Bất luận thế nào thì việc quyết định liên quan đến tương lai một đất nước được đưa ra sau mà không có sự đồng thuận của người dân hay thực thể chính trị đại diện hợp pháp quốc gia thì rõ ràng chủ quyền của quốc gia ấy đã bị bỏ qua trong những toan tính chính trị.

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tự ra tuyên bố chung về tương lai Syria: Chủ quyền của Syria ở đâu?

25/11/2017, 16:39

Bất luận thế nào thì việc quyết định liên quan đến tương lai một đất nước được đưa ra sau mà không có sự đồng thuận của người dân hay thực thể chính trị đại diện hợp pháp quốc gia thì rõ ràng chủ quyền của quốc gia ấy đã bị bỏ qua trong những toan tính chính trị.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ bàn về tương lai Syria, diễn ra tại Sochi - Ảnh: Reuters

Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố chung về tương lai Syria

Theo Sputnik ngày 23.11, sau khi Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Iran Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gặp gỡ tại Sochi của Nga, thảo luận về giải pháp cho vấn đề Syria, ba bên đã ra tuyên bố chung với nội dung có tính quyết định đến tiến trình hoà bình và chính trị cho Syria thời hậu IS.

Tổng thống nước chủ nhà Putin cho hay, cuộc đàm phán lần này đã diễn ra trong không khí hết sức tích cực. Về tổng thể, trong tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo bày tỏ ủng hộ ý tưởng tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria, vốn không thể diễn ra ngày 18.11.2017 như dự tính của Moscow.

“Tôi rất hài lòng khi Tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ sáng kiến tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria. Chúng tôi đã thống nhất sẽ tổ chức sự kiện quan trọng này ở cấp độ cần thiết để đảm bảo đại diện tất cả các tầng lớp xã hội Syria sẽ tham gia vào cuộc đối thoại", ông Putin hào hứng.

Sau hai giờ thảo luận với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Tổng thống Nga Putin đã nhận định: "Rõ ràng, tiến trình cải cách tại Syria không đơn giản, nó đòi hỏi sự thỏa hiệp và nhượng bộ của tất cả các bên, bao gồm cả chính phủ Syria".

Các nhà lãnh đạo Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thảo luận về sự tham gia của người Kurd vào Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria, song khẳng định tương lai của Syria phải do chính người Syria - cả lực lượng ủng hộ cũng như chống đối chính quyền tại Damascus Syria hiện nay - quyết định.

Bên cạnh đó, theo tuyên bố chung, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định tiếp tục các nỗ lực tích cực nhất để đảm bảo sự ổn định cho Syria, tôn trọng chủ quyền, tính thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, mà nhiệm vụ chính trước mắt là tận diệt khủng bố.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ về Syria diễn ra ngay sau khi Tổng thống Putin có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Syria Bashar al-Assad - trong một chuyến thăm bất ngờ tới Nga - sau khi Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria do Nga bảo trợ bị hoãn lại.

Sự kiện chính trị này cũng diễn ra sau khi Tổng thống Putin có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thảo luận về triển vọng hoà bình và tiến trình chính trị ở Syria, trong đó hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế đàm phán tại Hội nghị quốc tế Geneva về Syria do LHQ bảo trợ.

Vì vậy, dù không đề cập đến vấn đề khôi phục kinh tế-xã hội cho Syria mà chỉ đề cập đến sự cần thiết phải gia tăng khối lượng viện trợ nhân đạo cho người dân Syria, nhưng kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bước tiến quan trọng trong quá trình giải quyết xung đột ở Syria.

Kết quả hình ảnh cho picture of Putin and Rouhani and Erdogan

Tổng thống Putin, Tổng thống Rouhani, Tổng thống Erdogan tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ bàn về tương lai Syria - Ảnh: Middle East Monitor

Có thể thấy rằng, sau khi không thể thực hiện được tham vọng độc diễn ván cờ Syria thời hậu IS qua việc đơn phương tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria, Tổng thống Putin đã thay đổi quan điểm và việc Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố chung về tương lai Syria là một thắng lợi bước đầu của Kremlin.

Chủ quyền quốc gia của Syria đã chính thức bị đồng minh, đối tác bỏ quên

Theo giới phân tích, dù tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chủ quyền của quốc gia Trung Đông này phải được tôn trọng, song chính việc tổ chức sự kiện chính trị này và thông cáo về kết quả của nó cho thấy chủ quyền quốc gia của Syria đã bị lãng quên.

Xin ngược dòng thời gian, khi những thay đổi của chính quyền Tổng thống Assad - nhất là việc bãi bỏ thiết quân luật - không được lực lượng nổi dậy ghi nhận tích cực, mà ngược lại xem đây là cơ hội dễ dàng cho việc chống chính quyền, thì đó là lúc chủ quyền quốc gia Syria lâm nguy.

Khi lực lượng nổi dậy tại Syria kết nối với nhau hình thành nên phe đối lập đối đầu với chính quyền Damascus và tạo ra cuộc xung đột vũ trang. Lực lượng đối lập đã nhanh chóng chiếm giữ những thành phố quan trọng và tạo ra thế giằng co với quân chính phủ.

Thực trạng đó tạo ra khoảng trống quyền lực tại nhiều nơi trên lãnh thổ Syria. Lợi dụng tình hình, các lực lượng khủng bố, trong đó có tổ chức IS đã tấn công và chiếm giữ nhiều thành phố, làng mạc tại Syria, đưa đất nước Syria trở thành lò lửa chiến tranh.

Trước bối cảnh đó, tháng 9.2014, Mỹ đã quyết định thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng khủng bố, nhất là IS, trên lãnh thổ Syria. Ngoài việc hành động không được sự kêu gọi hay chấp thuận của chính quyền tại Damascus, Washington còn ủng hộ cho phe đối lập tại Syria.

Nhận diện mối đe doạ cho sự tồn vong, chính quyền Tổng thống Assad đã nhân danh nhà nước Syria gửi tới Nga lời kêu gọi giúp đánh đuổi khủng bố, đảm bảo an toàn cho chế độ, an ninh cho đất nước Syria, Và tháng 9.2015, quân đội Nga chính thức ném bom xuống các cứ điểm IS tại Syria.

Từ đó Mỹ trở thành "khách không mời" ở Syria và bị lên án là xâm phạm chủ quyền của quốc gia này. Ngược lại, Nga được xem là lực lượng cứu nguy cho cả dân tộc Syria, tôn trọng chủ quyền quốc gia của Syria, vì Nga là "khách được mời".

Trong quá trình can thiệp vào cuộc chiến tại Syria, Moscow được nhìn nhận là luôn thể hiện sự tôn trong đối với chủ quyền quốc gia của Syria. Ngoài việc ghi nhận chính quyền Damascus là thực thể đại diện chủ quyền quốc gia, Moscow còn đứng ngoài các hành động liên quan tới chủ quyền của Syria.

Điều đó thể hiện rất rõ qua việc quân đội Nga "án binh bất động" khi Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria nhằm trừng phạt Damascus trong vụ tấn công bằng vũ khí hoá học tại tỉnh Idlib hồi tháng 4.2017 - mà Washington mặc định là thủ phạm.

Hay quân đội Nga cũng không có hành động đáp trả nhằm bảo vệ Syria trước các cuộc pháo kích, không kích của quân đội Israel, bất chấp nó gây hưởng tiêu cực cho Damascus với tư cách thực thể đại diện chủ quyền quốc gia Syria và cả Moscow với tư cách lực lượng bảo trợ chính quyền Assad.

Như vậy, cho đến trước khi Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố chung về tương lai Syria, Moscow luôn thể hiện tôn trọng chủ quyền quốc gia của Syria. Đây chính là một trong những cơ sở khiến dư luận quốc tế luôn nhìn nhận Nga đứng về phía chính nghĩa trong cuộc chiến Syria.

Tuy nhiên, khi Moscow - Tehran - Ankara bàn bạc rồi cùng ra quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước Syria trong một sự kiện chính trị chính thức ở cấp nhà nước, mà không có sự tham gia của người Syria, cho thấy dường như chủ quyền quốc gia của Syria đã bị đồng minh, đối tác bỏ qua.

Bởi bất luận thế nào thì những quyết định liên quan đến tương lai một đất nước được đưa ra mà không có sự cùng bàn bạc và đồng thuận của người dân hay thực thể chính trị đại diện hợp pháp quốc gia thì rõ ràng chủ quyền của quốc gia ấy đã bị lãng quên trong những toan tính chính trị.

Dù nội dung tuyên bố chung Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ được cho là vì sự tốt đẹp cho đất nước Syria thì cũng không thể phủ nhận người dân Syria đã phải đứng bên lề những khoảnh khắc đặc biệt liên quan đến lịch sử dân tộc mình, đó là chưa kể có những nội dung không hoàn toàn hợp ý người Syria.

Nhân dân là chủ thể của lịch sử và mọi sự kiện liên quan đến vận mệnh của một quốc gia dân tộc thì phải đảm bảo chỗ đứng cho chủ thể của lịch sử dân tộc ấy, trong đó có việc tôn trong chủ quyền quốc gia - một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm lợi ích dân tộc.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tự ra tuyên bố chung về tương lai Syria: Chủ quyền của Syria ở đâu?