Các nhà khoa học Nga bắt đầu triển khai dự án thu thập vài nghìn bản ghi âm giọng nói của mọi người, mục đích là để dạy hệ thống ERA-GLONASS biết cách ứng phó khẩn cấp trong trường hợp tai nạn, chẳng hạn hiểu được lời kêu gọi cấp cứu bằng giọng nói của người lái xe hoặc hành khách trên xe.
Theo TASS, các nhà khoa học ở Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga) cùng với các đồng nghiệp bắt đầu triển khai dự án thu thập vài nghìn bản ghi âm giọng nói của mọi người, mục đích là để dạy hệ thống ERA-GLONASS biết cách ứng phó khẩn cấp trong trường hợp tai nạn như hiểu được lời kêu gọi cấp cứu bằng giọng nói của người lái xe hoặc hành khách trên xe. Bất cứ ai cũng có thể tham gia vào dự án.
Hệ thống thông tin tự động cấp nhà nước ERA-GLONASS là mô đun được cài đặt từ năm 2017 trên cơ sở bắt buộc đối với tất cả các xe hơi mới được bán ở Nga, đảm bảo nhận được thông tin kịp thời về tai nạn đường bộ.
Hệ thống sẽ tự động liên lạc với nhà điều hành trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông để gửi đội cấp cứu đến hiện trường vụ tai nạn và cũng cho phép tài xế liên hệ độc lập với bộ phận hỗ trợ khách hàng nếu cần thiết.
Trường kinh tế kỹ thuật số trực thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông cùng với công ty Nanosemantics đang triển khai một dự án thu thập vài nghìn mẫu giọng nói kỹ thuật số, mục đích là để dạy hệ thống ERA-GLONASS ứng phó khẩn cấp trong trường hợp tai nạn để kêu gọi trợ giúp khi có lệnh thoại của người dùng.
Hiện tại, mọi người chỉ có thể kích hoạt hệ thống vàgọi trợ giúp bằng cách nhấp vào nút. Ngoài ra còn có chế độ khẩn cấp khi hệ thống tự động gọi cho người vận hành, nhưng chế độ này chỉ hoạt động sau khi xảy ra một cú va chạm mạnh.
Các nhà phát triển Nga lưu ý rằng càng nhiều người tham gia gửi giọng nói đến thì máy càng học nhanh để nhận ra các cụm từ điển hình khi trí thông minh nhân tạo sẽ xử lý số lượng biến thể tối đa của cùng một cụm từ qua âm sắc, ngữ điệu, âm lượng.
Vũ Trung Hương