Chịu nỗi đau tật nguyền nhưng đam mê văn chương và chính niềm đam mê ấy đã giúp Trần Thị Ngọc Lan đứng vững để sống và sáng tác. Hơn chục đầu sách với một tác giả trẻ là nhiều và cô vẫn đang cần mẫn đọc, tích lũy đồng thời dự định viết tiểu thuyết mới trong gian phòng chỉ 3 mét vuông.

Nghẹn lòng trước cảnh nhà văn trẻ sống trong căn phòng 3 mét vuông

Một Thế Giới | 18/04/2014, 23:09

Chịu nỗi đau tật nguyền nhưng đam mê văn chương và chính niềm đam mê ấy đã giúp Trần Thị Ngọc Lan đứng vững để sống và sáng tác. Hơn chục đầu sách với một tác giả trẻ là nhiều và cô vẫn đang cần mẫn đọc, tích lũy đồng thời dự định viết tiểu thuyết mới trong gian phòng chỉ 3 mét vuông.

Lan sinh ra ở một vùng quê nghèo huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Năm 8 tuổi, một trận ốm nặng đã khiến cô bị liệt một bên người, một cánh tay và một bên chân. Đầy khát vọng sống, cô tập đi để có thể đến trường và trở thành cô học trò thông minh, học đâu nhớ đấy. Lên lớp 8, cô bắt đầu làm thơ và vào trường PTTH, cô tích cực sáng tác hơn, gửi đi đăng báo kiếm nhuận bút đỡ đần gia đình. Hỏi sao đến với văn chương, Ngọc Lan trả lời: “Ngày đó, em hiểu rõ nỗi vất vả của mình và gia đình nên nghĩ viết để an ủi mình, tâm sự với chính mình thôi”.
Học xong, Lan tìm hiểu và thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Tạm biệt gia đình, tạm biệt vùng quê nghèo ra phố học với ước mơ cưỡng lại cái nghèo, cái đau, Lan đã làm được điều mình muốn là trụ được ở Hà Nội bằng chính ngòi bút của mình. 

Cô viết truyện, thơ, tản văn gửi đăng báo, cô thậm chí còn gửi tiền về giúp đỡ mẹ. Thân gái một mình, lại tật nguyền, cơ cực không thể nào kể hết nhưng Lan thấy hạnh phúc vì được học, được sống có ý nghĩa, sống bằng đam mê.

Sau này, khi được hỏi, điều gì đã giúp em vượt qua bao khó khăn trở ngại từ gia đình và bản thân để không chỉ đến với văn chương mà còn có công ăn việc làm? Lan nói: “Đó là khát khao hiểu biết bí mật về cuộc đời, về tri thức xã hội và khát vọng văn chương trong em. Khát khao hiểu biết về cuộc đời cho em được sống mãnh liệt, khát khao về học thức cho em công việc, khát khao về văn chương cho em dấn thân”.

Hiện nay, Lan sống trong một căn phòng nhỏ hẹp, nhỏ đến không thể nhỏ hơn, chỉ chừng 3 mét vì ở đó đỡ tốn tiền, lại gần cơ quan. Hằng ngày, cô đến làm công việc biên tập ở Nhà xuất bản Văn học. 

Trước đây, khi mới đến sống trong không gian nhỏ xíu ấy, Lan còn thấy hơi trái ngang và bất tiện. Nhưng giờ đây, cô hoàn toàn không bận tâm đến sự chật chội đó, thậm chí, cô yêu không gian hơi đặc biệt đó. Lan tâm sự, nó không ảnh hưởng gì nhiều đến sinh hoạt, công việc và sáng tác của cô, lại có vẻ thuận tiện vì độc lập và gần cơ quan. 

Cô còn lạc quan nói, biết đâu, sống lâu trong hoàn cảnh đó, bản thân sẽ hiểu cuộc đời là gì, trải nghiệm được những điều mà mọi người không thể trải nghiệm được.

