Cốt lõi, nền tảng của sự tăng trưởng mới của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 nằm ở sự sáng tạo, ở cải cách mạnh mẽ thể chế, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động kinh doanh... Nếu không có những sự thay đổi mạnh mẽ thì không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Đó là đánh giá của TSNguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam2016 với chủ đề: “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” công bố ngày 10.5.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5- 7%là... tham vọng
Theo ông Thành, bảnbáo cáo tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (2016) đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5- 7%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD là khá tham vọng và khó có thể đạt được.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đưa ra 27 kịch bản đối với tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2020. Tại kich bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ ở mức 5,56%/năm. Đây là tình huống nền kinh tế không có nhiều đột phá và tình hình quốc tế được coi như ổn định.
Còn trong trường hợp hiệu quả nền kinh tế được cải thiện mạnh mẽ cùng với môi trường quốc tế thuận lợi thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức bình quân khoảng 6,96%/năm.
Với các kịch bản có khả năng cao xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khuynh hướng hội tụ ở xung quanh mức 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 6,5 - 7%.
Nhận định này cũng nhất quán với dự báo của IMF (2016) cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Điều này đưa tới một hàm ý rất đáng lưu tâm là Việt Nam không thể dựa trên các điều kiện cũ để tăng trưởng kinh tế, mà cần thiết lập những nền tảng mới cho tăng trưởng.
TS Nguyễn Đức Thành cũng nhấn mạnhcốt lõi, nền tảng của sự tăng trưởng mới của Việt Nam nằm ở sự sáng tạo của con người, cải cách mạnh mẽ thể chế, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động kinh doanh... Nếu không có những sự thay đổi mạnh mẽ thì không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng về vốn vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng. Hiệp định thương mại tự do kiểu mới: TPP, EVFTA... giúp thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao mặt bằng công nghệ và nguồn nhân lực trong nước.
Để tận dụng và phát huy tối đa tác dụng của nguồn vốn này, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, ủng hộ doanh nghiệp nội địa phát triển, mở rộng và kết nối với doanh nghiệp FDI.
Viễn cảnh kinh tế 2016
Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, tình trạng bội chi ngân sách tăng nhanh trong giai đoạn trước sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất mà chu kỳ kinh tế này phải đối mặt. Vấn đề mang bản chất cốt lõi nhất là chi tiêu cho hệ thống hành chính ở mức quá lớn so với tổng quy mô GDP.
“Lạm phát trở lại là nguy cơ đáng chú ý nhất sau thời gian khá dài duy trì ổn định ở mức thấp. Thị trường ngoại hối trong vẫn có thể tiềm ẩn những yếu tố rủi ro ngoại sinh, đáng kể nhất là nguy cơ khủng hoảng phát sinh từ các thị trường mới nổi” – ông Nguyễn Đức Thành nói.
Đồng thời, theo ông Thành, tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường.
Báo cáo cũng nhận định rằngmột điểm trừ là hoạt động của hệ thống ngân hàng chưa thực sự lành mạnh và minh bạch. Các biện pháp quản lý mang tính hành chính, như chính sách trần lãi suất, đang làm cho hệ thống mang tính huyết mạch của nền kinh tế này trở nên mong manh trước những biến động kinh tế.
Do đó, động lực tăng trưởng từ sự gia tăng lực lượng lao động đang suy giảm và khó có khả năng đảo ngược xu thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao phải đi đôi với sự gia tăng về vốn sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ.
Thị trường hóa...
Theo nhóm nghiên cứu, trước tình trạng trên, giải pháp là dịch vụ công cần được xã hội hóa theo một cơ chế thị trường lành mạnh. Qua đó vừa sử dụng được một cách hiệu quả nguồn lực xã hội, vừa cắt giảm bội chi ngân sách.
Báo cáo cho haycần đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu điện, nước... Kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.
Đồng thời phảithận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ. Sớm dỡ bỏ các biện pháp quản lý mang tính hành chính sai lệch với nguyên tắc thị trường.
Ngoài ra, hệ thống quản trị quốc gia cần chú trọng đến vai trò của các nhóm kỹ trị. Thiết lập hội đồng cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng hoặc mộtPhó thủ tướng đứng đầu. Hội đồng này cần hoạt động thực sự hữu hiệu để sử dụng công cụ cạnh tranh thúc đẩy hiệu suất và đổi mới nền kinh tế.
Hệ thống giáo dục cũng cần phải có những cải cách mang tính thị trườnghướng tới đáp ứng nhu cầu thực của thị trường lao động, yếu tố chi phí đào tạo cần được tính đủ để tránh méo mó việc hình thành vốn con người.
Trí Lâm