Sự hình thành Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau tạo sức bật mới cho mảnh đất cuối trời cực nam Tổ quốc, đặt nền tảng quan trọng cho ngành công nghiệp Cà Mau phát triển với tốc độ nhanh, thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL.

Ngành dầu khí với sự đổi thay vùng đất cực nam Tổ quốc

29/07/2019, 11:58

Sự hình thành Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau tạo sức bật mới cho mảnh đất cuối trời cực nam Tổ quốc, đặt nền tảng quan trọng cho ngành công nghiệp Cà Mau phát triển với tốc độ nhanh, thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL.

Toàn cảnh cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Sau hơn 12 năm kể từ ngày đón dòng khí mỏ PM3 vào bờ (29.4.2007), Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã mang lại nhiều giá trị to lớn. Công ty PV GAS Cà Mau, đơn vị vận hành đường ống dẫn khí PM3-CM đã chính thức cán mốc sản lượng tiếp nhận 20 tỉ mét khối khí, mang lại tổng doanh thu 42.000 tỉ đồng, trong đó đóng góp hơn 9.600 tỉ đồng cho ngân sách của tỉnh Cà Mau. Với sản lượng điện sản xuất trên 8 tỉ kWh/năm, chiếm gần 5% sản lượng điện sản xuất của cả nước, đến nay hai Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 hòa lưới đã đạt tổng sản lượng trên 80 tỉ kWh, điện áp cả vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đã rất ổn định. Doanh thu lũy kế đạt trên 108.100 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 2.750 tỉ đồng.

Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn tuyệt đối với công suất tối ưu 103 – 107%, đạt sản lượng trên 800.000 tấn mỗi năm và đã chào đón tấn sản phẩm thứ 5 triệu vào quý 2/2018. Hằng năm, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đóng góp vào ngân sách tỉnh trên 2.000 tỉ đồng, chiếm 40 - 50% ngân sách của tỉnh; đồng thời tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.500 người lao động, trong đó của ĐBSCL khoảng 690 người.

Tháng 5.2018, vùng cực nam của Tổ quốc càng rực sáng hơn khi Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) trong chuỗi dự án Khí - Điện - Đạm tại Cà Mau được khánh thành và đi vào vận hành. Trong năm 2018, GPP Cà Mau đã sản xuất 156 nghìn tấn LPG và 10 nghìn tấn condensate, bổ sung khoảng 10% nhu cầu thị trường trong nước, đóng góp ngân sách 220 tỉ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đã cung cấp cho thị trường 80 nghìn tấn LPG và 6 nghìn tấn condensate. Hiệu quả của dự án cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; tạo động lực thúc đẩy các ngành nghề liên quan đến các sản phẩm khí khô, LPG, condensate tại Cà Mau và các địa bàn lân cận; thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các ngành nghề sử dụng khí thấp áp và các ngành phụ trợ khác.

Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2

Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã tạo ra một sức bật mạnh mẽ để thay đổi cơ cấu kinh tế Cà Mau, phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế cả vùng Tây Nam Bộ. Sau khi các công trình này đi vào hoạt động, những sản phẩm của khí - điện - đạm đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế, đời sống của tỉnh Cà Mau và các tỉnh lân cận; tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp khác sử dụng nguồn khí áp thấp sản xuất các sản phẩm hóa học nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng, các công trình, dự án được đầu tư, phát triển nhanh, tạo nên diện mạo đô thị khang trang. Đến nay, thành phố Cà Mau có 5/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đòn bẩy từ Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau góp phần quan trọng giúp nền kinh tế của tỉnh Cà Mau liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô và tiềm lực không ngừng mở rộng. Nếu thời điểm năm 1999 tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,78%, thu nhập bình quân đầu người chỉ 6,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7%… thì đến nay kinh tế tỉnh luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân 14%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,4 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.880USD; gấp 15,29 lần so với năm 1999), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,9%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2018 đạt 40.480 tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2017.

Nhà máy Xử lý khí Cà Mau

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Phạm Thạnh Trị, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, nguyên Phó ban QLDA Khí – Điện – Đạm đánh giá sự thành công của cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau có được là nhờ sự tổng hòa của nhiều yếu tố.

Thứ nhất là quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước đã chọn tỉnh Cà Mau, mảnh đất cực nam của Tổ quốc làm nơi xây dựng cụm Khí - Điện - Đạm. Nói đến đây không thể không nhắc đến công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã góp phần cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện quyết định của Bộ Chính trị khi chọn điểm đặt dự án này.

Thứ hai là sự ủng hộ rất lớn của Đảng, Nhà nước và các bộ ngành trung ương đối với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, để có thể triển khai dự án một cách thuận lợi, an toàn, hiệu quả.

Yếu tố thứ ba đó là nhân dân Cà Mau đã đồng thuận và chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, giúp cho quá trình đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng thực hiện cụm công trình trọng điểm này diễn ra thuận lợi, nhất là gần 300 hộ dân ở trong vùng được đền bù. Đây cũng chính là yếu tố rất quan trọng làm nên thành công của dự án.

Yếu tố thứ tư là sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) mà đại diện là Ban QLDA, với Đảng bộ, chính quyền địa phương, từ đó đảm bảo công tác thực hiện cụm dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Sản xuất Đạm Cà Mau

Trong buổi toạ đàm Kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ (23.7.1959 – 23.7.2019) tổ chức tại TP.Cà Mau vừa qua, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng khẳng định việc hình thành Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất U Minh anh hùng, tạo dấu ấn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Cà Mau phát triển.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc chung tay, chung sức vì sự phát triển cộng đồng, trong những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, Công ty Khí Cà Mau, Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau nói riêng ngoài hoạt động SXKD hiệu quả, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, cũng đã thường xuyên ủng hộ và hỗ trợ an sinh xã hội, xây dựng trường học, cầu, đường và các hoạt động xã hội từ thiện khác trên địa bàn tỉnh. Sự đóng góp đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự giúp đỡ có hiệu quả của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Dầu khí đối với nhân dân vùng căn cứ cách mạng tỉnh Cà Mau còn nhiều khó khăn.

Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau mọc lên, đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất vốn còn nhiều lo toan, vất vả bởi tàn tích chiến tranh. Giờ đây có thể nói, U Minh Hạ đang từng ngày chuyển mình để định hình một khu công nghiệp hiện đại, phát triển năng động, làm nên cuộc đổi đời cho bao người dân nơi vùng đất xa xôi tận cùng Tổ quốc.

D.T

Bài liên quan
Tập đoàn Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Tập đoàn Vingroup và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ngày 22.11 ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành dầu khí với sự đổi thay vùng đất cực nam Tổ quốc