Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 44 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 ngày 28.12.2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (ATM).

Ngân hàng phải cảnh báo thủ đoạn trộm tiền ngay tại nơi đặt ATM

07/01/2019, 11:49

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 44 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 ngày 28.12.2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (ATM).

Ảnh minh họa từ Fortune

Theo yêu cầu của NHNN, trong thời hạn 10 ngày làm việc trước ngày triển khai, lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian, chấm dứt hoạt động ATM, các ngân hàng phải thông báo cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chi nhánh NHNN) trên địa bàn nơi triển khai, lắp đặt ATM.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc trước ngày triển khai, lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian, chấm dứt hoạt động ATM khác địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tiếp quản lý ATM, ngân hàng phải thông báo cho chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi triển khai, lắp đặt ATM và chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh trực tiếp quản lý ATM.

Các ngân hàng cũng có trách nhiệm bố trí lực lượng trực để kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động. Trường hợp ATM ngừng (hoặc dự kiến ngừng) hoạt động quá 24 giờ, ngân hàng phải báo cáo theo quy định của NHNN về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thông báo rộng rãi cho khách hàng trong ngày làm việc tiếp theo kể từ khi phát sinh ATM ngừng (hoặc dự kiến ngừng) hoạt động quá 24 giờ.

Đặc biệt, theo quy định mới được sửa đổi, bổ sung, bên cạnh yêu cầu tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng, NHNN còn yêu cầu các ngân hàng phải cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an, chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi triển khai, lắp đặt ATM và các tổ chức liên quan trong việc đảm bảo ATM hoạt động an toàn, thông suốt; phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động ATM và điều tra, xử lý khi phát hiện tội phạm công nghệ cao, trộm cắp, cướp, phá hoại ATM.

Đồng thời, các ngân hàng có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, thông báo các thủ đoạn trộm cắp tiền từ ATM và hướng dẫn khách hàng biện pháp giao dịch an toàn tại ATM như niêm yết tại nơi đặt ATM, trên màn hình ATM hoặc các hình thức khác.

Thông tư 44 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đặt ATM, bao gồm: kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động ATM trên địa bàn; định kỳ hoặc đột xuất lựa chọn kiểm tra một số ATM trên địa bàn, lập biên bản kiểm tra ATM.

Phối hợp, trao đổi thông tin với chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tiếp quản lý ATM về việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các ATM triển khai, lắp đặt khác địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tiếp quản lý ATM; phản ánh kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc, sự cố phát sinh về NHNN (qua Vụ Thanh toán) để phối hợp xử lý.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18.2.2019.

Liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã NHNN giao triển khai thực hiện tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28.12.2018 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao NHNN chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương triển khai các nhiệm vụ sau:

Chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ tài chính trong nước và thế giới, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Tổ chức tốt công tác điều hòa cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM/POS hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 diễn ra ngày 4.1.2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị ngành ngân hàng và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp phù hợp để chiếm lĩnh trận địa, đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.

Hiện theo các số liệu trên giấy tờ về quy mô tín dụng đen ở nông thôn do Bộ Công an nắm là có hơn 1.000 tỉ đồng nhưng thực chất thì nhiều hơn với các hình thức hụi, họ. Bộ Công an đang tích cực triệt phá, xử lý các hình thức cho vay nặng lãi ở nông thôn, đồng thời đề nghị các ngành chức năng liên quan cũng cần vào cuộc để xử lý hiệu quả.

Đại diện cho cơ quan gắn chặt với tín dụng vi mô ở vùng nông thôn, miền núi, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, có nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng chính sách nên nảy sinh bất bình đẳng khi áp dụng mức lãi suất của hộ nghèo. Bên cạnh đó, số hộ vay tăng lên dẫn đến ngân sách nhà nước phải cấp bù tăng theo.

Với cơ chế tự huy động để cho vay và các địa phương tăng cường ủy thác vốn tại NHCSXH, ôngThắng đề nghị sửa Nghị định của Chính phủ theo hướng nâng mức lãi suất cho vay với hộ thoát nghèo để NHCSXH bảo đảm nguồn lực thực hiện, đồng thời góp phần không để hộ nghèo, hộ thoát nghèo dính tới tín dụng đen.

Ông Thắng cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức hỗ trợ cho vay đối với học sinh, sinh viên từ mức 1,5 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/tháng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết số 01/NQ-CP đã nêu rõ “có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen”. Phó thủ tướng yêu cầu, với các công cụ tài chính và pháp chế như hiện nay, ngành ngân hàng và các bộ, ngành liên quan cần chiếm lĩnh trận địa, đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.

A.Thư

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng phải cảnh báo thủ đoạn trộm tiền ngay tại nơi đặt ATM