Nghề biên tập ở các NXB bây giờ gặp những thách thức lớn, đó là thực trạng và khó khăn chung của ngành. Thế nhưng, văn học là giá trị tinh túy luôn đồng hành cùng con người và xã hội, là giá trị cao quý mà mọi người, mọi thời phải gìn giữ. Dù hoạt động văn chương có thể tăng trưởng hoặc sụt giảm trong nhiều thời kỳ, nhưng Lan luôn luôn tin tưởng và hạnh phúc trong công việc.

Có những lúc, bản thân Lan gặp khó khăn thật sự, nan giải về tất cả mọi vấn đề của cuộc sống, mưu sinh, văn chương, cô đành lòng bước chậm lại. Ngọc Lan chưa bao giờ thấy nản lòng. Cô vẫn nghĩ cuộc sống khó khăn hiện giờ của mình chỉ là tạm thời, là một giai đoạn của đời sống, sau này sẽ phải đổi thay. Có lẽ đây là điều để cô có thể nở nụ cười mà sống và sáng tác. 

Dường như ở mọi hoàn cảnh, Lan đều có cách để lạc quan, vươn lên và cô luôn mơ đến một chân trời rộng mở, ở đó đầy tình người, tiếng cười và niềm hạnh phúc. Cô luôn yêu con đường mình đã lựa chọn, yêu cuộc sống và công việc. 

Cô có nhiều dự định trong văn chương. Tất nhiên, cô mơ ước được viết suốt đời. Một cuốn tiểu thuyết mới, đầy đặn, dài hơi – đó là điều cần thiết và tất yếu. Lúc nào Lan cũng khao khát được viết về con người. Lan cho biết: 

“Đây là một đề tài xuyên suốt mà em lựa chọn và yêu thích trong suốt cuộc đời cầm bút. Em thường đọc sách và quan tâm những vấn đề em thích, nhưng lại chú trọng suy nghĩ độc lập của bản thân. Dù việc đào xới tinh thần có nhiều đau đớn nhưng em chấp nhận trả giá”.

Các tác phẩm của Ngọc Lan đã xuất bản: Ánh sao rơi (tiểu thuyết – 1996), Trăng rằm (thơ – 1996), Sao nỡ chia đôi (tiểu thuyết – 1997), Nỗi buồn cho em (thơ – 1999), Bến đợi (tập truyện ngắn – 2000), Có vơi niềm đau (tiểu thuyết – 2001), Phu Bòn (tiểu thuyết – 2003), Mẹ trần gian (tập truyện ngắn – 2008), Gương mặt con người (tập truyện – 2010). Các giải thưởng: Giải thưởng của Hội VHNT Thanh Hóa năm 1997 và 2005, Báo Tuổi trẻ sống đẹp năm 1998, Đài tiếng nói VN 1998, Hội liên hiệp VHNT Việt Nam 1999, NXB Kim Đồng 2001.

Theo Diên Khánh (SKĐS)

Các tác phẩm của Ngọc Lan đã xuất bản: Ánh sao rơi (tiểu thuyết – 1996), Trăng rằm (thơ – 1996), Sao nỡ chia đôi (tiểu thuyết – 1997), Nỗi buồn cho em (thơ – 1999), Bến đợi (tập truyện ngắn – 2000), Có vơi niềm đau (tiểu thuyết – 2001), Phu Bòn (tiểu thuyết – 2003), Mẹ trần gian (tập truyện ngắn – 2008), Gương mặt con người (tập truyện – 2010). Các giải thưởng: Giải thưởng của Hội VHNT Thanh Hóa năm 1997 và 2005, Báo Tuổi trẻ sống đẹp năm 1998, Đài tiếng nói VN 1998, Hội liên hiệp VHNT Việt Nam 1999, NXB Kim Đồng 2001.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghẹn lòng trước cảnh nhà văn trẻ sống trong căn phòng 3 mét vuông