Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố dẫn đánh giá của một số hiệp hội như VCCI, VASEP, VITAS, Amcham, lợi ích quốc gia sẽ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở cả trong và ngoài phạm vi lãnh thổ khi thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) mới.

Nếu thông qua Bộ Luật Lao động, lợi ích quốc gia có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng?

23/09/2019, 07:59

Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố dẫn đánh giá của một số hiệp hội như VCCI, VASEP, VITAS, Amcham, lợi ích quốc gia sẽ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở cả trong và ngoài phạm vi lãnh thổ khi thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) mới.

Nhiều băn khoăn với Bộ Luật Lao động mới - Ảnh minh họa

Ngáng chân doanh nghiệp, giảm nguồn thu Nhà nước

Theo đó, bên ngoài thì Chính phủ phải đối phó với việc giảm kim ngạch xuất khẩu do “năng lực cạnh tranh yếu kém” của các doanh nghiệp Việt Nam (doanh nghiệp phải gánh thêm những gánh nặng về chi phí nhân công, tăng bảo hiểm xã hội, tăng chi phí và cơ chế hỗ trợ cho nhiều tổ chức đại diện lao động tại cơ sở khi Bộ luật lao động mới được ban hành theo Dự thảo tháng 8.2019…).

Còn bên trong thì các cơ quan Nhà nước phải nỗ lực xử lý vấn đề thất nghiệp gia tăng, chi phí bảo hiểm thất nghiệp tăng và việc cắt giảm lao động hàng loạt do nhiều doanh nghiệp không thể trụ nổi trong bối cảnh chịu những tác động của các quy định trong Dự thảo Bộ luật lao động mới.

Cụ thể, theo báo cáo này, nếu Dự thảo BLLĐ sửa đổi được chính thức thông qua với hàng loạt các quy định “ngáng chân” doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

BLLĐ năm 2012 đang tồn tại đã và đang gây quá nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của các ngành công nghiệp trọng điểm xuất khẩu, nhiều đơn hàng đã bị hỏng do các đoàn đánh giá độc lập của “bên mua” đã căn vào các quy định quá khắt khe của BLLĐ hiện hành để “đánh trượt” doanh nghiệp trong việc xuất hàng đi nước ngoài.

Dự thảo BLLĐ mới cũng có thể làm sụt giảm nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Khi doanh nghiệp đang phải đối diện với quá nhiều khó khăn về thị trường, nguồn vốn, những rủi ro trong kinh doanh thì các thay đổi theo hướng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong Dự thảo BLLĐ lần này sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, doanh thu sụt giảm.

Nguyên nhân này dẫn tới nguồn thu từ hoạt động của doanh nghiệp (như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng,…) cũng sẽ bị sụt giảm theo và ảnh hưởng đáng kể tới việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của quốc gia do không có đủ nguồn thu, phát sinh bội chi, gây sức ép lớn cho Nhà nước.

Báo cáo này cũng dự đoán hàng loạt lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập, đàm phán các Hiệp định thương mại quốc tế để doanh nghiệp Việt có thêm các lợi thế trong ưu đãi thuế quan, xuất khẩu hàng hóa… sẽ trở nên vô giá trị khi các doanh nghiệp Việt Nam bị các bên đánh giá chấm điểm trượt ngay trên “sân nhà”.

“Rõ ràng, khi pháp luật nước sở tại quy định quá chặt về các điều kiện mà doanh nghiệp cần tuân thủ trong lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội thì vô tình đã “làm khó” cho doanh nghiệp và khiến doanh nghiệp Việt Nam càng trở nên yếu thế hơn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác”, báo cáo nhận định.

Trong khi đó các quốc gia như Lào, Cambodia, Philippines vốn cùng trình độ phát triển kinh tế với Việt Nam nhưng lại đang được hưởng những quy định dễ dàng hơn của pháp luật lao động về thời gian làm việc, thời gian làm thêm… Hàng Việt Nam trước khi xuất sang các thị trường nước ngoài đã bị đánh trượt về điều kiện ngay trên chính “sân nhà”.

Cùng với đó, lợi ích quốc gia từ chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ vô giá trị do rào cản pháp luật lao động quá lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Có thể thấy, nền sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay chưa phát triển nên không thể giảm chi phí giá thành đầu vào của nguyên vật liệu để tăng sức cạnh tranh.

“Lợi thế duy nhất để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là chi phí về lao động, nguồn nhân lực. Nhưng điểm mạnh này có thể trở thành điểm yếu khi môi trường pháp lý không thuận lợi, hàng loạt các chi phí cho người lao động ngày càng tăng cao, họ có thể từ bỏ Việt Nam để tìm kiếm các quốc gia khác”, báo cáo nêu.

Nhiều doanh nghiệp có thể phải thu hẹp sản xuất

Hơn nữa, nhiều quy định trong Dự thảo BLLĐ mới hiện nay đang “rất mờ” và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng (như các quy định về kỷ luật lao động, sa thải lao động, các quy định về tập nghề, sử dụng lao động thuê lại…).

Điều này vô tình đã tạo “khoảng trống” cho pháp luật. Trong thực tiễn, khi các bên đánh giá độc lập cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đình công khi gặp phải các quy định mờ này thường diễn giải theo hướng “có lợi hơn cho người lao động” nên càng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Dự thảo BLLĐ mới sẽ có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam) chưa đáp ứng được các yêu cầu của Dự thảo BLLĐ mới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Nếu doanh nghiệp lại tiếp tục phải đối diện với việc gia tăng nhiều yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn về việc sử dụng lao động (theo Dự thảo BLLĐ mới) thì khó khăn càng nhân lên gấp bội lần so với hiện nay. Thay vì tập trung nguồn lực (tài chính, trí tuệ) vào thị trường và đem lại nhiều doanh số xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với vấn đề lao động và chắc chắn sẽ giảm đi lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa, giảm kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp dẫn tới bước đường cùng phải giải thể hoặc phá sản.

Dự thảo BLLĐ mới sẽ có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động bên cạnh những rủi ro mà doanh nghiệp đã và đang phải đối diện liên quan đến thị trường, hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Ở một góc nhìn khác, đó là lợi nhuận và doanh số, là sự khốc liệt của thị trường, là yêu cầu khắt khe của xuất khẩu hàng hóa… thì chính các doanh nghiệp mới là “kẻ yếu thế”. Nếu không bảo vệ họ, thì hãy hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tồn tại. Sau khi họ đã đủ sức để trụ vững thì hãy tính đến việc tăng dần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có lẽ, Dự thảo BLLĐ có những điểm đang đi ngược lại với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và thật sự tạo ra “lực cản” giảm động lực phát triển kinh tế.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu thông qua Bộ Luật Lao động, lợi ích quốc gia có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng?