Trong nhiều năm qua, các nhà thiên văn học đã tính toán sai lầm số lượng thiên hà trong vũ trụ, theo một báo cáo vừa công bố ngày 13.10.
Cụ thể, nhiều năm qua các nhà thiên văn học đã ước đoán số thiên hà trong vũ trụ ít hơn con số mà họ mới phát hiện được gần đây đến 20 lần. Theo mô hình 3D hóa vũ trụ được xây dựng dựa trên dữ liệu thu thập được của kính viễn vọng Hubble suốt 20 năm qua thì vũ trụ thật sự có đến 2 nghìn tỉ thiên hà.
Thực tế, số lượng thiên hà sẽ còn lớn hơn nhiều nữa vì một số quá xa chúng ta đến nỗi nếu chúng tồn tại, phải vài tỉ năm ánh sáng nữa hình ảnh của chúng mới có thể truyền đến trái đất.
Các nhà thiên văn học dự đoán rằng con số 2 nghìn tỉ thiên hà mà chúng ta quan sát được ngày nay chỉ là 1/10 của số thiên hà của toàn vũ trụ.
"Câu hỏi lởn vởn trong đầu chúng tôi bây giờ là còn tới 90% số thiên hà trong vũ trụ chưa được nghiên cứu", giáo sư Christopher Conselice của Đại học Nottingham nhận xét.
"Không ai biết được những sự kỳ thú sẽ được quan sát với thế hệ kính thiên văn hiện đại tiếp theo?", ông Conselice hào hứng nói.
Một thiên hà là một hệ thống gồm hàng triệu thậm chí là hàng tỉ ngôi sao, được liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn. Sử dụng các công thức toán học, các nhà khoa học có thể tính được số thiên hà trong không gian mà chúng ta hiện chưa thể nhìn thấy vì quá xa.
Theo những nghiên cứu mới đây, vài tỉ năm trước số lượng thiên hà nằm trong cùng một diện tích như ngày nay là gấp đến 10. Điều này cho thấy rằng "số lượng thiên hà đang giảm đi do sự sáp nhập của chúng với nhau".
Thiên Hà (theo The Guardian)