Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 31.8, về vấn đề họp hành, Thủ tướng cho rằng cần bám sát thực tiễn cuộc sống bởi “nếu chỉ ngồi bàn giấy thì khó có mô hình mới, chính sách sát thực tiễn”.

‘Nếu chỉ ngồi bàn giấy thì khó có chính sách sát thực tiễn’

Trí Lâm | 01/09/2016, 09:29

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 31.8, về vấn đề họp hành, Thủ tướng cho rằng cần bám sát thực tiễn cuộc sống bởi “nếu chỉ ngồi bàn giấy thì khó có mô hình mới, chính sách sát thực tiễn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnhtinh thần của quy chế làm việc là tăng cường công khai minh bạch hoạt động của Chính phủ trước nhân dân để dân biết, có ý kiến và giám sát.Cùng với đó là xây dựng quy trình xử lý công việc khoa học, hợp lý, đối với từng loại công việc, từng nhiệm vụ, xác định rõ thẩm quyền và đề cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra; xác định rõ vai trò của chuyên viên, lãnh đạo vụ, lãnh đạo bộ trong xử lý công việc.

Hiện nay, theo Thủ tướng, một số hạn chế vẫn còn tồn tại là công tác phối hợp xử lý công việc giữa các bộ, ngành còn yếu, vẫn còn tình trạng chậm, nợ đọng văn bản.

“Quy chế hiện hành không quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, xác định trách nhiệm của Bộ trưởng trong phối hợp xây dựng chính sách pháp luật thì lần này, phải có quy chế phối hợp tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề họp hành, Thủ tướng cho rằng cần bám sát thực tiễn cuộc sống bởi “nếu chỉ ngồi bàn giấy mà không có thực tiễn thì khó có mô hình mới, chính sách sát thực tế”.

Nhận định một trong những nguyên nhân chậm trễ của các bộ chính là ở cấp chuyên viên, cấp vụ và có tình trạng phải gặp người đề xuất mới xử lý công việc, Thủ tướng yêu cầu “phải xử lý qua mạng. Nếu làm tốt vấn đề này thì rút ngắn thời gian rất nhiều”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử trong giai đoạn này phải đặt ra rõ ràng hơn, có lộ trình, bước đi cụ thể hơn từ Trung ương đến cấp quận, huyện, xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ cũng như trong chỉ đạo điều hành công việc hằng ngày của Thủ tướng, các Phó thủ tướng.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủxem xét đánh giá hiệu quả của hệ thống phần mềm xử lý công việc hiện nay để đẩy mạnh, phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong xử lý công việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác xây dựng thể chế. Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành đi liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xác định trách nhiệm, chế tài xử lý đối với những trường hợp không thực hiện nghiêm túc quy chế, nhất là đối với việc xin ý kiến phối hợp liên ngành.

“Phân định rõ trách nhiệm và phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ khác. Tách biệt thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng trong giải quyết công việc” – Thủ tướng nói.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải đề cao vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công theo quy định.

“Các đồng chí là tư lệnh lĩnh vực suốt từ Trung ương tới xã, phường. Ở đâu có sự kiện thuộc lĩnh vực của các đồng chí là các đồng chí phải kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết, chứ không chỉ lo công việc trên Bộ”, Thủ tướng nói.

Cho rằng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, Thủ tướng nhấn mạnh Văn phòng Chính phủtăng cường hơn nữa vai trò theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, địa phương. Từ kết quả làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Thủ tướng nhìn nhận, kết quả khách quan, thẳng thắn, đồng thời đề nghị phát huy ưu điểm cũng như rút kinh nghiệm, các đầu việc Thủ tướng, Phó thủ tướng giao mà chưa thực hiện thì cần đôn đốc mạnh hơn, nhanh hơn.

“Sắp tới sẽ tiếp tục làm việc, kiểm tra một số bộ, UBND địa phương về thực hiện kết luận của Thủ tướng, Phó thủ tướng chứ không chỉ có 2 Bộ này, báo cáo kết quả trong phiên họp Chính phủ tới” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, tổng hợp, giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm thông suốt trong chỉ đạo, điều hành hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời giao Văn phòng Chính phủ chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn thiện dự thảo quy chế, Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Thủ tướng xem xét ký ban hành.

Trí Lâm
Bài liên quan
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Nếu chỉ ngồi bàn giấy thì khó có chính sách sát thực tiễn’