Đó là tổng kết của nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, Phó chủ tịch Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh sau buổi giới thiệu “Những tấm ván trên cầu Hiền Lương” của nhà thơ Ngô Liêm Khoan,sáng nay 18.4. Tập thơ nhận được nhiều lời khen diêm dúa nhưng lại không bán được cuốn nào…

'Sự nghèo đói của thơ!...'

Một Thế Giới | 18/04/2014, 13:56

Đó là tổng kết của nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, Phó chủ tịch Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh sau buổi giới thiệu “Những tấm ván trên cầu Hiền Lương” của nhà thơ Ngô Liêm Khoan,sáng nay 18.4. Tập thơ nhận được nhiều lời khen diêm dúa nhưng lại không bán được cuốn nào…

Theo thông tin Một Thế Giới thu thập được qua báo chí, bạn bè và google, Ngô Liêm Khoan là một nhà thơ trẻ mê thơ đến độ bị chữ nghĩa bỏ “bùa mê cháo lú”. Đang công ăn việc làm ngon lành, Trưởng phòng biên tập một nhà xuất bản lớn ở Sài Gòn đột nhiên bị "thơ gọi", bỏ hết tất tần tật, trả ấn từ quan về quê nhà ở Bình Định ngồi dưới một góc cây xoài tu luyện khí công mần thơ!
Mà đúng chỉ là trong ba năm, công lực ngàn phần tiến triển!
Từ tập thơ đầu “Trở mình trong máng xối” (Nxb. Hội Nhà Văn, 2010) anh không cần”trở mình” theo dòng nước hẹp và đục nữa mà bay vút lên “Những tấm ván trên cầu Hiền Lương” (Nxb. Trẻ, 4.2014). Một tập thơ với nhiều tìm kiếm ngữ nghĩa, hình thức từ thi pháp sang biểu hình, từ biểu ý đến biểu trưng… Thật rõ nội công thâm hậu!
 Su ngheo doi cua tho!...
Hoa và thơ. Hoa của sự trung thực tận đáy hay thơ phảng phất xức nước hoa? 
Việc ban Sáng tác trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM chọn tập thơ này để làm buổi giới thiệu "Tác giả tác phẩm" đầu tiên từ khi cao ốc Hội liên hiệp nghệ thuật (Trần Quốc Thảo - Quận 3 - Sài Gòn) hoành tráng, mới vừa xây xong là đủ hiểu sự đánh giá cao của Ban chấp hành và Ban thơ trẻ như thế nào. Nói như nhận xét nhà văn Lê Văn Thảo "ngày tôn vinh một tập thơ!". Tôn vinh công sức sáng tạo và một hành trình đơn độc, lặng lẽ của một tác giả trẻ đánh vật với chữ nghĩa! Tại sao không?
Thành thử rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như đã đến chia vui cùng Ngô Liêm Khoan như các nhà văn Lê Văn Thảo, Trần Văn Tuấn, Đoàn Thạch Biền, Đào Hiếu, Trần Nhã Thụy…, các nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Lê Sơn Ý, Nguyệt Phạm, Trần Ngọc Khánh Dư, Miên Du, Trần Hoàng Nhân, Hà Đình Nguyên, Thục Linh - Trần Vương Thuấn, Lê Minh Quốc, Triệu Từ Truyền, Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Lam Điền…Và các nhà báo, đài truyền hình. Có người ngồi lâu. Người bận rộn thoáng đến thoắt đi! Như tất cả đều phải cố thu vén chút thì giờ ít ỏi dành cho thơ, cho tình chữ nghĩa thời buổi tất bật hiện đại.
Rồi gần như các bài phát biểu, cảm tưởng và cảm nghĩ về thơ Ngô Liêm Khoan qua tác phẩm "Những tấm ván trên cầu Hiền Lương" người ngắn gọn, kẻ dông dài đều thăng hoa bay bổng. Đó là những ghi nhận nhiều tìm kiếm của thơ Khoan từ các phía - bề mặt lá trái ngôn ngữ, từ suy tưởng đến tư tưởng, cách khai thức vùng sâu, vùng trũng tâm hồn đến phơi, treo cảm xúc trên đỉnh chữ. Nhiều tăm tối căng cứng, chữ nghĩa trương nở để rồi bất ngờ bế tắc cạn kiệt khó hiểu. Dù sao Ngô Liêm Khoan đã đi đến cùng những cố gắng, đột phá, tìm mọi cách vượt lên như một chứng nhân của thơ, của thời đại. Những xoay trở, lật phá, leo lách từ lịch sử, truyền thống đến những vấn đề cảm quan rộng lớn, khó hay chưa thể nắm bắt. Và sự vẫy vùng ngột ngạt, tức thở của hôm nay…

