GS-TS Hoàng Văn Cường cho rằng những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải thấy được việc phải tuân thủ ra sao, có thể gặp những rủi ro gì, nhưng thực tế nhiều nhà phát hành vừa qua chưa thực sự hiểu. Nếu người ta biết được phát hành như thế rơi vào vòng lao lý thì có lẽ họ đã không làm.

‘Nếu biết phát hành trái phiếu kiểu như vậy sẽ vướng lao lý có lẽ họ đã không làm’

Hoài Lam | 29/05/2023, 12:41

GS-TS Hoàng Văn Cường cho rằng những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải thấy được việc phải tuân thủ ra sao, có thể gặp những rủi ro gì, nhưng thực tế nhiều nhà phát hành vừa qua chưa thực sự hiểu. Nếu người ta biết được phát hành như thế rơi vào vòng lao lý thì có lẽ họ đã không làm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam khá non trẻ

Tại cuộc tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng cho rằng năm 2021 và quý đầu đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rất sôi động. Tuy nhiên, sang đầu năm 2022, khi xảy ra chuyện một số DN rơi vào khủng hoảng pháp lý, thì nhiều nhà đầu tư nhận thấy sự rủi ro.

“Rủi ro đó, một phần chúng ta nhìn thấy rất rõ là bản thân DN phát hành trái phiếu không được kiểm soát, dẫn đến tình trạng phát hành nguồn tiền không có cơ sở, những yếu tố để bảo đảm cho giá trị trái phiếu. Ngoài ra, trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ dành cho đối tượng là những người đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Nhưng trên thực tế, phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ rằng giống như gửi ngân hàng”, ông Cường nói.

Khó khăn thứ hai, theo ông Cường là nhiều khoản trái phiếu chưa đến hạn đáo hạn mà nhà đầu tư đã muốn rút hoặc nhiều DN năng lực yếu cho nên đến thời kỳ là phải đáo hạn trái phiếu, không phát hành được các lô mới và không có nguồn để đáo hạn.

Đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng thị trường TPDN của Việt Nam rất non trẻ và chắc chắn các chủ thể trong thị trường này cũng non trẻ.

“Rõ ràng, chúng ta đang trong tình trạng, bối cảnh là các DN khó khăn và trái phiếu khó khăn. Khi sử dụng rồi thì lẽ ra doanh nghiệp có thể phát hành tiếp để có được dòng tiền trả được các trái chủ khi đến hạn nhưng thị trường khó khăn. Rồi quá trình sản xuất gặp khó khăn, dòng tiền gặp khó khăn và khó khăn cả trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà phát hành”, ông Chi nói.

chi.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Ảnh: VGP

Nêu giải pháp cho vấn đề này, ông Chi cho rằng giữ cho kinh tế ổn định là điểm tựa để các DN tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển. Đồng thời, phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu một cách linh hoạt và hiệu quả.

“Trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ ra 2 nghị định số 65/2022/NĐ-CP và số 08/2023/NĐ-CP. Những quy định pháp lý mới nhất như vậy đã kịp thời giúp các DN phát hành nhà đầu tư có công cụ pháp lý, thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt. DN phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với những nghĩa vụ như các cam kết của mình với nhà đầu tư. Bản thân các nhà đầu tư cũng phải tôn trọng các quy định của pháp luật”, ông Chi nói.

“Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. DN phải tôn trọng các thỏa thuận của DN phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện”, ông Chi nói.

TPDN có vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia

TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (trả lời trực tuyến từ Singapore) cho rằng nhìn những quốc gia đã tạo ra những phát triển thần kỳ thì trái phiếu có vai trò rất quan trọng, đến 100% của GDP, trong đó khoảng 50% của DN và 50% của Chính phủ. Chẳng hạn Hàn Quốc có đến 18 địa phương phát hành trái phiếu xây dựng đường sắt, tàu điện ngầm, các công trình được xây dựng, phát triển mạnh.

“Việc đầu tư vào những cái tạo ra giá trị thì chúng ta không tiếc đầu tư, không tiếc sức để vay tiền nếu thực sự có thể tạo ra giá trị. Khi đồng tiền được đầu tư vào những thứ chuẩn xác, đúng hướng sẽ tạo ra nhiều lời lãi, giúp tăng trưởng rất nhanh, rất thần kỳ. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh”, ông Khương nói.

Từ kinh nghiệm của thế giới, ông Vũ Minh Khương cho hay trái phiếu phát hành 3 loại. Một là phải mua bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm thì dân rất yên tâm mua, vì bảo hiểm đã kiểm tra rất kỹ trình độ trái phiếu ra sao.

Dạng thứ hai là phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh. “Tôi mua miếng đất này, xây dựng công trình tàu điện ngầm kia ra sao, hoàn toàn có bảo lãnh, bảo đảm bằng chính tài sản của mình. Đây cũng là công thức tốt, nghĩa là ta phải tạo ra nền móng rất khoa học”.

Loại trái phiếu thứ ba là loại hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải ít nhất có hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.

tp.jpg
Các chuyên gia tại cuộc tọa đàm Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Ông Vũ Minh Khương cũng đề cập tới 3 tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các DN để tránh vấn đề hình sự. Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo DN khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp. Tuyến phòng vệ thứ 2 là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ 3 là cần kiểm toán hằng năm đề đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các ý kiến kiến nghị thường xuyên, liên tục.

Nếu biết phát hành TPDN như thế rơi sẽ vào vòng lao lý có lẽ họ đã không làm

GS-TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng thị trường trái phiếu không phải là một thị trường mua bán hàng hóa thông thường mà là một thị trường tài chính. Người tham gia phải có năng lực và phải có một môi trường pháp lý để tạo ra một hệ sinh thái.

Ông Cường cho rằng việc đầu tiên là phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý, hỗ trợ, giám sát. Bản thân những người tham gia thị trường, kể cả những người phát hành trái phiếu như là DN, cũng phải thấy được việc phải tuân thủ ra sao, có thể gặp phải những rủi ro như thế nào? Khách hàng tham gia và mua trên thị trường này cũng phải có được năng lực đó.

cuong.jpg
GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân 

“Tôi cho rằng có lẽ nhiều DN thời gian vừa qua phát hành trái phiếu chưa thực sự hiểu. Nếu người ta biết được phát hành như thế sẽ rơi vào vòng lao lý thì có lẽ họ đã không làm”, ông Cường nêu.

Ngoài ra, khách hàng, nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào thị trường này cũng thực sự chưa am hiểu. Không thể có chuyện lợi nhuận, lãi suất phát hành ra 13, 14, 15%, ngân hàng đang huy động có 6, 7, 8% mà thị trường trái phiếu mười mấy phần trăm như thế. Một quy luật rất rõ là lợi nhuận càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn, nên đương nhiên sẽ gặp những vấn đề rủi ro.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn cần có các biện pháp phản ứng phù hợp hơn, quan trọng nhất là những trái chủ cảm thấy có niềm tin và sẽ không có người nào mất trắng tay. Chẳng hạn chúng ta gia hạn thời gian thanh toán, chuyển đổi từ trái phiếu sang tài sản… Tôi nghĩ đó không phải là mất tiền mà có khi chúng ta lại có thêm cơ hội”, ông Cường nhận định.

Bài liên quan
Nợ xấu trái phiếu bất động sản tăng mạnh trên 20%
Trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả nợ trâu phiếu doanh nghiệp (TPDN) thì số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%. Ngành này cũng có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17%.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Nếu biết phát hành trái phiếu kiểu như vậy sẽ vướng lao lý có lẽ họ đã không làm’