Thông tin giải tỏa đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành, cuộc sống của 5.800 hộ dân chờ giải tỏa ven tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc địa bàn các quận 4, 7, 8 như ngồi trên đóng lửa. Đi không được, ở cũng không xong, cơ sở vật chất xuống cấp cũng không dám sửa lại vì sợ giải tỏa. Người dân thiết tha, nếu có giải tỏa thì làm liền để họ đỡ hoang mang và tính toán cho cuộc sống.

Nếu giải tỏa thì giải tỏa liền đi, đừng làm khổ chúng tôi nữa

Thảo Hương, Nguyễn Thảo | 14/04/2016, 06:12

Thông tin giải tỏa đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành, cuộc sống của 5.800 hộ dân chờ giải tỏa ven tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc địa bàn các quận 4, 7, 8 như ngồi trên đóng lửa. Đi không được, ở cũng không xong, cơ sở vật chất xuống cấp cũng không dám sửa lại vì sợ giải tỏa. Người dân thiết tha, nếu có giải tỏa thì làm liền để họ đỡ hoang mang và tính toán cho cuộc sống.

Hoang mang, mòn mỏi

Thông tin nhà mình ở sẽ bị giải tỏa, nhiều hộ dân ở khu vực trên đang sống trong cảnh hoang mang, lo lắng. “Với những hộ nghèo, diện tích nhà nhỏ như chúng tôi, tôi lo số tiền đền bù không đủ để mua 1 căn nhà nhỏ để ở. Từ khi biết tin giải tỏa, nhà tôi không có tinh thần ổn định để làm ăn nữa. Giải tỏa đi chỗ khác khó làm ăn buôn bán vì công việc ở đây quen rồi”, ông Nguyễn Văn Sang (270/23C Bến Vân Đồn, phường 2, quận 4) trăn trở.

Cùng trong cảnh ngộ với ông Sang, ông Phạm Văn Sáng (đường Mai Hắc Đế, quận 8) đã sống ở đây từ năm 1986, nay nhà ông thuộc diện giải tỏa đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. “Chính quyền cho biết sẽ giải tỏa gần chục năm nay nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhà cửa ở đây thì hay ngập nước khi mưa và thủy triều dâng lên. Do không có đường thoát nước nên nước hay ứ động, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đên sức khỏe gia đình. Vì cái tin giải tỏa mà chúng tôi không dám sửa sang nhà cửa. Chẳng lẽ phải sống mãi trong cảnh này hay sao? Nếu giải tỏa thì giải tỏa liền đi, đừng làm khổ chúng tôi nữa”, ông Sáng gay gắt.

Sợ toilet không thoát nướckịp, một hộ dân trên đường Mai Hắc Đế đã cho ống xả dẫn ra cống trước nhà. Ảnh: Thảo Hương

Chờ đợi đến bao giờ? Đây là câu hỏi mà hầu hết các hộ dân nơi này đều thắc mắc. Thời gian chính xác cho việc giải tỏa vẫn đang là ẩn số cho người dân. Vì thế, việc chờ đợi khiến nhiều người mệt mỏi. “ Cần giải tỏa thì mong chính quyền tiến hành cho nhanh, chứ chần chừ như vậy lâu ngày thì chúng tôi mệt lắm. Nhà nước phải báo cho chúng tôi cái ngày giờ cụ thể để còn biết đường mà tính nữa chứ”, bà N.H.L (đường Mai Hắc Đế, quận 8) cũng chia sẻ.

Bà kể, cũng vì tin nhà mình bị giải tỏa nên gia đình bà đã vay vốn ngân hàng để tìm mua trước một căn nhà, đợi đến khi chính quyền đền bù tiền thì sẽ dùng số tiền đó để trả lại ngân hàng. Thế nhưng, đến nay đã mấy năm kể từ ngày thông báo vẫn chưa tiến hành đền bù giải tỏa nên bà đành phải chịu trả lãi khoảng hơn 12 triệu đồng hằng tháng. Điều này khiến gia đình bà rơi vào cảnh khó khăn.

Những người dân mà chúng tôi tiếp xúc, hầu hết đều lắc đầu ngao ngán vì tình huống bấp bênh này. Đi cũng không được mà ở cũng không xong, họ chỉ biết gửi gắm hy vọng vào chính quyền thành phố có một cách giải quyết thỏa đáng nhất.

