Nếu ta còn thiếu kinh phí để nuôi cho đàng hoàng những VĐV cấp đội tuyển thì cớ gì phải xây nhiều tượng đài to lớn hoành tráng, những bảo tàng to tát không người vào thăm?

Ngậm ngùi tuyển thủ quốc gia

27/04/2016, 18:24

Nếu ta còn thiếu kinh phí để nuôi cho đàng hoàng những VĐV cấp đội tuyển thì cớ gì phải xây nhiều tượng đài to lớn hoành tráng, những bảo tàng to tát không người vào thăm?

Tính đến 24.4 vừa rồi, Việt Nam đã có 15 tuyển thủ quốc gia ở các bộ môn thể thao đã vượt qua các cuộc đấu loại châu lục để có vinh dự tham gia Đại hội thể thao Thế giới - Olympic 2016 tại Brazil sắp tới. Để đạt được vinh quang lớn lao này, các vận động viên (VĐV) đã phải chấp nhận hy sinh với biết bao thiệt thòi về đời sống tinh thần, chế độ đãi ngộ có phần hơi bèo bọt cùng với tuổi xuân - khoảng thời gian đẹp nhất đời... thì họ mới có được. Quả thực, tôi hết sức cảm phục những bạn trẻ ấy.

Phóng viên Lan Phương viết trên Thanh Niên (25.4) về 2 nữ kiếm thủ sao mà thấy nể phục vô cùng. Chị viết:

"Tôi cảm thấy vô cùng nể phục và xót xa trước những tấm gương vượt khó của rất, rất nhiều VĐV khác đang khoác trên mình chiếc áo tuyển thủ. Họ đều là những gương mặt tài năng, đem về cho đất nước biết bao nhiêu thành tích vang dội. Đơn cử như hai kiếm thủ Nguyễn Thị Như Hoa và Nguyễn Thị Lệ Dung - hai VĐV vừa xuất sắc đoạt tấm vé đi Olympic Brazil.

Như Hoa có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt và không mấy hạnh phúc trong đời sống riêng. Giờ Hoa gửi gắm cả hai đứa con nhỏ cho bố mẹ vì bận đi tập huấn, thi đấu suốt. Nếu không có gia đình làm hậu phương vững chắc về cả tinh thần lẫn tài chính, chắc chị cũng khó lòng theo đuổi nghiệp kiếm. Như Hoa và đồng đội Lệ Dung đang đầu quân cho Hà Nội và chỉ được làm VĐV hợp đồng chứ chưa được vào biên chế.

Lệ Dung có bảng thành tích khá đồ sộ với 9 HCV ở 5 kỳ SEA Games (HCV cá nhân, đồng đội); 11 HCV giải vô địch Đông Nam Á, 1 HCĐ giải vô địch châu Á, từng lọt vào top 14 thế giới và hiện đang đứng thứ 46 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn đầu kiếm thế giới. Ngoài ra chị còn “sở hữu” thêm hai chấn thương ở tay và đầu gối với mức độ khá nặng (lồi cọc trong). Sau Olympic, Dung sẽ phẫu thuật và có thể từ giã nghiệp VĐV. Mức thu nhập ở địa phương của Dung sau khi trừ tiền ăn vào khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng..."

Tôi đã hỏi lại phóng viên Lan Phương được biết, nhiều trường hợp VĐV họ có tâm lý ngại lên đội tuyển quốc gia cho dù được lên tuyển quả là một vinh dự lớn và trọng trách cũng rất lớn vì mỗi khi rời CLB hoặc địa phương, các chế độ, lương bổng của họ sẽ bị cắt nên cũng rất ngậm ngùi, tủi thân.

Thực ra, đây cũng là quy định chung của ngành thể thao hiện nay (khi đã lên làm nhiệm vụ quốc gia, VĐV chỉ còn được hưởng tiền công, tiền ăn trên tuyển, còn mọi chế độ tại địa phương bị cắt hoàn toàn. Thu nhập của mỗi người vì thế đều bị giảm tới một nửa. Đây là quyết định của Bộ Tài chính và đã thực thi từ năm 2007). Trước đó, mỗi tuyển thủ được hưởng cùng lúc hai mức lương, một ở tuyển, một ở cơ quan chủ quản. Từ ngày mất đi sự ưu tiên đặc thù này, đời sống vật chất vốn đã eo hẹp của các VĐV khoác áo tuyển quốc gia càng thêm phần cơ cực và không thể không mủi lòng mà có mấy người ngoài biết được. Một khi tinh thần không được phấn khích thì ít nhiều đều ảnh hưởng đến kết quả thi đấu thể thao của tuyển thủ.

Tôi đọc báo Thanh Niên thấy, từ năm 2011 đến nay tiền công khi triệu tập lên tuyển của mỗi VĐV được tăng từ 70.000 lên 150.000 đồng/ngày (thực lĩnh chỉ là 3,6 triệu đồng vì trừ thứ bảy, chủ nhật). Khoản tiền nói trên quá nhỏ nhoi, trong bối cảnh đời sống xã hội lại rất đắt đỏ.

Nếu ta còn nghèo thì tại sao các vị lãnh đạo ngành văn hoá, thể thao... vẫn còn quá hình thức, hết xin đăng cai các đại hội thể thao khu vực lại đến châu lục vốn sẽ rất tốn kém? Nếu không bị áp lực của công luận hồi nào thì có lẽ chúng ta đã tổ chức Asiad 18 vào năm 2019 với tổng chi phí sơ sơ khoảng 300 triệu USD rồi. Điều mà ngay cả những nước giàu có họ còn né tránh đăng cai huống hồ chúng ta quá nghèo, cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn... (Tôi cũng hiểu rằng, có thể ta ít đăng cai thì cũng sẽ khó tạo dựng vị thế quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế)...

Nếu còn thiếu kinh phí để nuôi cho đàng hoàng những VĐV cấp đội tuyển thì cớ gì phải xây nhiều tượng đài to lớn hoành tráng, những bảo tàng to tát không người vào thăm? Cớ gì phải xây nhiều nhà văn hoá, cung thể thao ở cấp quận, huyện mà khi làm xong, hiệu suất sử dụng cả năm chỉ dùng vài ba lần, thời gian còn lại là đóng cửa mốc meo, vô cùng phí phạm...

Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi căn bản tư duy làm văn hóa và thể thao kiểu này. Cái gì thật cần chi thì không nên tiếc. Cái gì có thể là chưa cần lắm hoặc quá lãng phí thì nên cắt giảm mạnh tay. Và không lẽ với ngần đó năm cống hiến cho đất nước với từng đó huy chương đoạt được mà sao chỉ có chuyện được vào biên chế chính thức mà cũng khó đến vậy?

Quốc Phong

Ảnh: Nữ tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Lệ Dung và cháu gái - Ảnh: TNO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngậm ngùi tuyển thủ quốc gia