Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, vụ 100 container xuất sang Ý chưa có kết luận cuối cùng về việc doanh nghiệp (DN) Việt có bị lừa đảo hay không, tuy nhiên, đây là bài học đắt giá cho các DN khi tham gia thị trường xuất nhập khẩu, nhất là với đối tác nước ngoài.

Nghi án lừa đảo 100 container hạt điều: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Bùi Trí Lâm | 17/03/2022, 17:40

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, vụ 100 container xuất sang Ý chưa có kết luận cuối cùng về việc doanh nghiệp (DN) Việt có bị lừa đảo hay không, tuy nhiên, đây là bài học đắt giá cho các DN khi tham gia thị trường xuất nhập khẩu, nhất là với đối tác nước ngoài.

Từ tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán, thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 DN Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Ý với tổng số lượng gần 100 container cho nhiều khách hàng Ý và bắt đầu giao hàng. Tuy nhiên, khi DN thu tiền hàng qua hình thức D/P (giao tiền sẽ giao chứng từ) thì phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên đã tìm cách ngăn chặn các lô hàng.

Mặc dù vậy, vẫn có 36 container, giá trị hơn 7 triệu USD đã và đang đến các cảng của Ý trong tháng 3 trong khi DN và ngân hàng Việt Nam bị mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ của lô hàng. Không rõ các bộ chứng từ này đang ở đâu trong khi theo thông lệ quốc tế, bất cứ ai có được tài liệu này đều có thể đến hãng tàu để lấy hàng.

Có 4 hãng tàu liên quan đến vụ việc là: Cosco, Yangming, HMM, One. Vinacas cũng đã gửi thư đến các hãng đề nghị áp dụng biện pháp "khẩn cấp" tạm thời giữ các container hàng đã và đang trên đường đến các cảng của Ý. Đồng thời, mong muốn các hãng tàu hướng dẫn cụ thể cho các DN chủ hàng thủ tục cần làm để được hoàn trả hàng trong trường hợp người bán không nhận được thanh toán từ ngân hàng của người mua.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết đã báo cáo đến Thủ tướng về vụ việc một số DN có dấu hiệu bị lừa đảo khi xuất hàng sang Ý.

Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vụ việc này? Đâu là lỗ hổng của doanh nghiệp Việt khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Vụ việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ bị lừa đảo và mất hàng với số tiền lớn đã thể hiện lỗ hổng và điểm yếu của DN Việt Nam khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, mà vấn đề cần lưu ý ở đây là việc lựa chọn hình thức thanh toán.

Cụ thể, trong vụ việc này, các DN chế biến, xuất khẩu điều đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P). Nhờ thu trả tiền trao chứng từ là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán.

Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay. Phương thức này có sự ràng buộc chặt chẽ giữa việc thanh toán tiền và việc nhận hàng của bên mua. Ngân hàng sẽ thay mặt người bán khống chế bộ chứng từ hàng hóa.

Nhưng rủi ro ở chỗ, người bán thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa của người mua, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua. Người mua có thể kéo dài việc trả tiền bằng cách chưa nhận chứng từ hoặc có thể không nhận hàng hóa khi tình hình thị trường bất lợi đối với họ. Như vậy, quyền lợi của bên bán vẫn chưa thực sự được đảm bảo.

Vụ việc các DN ngành điều đứng trước nguy cơ bị lừa mất 36 container hàng trị giá trên 160 tỉ đồng cho thấy lừa đảo thương mại quốc tế ngày càng tăng. Thực tế mấy năm gần đây, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công thương và một số đơn vị liên quan cũng liên tục có cảnh báo về lừa đảo thương mại quốc tế với rất nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, tình trạng lừa đảo quốc tế càng gia tăng. Chuyện lừa đảo trong thương mại quốc tế cũng không phải hiếm với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Nhưng điểm đặc biệt trong trường hợp các DN ngành điều lần này là lại xảy ra ở châu Âu, với số lượng hàng và giá trị khá lớn và cùng lúc nhiều doanh nghiệp bị lừa. Trong giao dịch quốc tế thường thì bên mua bên bán phải biết rõ về nhau và có lòng tin vững chắc về nhau mới giao dịch qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P). Trong trường hợp ngành điều lại là khách hàng mới, chưa có thông tin mà giao dịch qua hình thức D/P này là rất rủi ro.

chebiendieu.jpg
Công nhân đang chế biến điều - Ảnh: TTXVN

Theo ông, khi xảy ra trường hợp có nguy cơ bị lừa như vụ hạt điều thì các doanh nghiệp phải làm gì?

- Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc các container điều ở Ý, nhưng nếu đây đúng là một vụ lừa đảo thì tính nghiêm trọng thể hiện ở việc liên quan đến nhiều DN xuất khẩu Việt Nam với khối lượng lên đến hàng chục container điều. Việc này cho thấy vụ lừa đảo đã được dàn dựng tinh vi trên quy mô lớn.

Sau khi nhận được thông tin về vụ việc các DN xuất khẩu điều gặp khó khăn tại Ý, hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp, nhanh chóng vào cuộc để gỡ khó cho các DN. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, DN cần cẩn trọng có các phương án dự phòng rủi ro hơn trong các giao dịch thương mại.

Theo đó, trong trường hợp các đơn hàng đã được chuyển đi mà doanh nghiệp nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo, các DN phải nhanh chóng liên hệ các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu đề nghị các hãng tàu trên áp dụng biện pháp “Khẩn cấp” - tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng, không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc; Chỉ cho phép giải phóng hàng khi nhận được xác nhận từ các công ty chủ hàng.

Vậy việc khởi kiện sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?

- Trong vụ việc nghi bị lừa đảo 100 container điều xuất sang Ý lần này, các DN Việt cần nhanh chóng tìm đến các luật sư ở Việt Nam thông hiểu về giao thương quốc tế để làm thủ tục khởi kiện các nhà nhập khẩu có dấu hiệu lừa đảo theo quy định trong hợp đồng.

Việc 5 container đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Ý ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời của các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, sự vào cuộc của luật sư và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phía các công ty Việt Nam đã hết nguy hiểm vì hiện nay có người tự nhận là bên mua đã thuê luật sư và liên hệ với tòa án Ý để đòi trả hàng vì họ có chứng từ gốc.

Sau khi có phán quyết giữ hàng trên, thì chắc chắn là hàng an toàn nằm ở cảng, nhưng giới chức Ý sẽ phải ra phán quyết ai là chủ thực sự của lô hàng và giải phóng lô hàng trả về cho chủ. Và việc chứng minh là chủ sở hữu thực sự lô hàng trong trường hợp mất kiểm soát chứng từ gốc là không hề đơn giản.

Phương án tối ưu hiện nay là các DN Việt Nam có liên quan cần liên kết thành một mối, cùng hành động nhanh chóng để tòa án Ý coi đây là vụ phạm tội nguy hiểm và đưa ra xét xử sớm, tránh nguy cơ hàng bị các bên khác nhòm ngó và những tổn thất tài chính như phí lưu kho bãi và hàng bị hỏng.

Tất cả các DN bị ảnh hưởng nên tập hợp thông tin chứng từ như hợp đồng, bản copy vận đơn của những lô hàng còn lại gửi ngay cho phía Ý và luật sư. Sau đó cần tìm luật sư và ký ủy quyền cho luật sư thay mặt làm việc với các cơ quan liên quan của Ý. Liên tục cập nhật tình hình, hợp tác và làm theo hướng dẫn của Thương vụ Việt Nam tại Ý và luật sư.

ls.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw - Ảnh: NVCC

Theo ông, trong vụ việc này, mấu chốt sẽ là gì? DN có thể khắc phục ra sao?

- Có những vấn đề mấu chốt cần làm rõ để xác định trách nhiệm của các bên trong vụ việc này.

