay hạn chế bởi Luật Dược.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam không cho phép các văn bản pháp luật được áp dụng hồi tố trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định trong Luật Ban hành các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, Dự thảo thông tư quy định các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ Nghị định 54, tức ngừng các hoạt động bảo quản và vận chuyển thuốc ngay khi Dự thảo này có hiệu lực.

Theo luật sư này, quy định này không chỉ trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trái với tinh thần cởi mở của Luật Dược, mà còn không phù hợp với nguyên tắc bảo hộ đầu tư theo Luật Đầu tư và nguyên tắc không hồi tố của Luật ban hành các văn bản pháp luật và Cam kết của Việt Nam gia nhập WTO.

Theo luật sư Lê Nết, đến từ Công ty luật Lê Nết, dự thảo thông tư còn nhiều bất cập và hạn chế các quyền kinh doanh của doanh nghiệp được quyđịnh trong các văn bản pháp luật khác.

Ví dụ, Dự thảo thông tư không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cho thuê hay cho mượn kho bãi. Quy định này trái với Luật Đất đai và Luật kinh doanh bất động sản cho phép doanh nghiệp được cho thuê hoặc mượn bất động sản gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng có những quyđịnh làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phân phối thuốc. Ví dụ, quyđịnh việc xuất hàng và giao hàng cho các cơ sở bán buôn thuốc phải được thực hiện tại chính kho bản quản thuốc của đơn vị nhập khẩu.

Theo ông Nết, quy định này trái với Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại cho phép các bên có thể thoả thuận về địa điểm giao hàng. Quy định này cũng sẽ buộc các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn phải đầu tư thêm kho bảo quản và tự vận chuyển thuốc từ kho của cơ sở nhập khẩu về kho của mình, gây thêm những chi phí không cần thiết cho hoạt động phân phối thuốc và gián tiếp làm tăng giá thuốc, trong khi các kho bãi đã được đầu tư xây dựng không được tận dụng.

“Việc phải vận chuyển lòng vòng cũng làm tăng chi phí, tăng ô nhiễm môi trường và áp lực lên hệ thống giao thông của Việt Nam”, ông Nết nêu.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Vụ pháp chế là cơ quan thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật này. Theo đó, việc thẩm định dựa trên 5 nguyên tắc: Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm tính công khai, minh bạch; bảo đảm bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam; bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp nhưng và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ông Quang cho rằng, trong cam kết WTO, cho đến nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền nhập khẩu nhưng chưa được phân phối dược phẩm. Hơn nữa, căn cứ quy định Điều 44 của Luật Dược, Bộ Y tế đủ thẩm quyền để ban hành thông tư này, chứ không trái thẩm quyền.

Cũng theo ông Quang, đối với các doanh nghiệp trước đây đã có thực hiện hoặc núp bóng dưới các doanh nghiệp tại Việt Nam để thực hiện quyền phân phối, Bộ Y tế đã có cuộc họp với các cơ quan chức năng bàn về cách giải quyết những tồn đọng này. Tuy nhiên, Bô Y tế vẫn tạo các điều kiện, môi trường ổn định trong đầu tư kinh doanh nói chung và thuốc nói riêng.

“Bộ Y tế sẽ đứng ở giữa, một bên là Cục Quản lý dược còn một bên là các bên bị tác động, sẽ thẩm định kỹlưỡng”, ông Quang nói.

Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, các cơ quan quản lý cần nghĩ theo hướng mở rộng cam kết.

“Việc tuân thủ các cam kết WTO là cần thiết nhưng cần phải nghĩ xa hơn đến tương lai, tức là quy định cần phải mở hơn những gì đã cam kết thay vì chỉ bám vào các cam kết để hạn chế kinh doanh”, ông Thành nói.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị định 54 và Thông tư hướng dẫn có vi phạm cam kết WTO?