Nếu nhà bị giải toả chỉ có cách về quê!

Được biết, mức đền bù dao động khoảng trên dưới 17 triệu/m2 đất. Phần lớn những hộ dân được giải tỏa là hộ nghèo với diện tích khá nhỏ, nhà chỉ vài ba chục mét vuông, có hộ còn nhỏ hơn. Nhiều người dân hoang mang với ngần ấy tiền đền bù sau giải tỏa thì liệu họ có mua nổi 1 căn nhà. Hoặc nếu không đủ sức mua nhà thì họ sẽ ở đâu… Bên cạnh những căn nhà ven kênh, tạm bợ có được giấy chủ quyền thì cũng có khá nhiều hộ dân trong tổng số 5.800 hộ đã xây dựng trái phép nhà ở. Không có miếng giấy hợp pháp lận lưng, chỉ mỗi mảnh giấy bán sang tay nên những hộ này càng lo lắng hơn về việc sẽ mất nhà mà không được đền bù.

Trong quá trình đi tìm hiểu, chúng tôi đã gặp bà Đặng Thị Mỹ Lệ. Gia đình bà hiện thuê 1 căn phòng trọ nhỏ tại đường Mai Hắc Đế, quận 8. Theo lời kể của bà Lệ, trước đây hơn chục năm, bà có mua một căn nhà chưa có giấy tờ ven sông với giá gần 300 triệu đồng. Nào ngờ, sau một tháng mua nhà, bà mới biết căn nhà này nằm trong khu vực đang giải tỏa. Hụt hẫng, hoang mang, xót tiền, bà Lệ càng lo sợ nhà mình sẽ bị đập bỏ thì coi như mất trắng nên đành bán lại cho người khác chỉ với giá 50 triệu bọt bèo. Từ đó đến nay, gia đình 3 người của bà phải thuê mướn nhà nay đây mai đó để ở trong suốt hơn 10 năm qua. Hoàn cảnh gia đình bà hiện tại hết sức khó khăn khi vừa phải lo tiền sinh hoạt hằng tháng vừa phải chăm đứa cháu bị bệnh down.

Bà Đặng Thị Mỹ Lệ rưng nước mắt khi kể về hoàn cảnh của mình. Ảnh: Thảo Hương

Cùng chung nỗi lo, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà H.T.L.T (đường Mai Hắc Đế, quận 8) đã tự cất nhà trên mảnh đất trống từ năm 2007 đến nay. Khi hay tin khu đất ấy sẽ giải tỏa, lo sợ mất đi ngôi nhà đang sống, bà lo lắng: “Mong cho sau khi giải tỏa, những hộ dân như tôi sẽ được nhà nước cấp cho một chỗ để sống. Nếu giải tỏa rồi thì gia đình tôi không còn chỗ nào để đi”.

Cũng tâm trạng hoang mang như thế là những người dân sống ven kênh tại quận 4. Gia đình 4 người của ông Nguyễn Văn Lợi sống ở Bến Vân Đồn, quận 4 đến nay đã gần 30 năm. Tạm dừng ữa cơm đang ăn dang dở, ông Lợi bùi ngùi chia sẻ : “Gắn bó ở đây lâu rồi nên bây giờ đi cũng buồn. Nhà tôi chỉ có 24m2, dù có giấy tờ và có đóng thuế đất mỗi năm nhưng nếu có đền bù chắc cũng không mua nổi căn nhà nhỏ”.

Với ông Lợi, bây giờ không thể sắp xếp cuộc sống như thế nào, trước mắt vẫn sống ngày qua ngày tại nơi đây, bởi theo ông “chừng nào giải tỏa hẵng hay, cầm tiền trên tay mới biết cuộc sống mình sắp tới thế nào. Trong trường hợp không mua được nhà, chắc tui với bả chỉ còn cách về quê ở”, vừa nói ông Lợi vừa nhìn sang vợ mình với gương mặt buồn rầu…

Nguyễn Thảo

Chú thích ảnh: Nhà ven kênh dọc đường Bến Vân Đồn. Ảnh: Thảo Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu giải tỏa thì giải tỏa liền đi, đừng làm khổ chúng tôi nữa