Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng không cần tổ chức một cuộc điều tra độc lập để xác định ai phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công hóa học tại Syria, khi Mỹ và đồng minh vốn đã đóng vai trò “người phán xử kiêm xử phạt”.
15 thành viên Hội đồng Bảo an ngày 17.4 đã có cuộc họp thứ 6chỉ trong vòng 9 ngày qua, trong bối cảnh Moscow đang đối đầu với phương Tây về vụ tấn công do bị nghi dùng vũ khí hóa học ở Douma, dẫn đến hành động quân sự vào Syria của Mỹ - Anh - Pháp.
Ba nước vừa tấn công Syria ngày 14.4 đã đưa ra một dự thảo nghị quyết nhằm kêu gọi tìm giải pháp chính trị cho xung đột kéo dài 7 năm ở quốc gia Trung Đông, đồng thời đề nghị lập một đơn vị điều tra của LHQ để xác định ai phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công hóa học. Những cuộc bàn luận ban đầu về dự thảo này đã được tiến hành trong ngày 16.4.
Đại sứ Nebenzia hôm qua đã bác đề nghị này. Theo ông: “Ý tưởng tạo ra một cơ chế truy trách nhiệm cho việc sử dụng vũ khí hóa học không có ý nghĩa gì khi Washington cùng đồng minh đã xác định thủ phạm và trên thực tế đã hành động như người xử phạt tự phong”.
Vấn đề lập cơ chế điều tra độc lập, thay thế cho một cuộc điều tra hợp tác giữa LHQ với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học quốc tế (OPCW) ra đời năm 2015, đã bị bế tắc bấy lâu nay. Cuộc điều tra chung này đã kết thúc vào tháng 11 năm ngoái, sau khi Moscow ngăn chặn những nỗ lực gia hạn.
Theo cuộc điều tra chung, chính quyền Syria có sử dụng chất độc thần kinh sarin và khí clo, còn bọn khủng bố IS từng dùng khí cay mù tạt.
Nga yêu cầu tổ chức cuộc họp vào ngày 17.4 để nghe báo cáo tóm tắt tình hình tại thành phố Raqqa, nơi lực lượng khủng bố IS vừa bị đánh bại năm ngoái, và trại tị nạn Rubkan nằm gần biên giới Syria- Jordan.Tại cuộc họp, Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Kelley Currie phát biểu: “Việc Nga gọi chúng ta đến đây là một phần trong chiến dịch hướng sự chú ý khỏi những hành động tàn bạo của chính quyền Bashar al-Assad. Để làm được điều này, Moscow đề nghị Hội đồng Bảo an xem xét đến khu vực Syria không bị ông Assad dùng bom thùng và vũ khí hóa học tấn công vào dân thường”.
Trong khi đó, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari cho biết các chuyên gia của OPCW có thể đến Douma trong ngày 18.4, bắt đầu điều tra vụ tấn công xảy ra hai tuần trước.
Trong một diễn biến khác, Đức trong ngày 17.4 đã ngỏ ý muốn làm trung gian giải quyết khủng hoảng Syria. Ngoại trưởng Heiko Maas khẳng định vai trò của nước này trong tiến trình hòa bình Syria chính là đảm bảo các kênh liên lạc với Nga, điều cần thiết để cuộc chiến kéo dài 7 năm ở quốc gia Trung Đông đạt được giải pháp chính trị.
Theo Ngoại trưởng Heiko: “Mục đích chúng tôi theo đuổi là giữ cho Đức có vị trí quan trọng trong sáng kiến hòa bình Syria. Chúng tôi có thể là bên mở ra triển vọng đối thoại với Nga”.
Đức là một trong những nước ủng hộ cuộc tấn công quân sự vào Syria do Mỹ - Anh - Pháp thực hiện hôm 14.4, nhưng mặt khác, chính quyền Berlin không muốn leo thang căng thẳng với phía Moscow.
Cẩm Bình (theo Reuters)