Các bài thơ hay được nhắc đến trong buổi giới thiệu tập thơ mới của Ngô Liêm Khoan như Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, Nhang lá, Vụng nước, Thức ăn mục ruỗng của ngày hôm nay, Là chúng ta, Thức cùng ảo giác, Nỗi ô nhục của kẻ cầm cu hay niềm vinh quang của xác chết...Ưu điểm của tập thơ có bài hay, câu tức thở!...

Và thật bất ngờ khi cả khách lẫn chủ buổi hội thảo đang hứng khởi, tuôn trào phấn khích, đột nhiên một phát hiện của nhà văn Trần Nhã Thụy khiến mọi người chựng lại: “Tôi nhận thấy các anh ở đây chỉ nói những lời hoa mỹ, đẩy đưa giả dối. Những lời nói có cánh đó liệu sẽ đưa thơ đi đến đâu? Và bao lâu nữa các nhà thơ sẽ xuống đất?

Theo tôi biết, tập thơ in 3.400 cuốn theo tác giả Ngô Liêm Khoan là ý nghĩa của con số 30.4 gì đó tôi không biết. Nhưng thực tế là thơ anh đang chất đầy nhà trọ mà chưa biết chỗ đi đâu cả!...

Cũng theo chỗ tôi đọc trên facebook của nhà thơ Ngô Liêm Khoan, anh rất hy vọng vào tổng công ty Fahasa sẽ nhận phát hành giúp mình một ít nhưng thật đắng cay sau nhiều thủ tục vòng vèo giấy tờ rắc rối, Fahasa chỉ nhận cho anh ký gửi đúng… 10 cuốn!

Và sáng nay, tôi theo bạn tôi đến đây từ sớm với hy vọng khấp khởi rằng sẽ có nhiều người đến chia vui và mua thơ giúp bạn tôi. Nhưng sự thật là người đến thơ thớt và thơ từ sáng đến giờ không bán được cuốn nào! Và tôi đang chứng kiến các nhà thơ đang nhào lộn trên mây xanh… Sao không nhìn thẳng vào sự thật đi: Ai sẽ mua thơ? Các nhà thơ sẽ sống ra sao?...”
 Su ngheo doi cua tho!...
Các nhà văn Lê Văn Thảo, Trần Nhã Thụy, nhà thơ Triệu Từ Truyền, Vũ Trọng Quang, Trần Lê Sơn Ý, Lam Điền... trong buổi giới thiệu thơ  

Trong khi các nhà thơ tẽn tò nhìn nhau. Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu tổng kết: “Tôi là người biên tập cho tập thơ anh Ngô Liêm Khoan. Và bây giờ tôi cũng thú thật rằng cay đắng quá! Ba ngàn bốn trăm tập thơ “Những tấm ván trên cầu Hiều Lương” sẽ đi đâu nhì? Đúng là các nhà thơ diêm dúa trước sự nghèo đói của thơ…”

Ghi nhận của Một Thế Giới là mọi người tan rã ra về sau một cú kết bất ngờ vô tiền khoáng hậu. Có tiếng nhà thơ Ngô Liêm Khoan nói vọng theo: -“Tôi muốn tặng tập thơ cho các bạn! Ai chưa có đưa tay!...”

Cũng chỉ một vài người lác đác đến bên bàn anh chờ lấy chữ ký…

Chúng chỉ là gỗ thôi / Làm phận lát cầu / Và nhận về phần mình tan nát…
Một câu thơ rút tỉa từ máu Khoan!
Khoan vội đi!... Khoan, khoan!... 

Thơ ơi!

Sài Gòn, 18.4.2014
Đông Dương

Chú thích ảnh: Nhà thơ Ngô Liêm Khoan trong buổi giới thiệu tác phẩm "Những tấm ván trên cầu Hiền Lương" sáng 18.4.2014

Bài liên quan
Lễ trao áo blouse trắng cho sinh viên Trường đại học Nam Cần Thơ
Ngày 21.11, Trường đại học Nam Cần Thơ tổ chức lễ trao áo blouse trắng cho sinh viên ngành Y đa khoa khóa 12 và 150 sinh viên lớp Đại học Y khoa quốc tế khóa 1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Sự nghèo đói của thơ!...'