TS Vũ Tiến Lộc cho rằng tăng năng suất chính là con đường duy nhất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững để có được thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000 USD/người vào năm 2035.

Nếu muốn bình quân 15.000 - 18.000 USD/người thì tăng năng suất là con đường duy nhất

07/08/2019, 11:10

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng tăng năng suất chính là con đường duy nhất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững để có được thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000 USD/người vào năm 2035.

Năng suất lao động Việt Nam ở mức thấp - ảnh: LT

Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra ngày 7.8, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011.

Riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Ông Dũng cho rằng điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Theo đó, việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bài toán tăng nhanh năng suất lao động được đặt ra và cần phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn lời của Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế cho hay: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì gần như là tất cả”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của năng suất và tăng năng suất chính là con đường duy nhất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững để có được thu nhập bình quân đầu từ 15.000 - 18.000 USD/người vào năm 2035 như đã đề ra trong Báo cáo Việt Nam 2035.

Cũng theo ông Lộc, Báo cáo Việt Nam 2035 cho thấy năng suất lao động đang giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng và tài chính (những ngành mà doanh nghiệp (DN) nhà nước giữ vai trò chủ đạo và nhận nhiều ưu đãi). Trong khi hoạt động của các DN tư nhân số lượng tăng nhưng năng suất lại giảm. Điều này do hầu hết DN tư nhân có quy mô nhỏ và hoạt động trong khu vực phi chính thức nên khó tăng năng suất dựa vào quy mô, công nghệ.

Ông Lộc cho biết trong nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp - là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh ít quan trọng nhất. Trong khi Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ; còn Singapore từ lâu đã cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao.

“Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động Việt Nam ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Do đó, ông Lộc cho rằng trong bối cảnh nước ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, những lợi thế cạnh tranh truyền thống nói trên đang dần biến mất thì vấn đề năng suất thấp sẽ là một cản trở lớn đối với việc thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế, sẽ khiến chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, năng suất cần phải trở thành động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc...

Trong khi đó, xếp hạng các chỉ số về khoa học công nghệ của Việt Nam so với các nước trên thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp. Ví dụ như năm 2018, năng lực cạnh tranh đứng thứ 77, đổi mới sáng tạo đứng thứ 82, trong đó hợp tác đa bên trong đổi mới sáng tạo đứng thứ 92, số bằng phát minh, sáng chế đứng thứ 89, tăng trưởng của các công ty đổi mới sáng tạo đứng thứ 90...

Bộ trưởng Dũng cũng nêu, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng. Lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh, không chỉ tạo áp lực về gánh nặng phúc lợi xã hội mà còn đặt ra thách thức đối với lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế trước yêu cầu cao về chất lượng, kiến thức và kỹ năng.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, số lượng DN phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị còn thấp. Khu vực FDI có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực DN trong nước. DNNN có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế; khu vực DN tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số DN song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Lam Thanh

Bài liên quan
EVNHCMC nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số
Chiều 14.11, tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2, ông Luân Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã trình bày tham luận “Phát triển lưới điện thông minh và thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối điện và năng suất lao động tại EVNHCMC”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu muốn bình quân 15.000 - 18.000 USD/người thì tăng năng suất là con đường duy nhất