Thứ nhất là vai trò của công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Cần xác minh từ đâu họ có được thông tin của người mua để kết nối vấn đề mua bán. Trong vai trò môi giới, Kim Hạnh Việt đã kiểm tra, xác nhận tỉ mỉ thông tin pháp lý của người mua hay chưa. Ngoài vai trò môi giới, họ còn có vai trò gì khác hay không?

Thứ hai, cần làm rõ thông tin của bên bán. Cụ thể, kể từ lúc tiếp nhận thông tin từ môi giới, các DN đã làm gì với thông tin này; có trực tiếp làm việc với người mua để xác lập hợp đồng không hay chỉ dựa trên thông tin của môi giới cung cấp mà đi đến ký kết hợp đồng?

Thứ ba là vấn đề thực hiện hợp đồng. Để biết được quyền của bên bán và bên mua sẽ được điều chỉnh như thế nào, cần phải dựa vào hợp đồng để xử lý, nếu đó là một hợp đồng có thật, được xác lập một cách hợp pháp. Từ đó, xác định yếu tố lỗi của các giao dịch này, làm cơ sở để xác định trách nhiệm thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại phát sinh nếu có.

- Từ góc nhìn của một người làm nghề luật, ông có những khuyến nghị khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, các điều khoản nào cần lưu ý cho doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng?…

Vụ việc này tuy chưa có kết luận cuối cùng về việc DN Việt có bị lừa đảo hay không, tuy nhiên, vụ việc này cũng là bài học đắt giá cho các DN tham gia thị trường xuất nhập khẩu, nhất là với đối tác nước ngoài: Đó là cần tìm hiểu kỹ đối tác.

Khi giao dịch với khách hàng cần ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian.

Điều này luôn đúng với tất cả các giao dịch, không chỉ với các đối tác quốc tế, mà cả trong nước. Bởi nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam không quá chủ quan, tin tưởng vào phía đơn vị môi giới – công ty Kim Hạnh Việt mà cẩn trọng trong việc tìm hiểu, xác minh thông tin của đối tác nước ngoài để kịp thời phát hiện sớm những nghi vấn trước khi gửi hàng thì có lẽ sự việc không xảy ra.

Sự cố lần này đến từ tâm lý chủ quan của các đơn vị trong nước. Sự chủ quan, trước hết là do doanh nghiệp rất cần bán được điều nhân trong tình cảnh thương mại khó khăn. Thứ hai là sự chủ quan trong việc tìm hiểu thông tin người mua. Điều này được chính Vinacas thừa nhận. Theo Vinacas đánh giá, các doanh nghiệp điều Việt Nam đã quá chủ quan và tin tưởng vào môi giới. Các doanh nghiệp cũng chưa biết rõ phía đối tác bên Ý, nhưng lại tin tưởng giao hàng.

Ngoài ra, cần lựa chọn nhà nhập khẩu uy tín trong thương mại quốc tế. Theo Thương vụ Việt Nam tại Ý, vấn đề của các DN Việt là thực hiện hợp đồng lớn, với những đối tác mới hoàn toàn mà không kiểm tra độ tín nhiệm và khả năng tài chính của người mua. Trong vụ việc này, sau quá trình kiểm tra sơ bộ thì có thể nhận thấy rằng nhóm người lừa đảo đứng tên mấy công ty, đều có đăng ký ở Ý nhưng rất nhỏ mà lại đặt đơn hàng lớn như vậy thì ngay lập tức các DN cần có sự cảnh giác và nghi ngờ.

Hơn nữa, còn cần phải cho người thương vụ đi kiểm tra và xác minh các thông tin của bên mua để đảm bảo độ uy tín rồi mới tiến đến giao kết hợp đồng. Bên cạnh việc xác thực người mua, các DN cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về xuất nhập khẩu, đào tạo được đội ngũ cán bộ ngoại thương nhiều kinh nghiệm.

Một vấn đề nữa là cần lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp an toàn nhất. Hiện nay, trong giao thương quốc tế, có nhiều phương thức thanh toán như: L/C, T/T, D/P, CAD… tuy nhiên phương thức nào thì cũng có các ưu, nhược điểm khác nhau để các DN cân nhắc, chọn lựa cho phù hợp. Mỗi phương thức thanh toán đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó, đồng thời cũng chỉ phù hợp với những trường hợp giao dịch trong những điều kiện nhất định.

Do vậy, việc DN lựa chọn được phương thức thanh toán phù hợp và an toàn nhất đối với các giao dịch thương mại quốc tế của mình đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Chẳng hạn như đối với phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ là phương thức mà người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu (chứng từ gửi hàng và hồi phiếu), rồi nhờ ngân hàng thu hộ số tiền ghi trên hối phiếu đó, với điều kiện là người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền, thì ngân hàng mới trao toàn bộ chứng từ gửi hàng cho người mua để họ nhận hàng. Đây là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong xuất nhập khẩu hiện nay, với ưu điểm là thủ tục đơn giản, nhanh, chi phí thấp. Tuy nhiên lại chứa đựng nhiều rủi ro như bên mua có thể chiếm đoạt bộ chứng từ gốc, họ có thể lấy được hàng mà không cần thanh toán tiền cho bên bán.

Trong khi đó, thanh toán phương thức tín dụng chứng từ (L/C) mặc dù rất an toàn nhưng chi phí cao và thời gian nhận tiền chậm, việc lập chứng từ đòi hỏi phải có độ chính xác cao, chỉ khi nào hàng đến cảng với sự xác nhận của hải quan thì ngân hàng mới chuyển khoản cho bên bán… Điều này lý giải vì sao phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ mặc dù nhiều rủi ro nhưng các DN xuất khẩu điều Việt Nam vẫn lựa chọn.

Từ sự vụ trên, bài học đắt giá cho các DN Việt Nam cần lưu ý đàm phán hợp đồng với các đối tác nước ngoài - đặc biệt khi giao dịch với các đối tác mới cần lựa chọn được phương an toàn hơn như dùng tín dụng thư, thanh toán trả trước tiền cọc hoặc bảo lãnh ngân hàng...

Trong vụ việc này, D/P là một phương thức thanh toán rủi ro vì DN không nhận được tiền cọc, không nhận được tiền ứng trước, mà lại chủ động sản xuất hàng, cho hàng lên tàu, hàng đi trên tàu rồi, khách vẫn có quyền lựa chọn mua hay không mua, thanh toán hay không thanh toán. Bản chất vấn đề là DN Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn về đối tác, không có nhiều khách nên chúng ta nằm ở thế yếu hơn mà bị ép phải theo yêu cầu của bên mua.

Đối với những mặt hàng sản xuất ra, đối tác không mua mà chúng ta vẫn bán được cho người khác thì hình thức thanh toán T/T nghĩa là được nhận cọc 30 - 40% sẽ là an toàn nhất. Những sản phẩm phải gia công theo mẫu mã của đối tác, họ không mua thì mình không bán cho ai, thì phương thức thanh toán L/C là phù hợp nhất.

Giải pháp tiếp theo là hành động kịp thời khi phát sinh sự cố. Một điều quan trọng nữa là trong trường hợp phát sinh sự cố liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hành động thật nhanh, thông qua các kênh của Hiệp hội ngành hàng trọng nước và tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu… áp dụng mọi biện pháp có thể nhằm giảm thiểu được nhiều nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Cần chú trọng quyền kiểm soát chứng từ gốc. Thực tế trong kinh doanh xuất nhập khẩu, nhiều DN Việt Nam cũng từng gặp tình trạng bên mua yêu cầu DN cung cấp mã vận đơn chuyển phát nhanh của bộ chứng từ gốc và bị mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc. Chính vì vậy cần lưu ý rằng không được phép thông báo số vận đơn bộ chứng từ cho đối tác và chỉ đến khi ngân hàng nhận xác nhận thì mới thông báo cho bên mua. Đặc biệt là khi xảy ra việc mất giấy tờ gốc, phương thức thanh toán D/P được đánh giá là thiệt hại cho người bán hơn, vì người mua thường không phải đặt cọc.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghi án lừa đảo 100 container hạt điều: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?