Biến đổi khí hậu đang tàn phá ngành vận tải biển nhưng trước đó, ngành vận tải biển phải chịu trách nhiệm cho một lượng lớn khí thải carbon bị xả ra khí quyển.

Ngành vận tải biển khóc ròng khi kênh đào Panama bị dính đòn biến đổi khí hậu

Anh Tú | 16/11/2023, 19:10

Biến đổi khí hậu đang tàn phá ngành vận tải biển nhưng trước đó, ngành vận tải biển phải chịu trách nhiệm cho một lượng lớn khí thải carbon bị xả ra khí quyển.

Chúng ta đều biết mỗi tháng có khoảng 1.000 tàu đi qua kênh đào Panama mang theo tổng cộng hơn 40 triệu tấn hàng hóa – tương ứng 5% khối lượng thương mại hàng hải toàn cầu. Nhưng mực nước ở tuyến đường thủy quan trọng nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đã giảm xuống mức thấp nghiêm trọng do đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử 143 năm của kênh đào.

Các hạn chế về tàu bè qua kênh được áp dụng trong bối cảnh hạn hán khiến lượng mưa không đủ ở hồ Gatún, nơi cung cấp nước cho kênh. Điều này đã làm lưu lượng hàng hóa qua kênh trong năm nay giảm khoảng 15 triệu tấn. Không những vậy, các tàu phải đối mặt thêm 6 ngày quá cảnh. Chính quyền Panama đang tìm kiếm các giải pháp chiến lược để tăng cường cung cấp nước cho kênh đào.

Như thể hiện trên biểu đồ, các cảng ở Panama, Nicaragua, Ecuador, Peru, El Salvador và Jamaica đang phải chia sẻ gánh nặng do sự chậm trễ này, với 10% đến 25% tổng lưu lượng thương mại hàng hải của các cảng này bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể thấy trên biểu đồ lượng tàu đậu quanh 2 đầu Panama chờ đến lúc được thông chốt rất đông. Hình ảnh huyết mạch nền kinh tế thế giới đang bị bóp nghẹt bởi biến đổi khí hậu, được thể hiện không thể sống động hơn ở kênh đào Panama.

tau.jpg
Số tàu bị ảnh hưởng bởi kênh đào Panama cạn nước từ tháng 3 đến nay (xanh là tàu đến, đỏ là tàu đi)

Tuy nhiên, không chỉ quanh Panama mà ảnh hưởng của hạn hán có thể cảm nhận được ở tận châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ theo hiệu ứng domino. Hạn hán sẽ cản trở hoạt động thương mại trong nhiều tháng tới, với số lượng tàu qua kênh dự kiến sẽ giảm công suất phục vụ từ 36 tàu xuống còn 18 tàu mỗi ngày vào tháng 2 năm sau, tức là giảm một nửa công suất. Các nền kinh tế phụ thuộc vào kênh đào để giao thương nên chuẩn bị cho tình trạng gián đoạn và hoãn chuyến lâu hơn.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam báo cáo vào tháng 9, số lượng tàu thuyền xếp hàng dài chờ qua kênh Panama đã tăng lên trong những tháng gần đây do quá trình hạn hán gia tăng khiến mực nước thấp. Thời tiết không thuận lợi đã khiến Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama phải giảm số lượng tàu đi qua cũng như trọng lượng hàng hóa trên mỗi tàu. Điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng tồn đọng tại tuyến đường thủy xử lý hơn nửa tỉ tấn hàng hóa hằng năm này.

Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama đã tiến hành các cuộc đấu giá tổ chức cho phép những chủ tàu không đặt chỗ trước có thể bỏ qua việc xếp hàng. Do số chuyến qua kênh đào đang bị giới hạn ở mức 32 chuyến mỗi ngày, giá thầu gần đây đã tăng vọt.

Hiện tại, các chủ hàng phải trả số tiền đáng kể do tình trạng ùn tắc tàu chờ qua kênh đào Panama. Gần đây, một hãng tàu đã phải trả 2,4 triệu USD, ngoài phí vận chuyển khoảng 400.000 USD, để có được giấy phép đặt chỗ cho hãng vận tải của họ đi qua kênh đào nhanh hơn thay vì xếp hàng chờ đến lượt.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, khi cộng thêm phí thông thường, chi phí cho mỗi lượt "nhảy hàng" này sẽ lên đến gần 3 triệu USD. Điều này sẽ khiến giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng bị đội lên. Khi giá tăng cao thì hàng sẽ bán chậm hay ế và hậu quả đến lượt người sản xuất gánh chịu. Cả thế giới cùng khổ vì biến đổi khí hậu.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngành vận tải biển dù đang là nạn nhân của biến đổi khí hậu nhưng chính ngành này là thủ phạm gây ra biến đổi khi hậu. Vận chuyển hàng hóa đường biển chịu trách nhiệm cho gần 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu - tạo ra lượng carbon gần bằng con số của ngành hàng không.

Ngành vận tải biển cũng đang nỗ lực giảm thải khí nhà kính. Một số tàu thậm chí đang chuyển về phương thức cổ xưa: khai thác gió để di chuyển. Nhưng các con tàu vẫn cần một nguồn năng lượng ổn định hơn, đủ mạnh để đẩy chúng thực hiện hải trình có thể dài đến nửa vòng Trái đất. Cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa có cách nào để tạo ra ngành vận tải biển sạch vì nhiên liệu sạch để chạy tàu thường rất đắt đỏ.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, bão nhiệt đới và các thảm họa khác đang trở nên phổ biến hơn và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với cơ sở hàng hải thì trước mắt tạm phải dùng công nghệ để cứu ngành tàu biển. Với PortWatch, một nền tảng mở do các nhà nghiên cứu của IMF và Đại học Oxford ra mắt ngày hôm 15.11, các nhà hoạch định chính sách có thể nắm thông tin và chuẩn bị trước cho những gián đoạn thương mại do các cú sốc như khí hậu cực đoan gây ra.

Nền tảng này sử dụng dữ liệu vệ tinh thời gian thực để theo dõi gần 120.000 tàu chở hàng và tàu chở dầu trên toàn thế giới, chiếm hơn 99% thương mại hàng hải toàn cầu. Phần mềm cung cấp ước tính mỗi ngày về khối lượng thương mại tại 1.400 cảng và hơn chục điểm nghẽn, chẳng hạn như kênh đào Panama.

PortWatch còn mô phỏng tác động lan tỏa ở phạm vi quốc tế từ việc đóng cửa cảng và lập biểu đồ gián đoạn đối với chuỗi cung ứng tiếp theo trên bản đồ tương tác. Phần mềm cũng cho phép phân tích các kịch bản khí hậu, cung cấp các ước tính rủi ro được mô phỏng hóa tương ứng với các loại hiện tượng khí hậu cực đoan.

PortWatch sẽ gửi cảnh báo về sự gián đoạn thương mại thực tế và tiềm ẩn sau những thảm họa lớn để các chủ tàu đưa ra quyết định tối ưu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành vận tải biển khóc ròng khi kênh đào Panama bị dính đòn biến đổi khí hậu