Theo tài liệu đã được công khai vào sáng nay 10.5 (giờ Việt Nam) trên trang offshoreleaks.icij.org do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, Việt Nam có khoảng 189 cá nhân tổ chức, 19 vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, và 23 công ty trung gian trong Hồ sơ Panama.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama, LSTrương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, kiêm Chủ tịch Công ty Luật Basico khẳng định: "Những cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách này không phải làphạm tội, dù có thể có một vài trường hợp nào đó mà chưa thể biết được".
Theo LS Trương Thanh Đức, về cơ bản, những người có tên trong danh sách này đều thuộc hai dạng. Dạng thứ nhất là hoạt động kinh doanh có thu nhập, có giao dịch hợp pháp, nhưng thay vì kê khai ở nơi có thuế cao hơn thì người ta chuyển thuế, hay nói cách khác là họ muốn tận dụng mức thuế ở nơi thấp hơn để giảm thuế. Dạng thứ hai là trong đó có những nguồn thu nhập bất hợp pháp, che giấu và cũng không ngoại trừ dấu hiệu trốn thuế, có thể là hình sự, rửa tiền... Còn nhìn chung thì không phải là vi phạm, có thể có những người muốn che giấu thông tin, không muốn minh bạch, không muốn công khai.
Đồng quan điểm với LSTrương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế Bùi Trinhcủa Tổng Cục Thống kêcũng cho rằng: "Những cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama không phải tội phạm".Lý giải về khẳng định này, chuyên gia Bùi Trinh cho biết,do người dân Việt Nam không muốn công khai nên số tiền của họ không đi vào sản xuất thì vẫn còn ở dưới nhiều dạng. Họ mua vàng và họ đào hố chôn, và họ có thể chuyển tiền ra nước ngoài vì họ không có động cơ đầu tư hay kinh doanh. Vấn đề bây giờ phải xem xét là cách quản lý những loại tiền, loại tài sản đấy của họ ra sao. Không chỉ Việt Nam, rất nhiều người dân thuộc quốc gia khác trên thế giới, ngay cả các quan chức cao cấp cũng có tên trong hồ sơ này… và cái đích cuối cùng mà họ xem xét chính là cách quản lý tiền ra sao".
"Trường hợp khác, có thể họ đầu tư bằng cách này cách khác để không phải chịu thuế, nên chưa thể nói rằng họ phạm tội. Theo tôi, các hình thức nhưtrốn thuế hay rửa tiền nếu có thì xảy ra thì sẽ rất ít trong chuyện này", chuyên gia Bùi Trinh nhận xét.
"Tôi thấy rằng số lượng 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có trong Hồ sơ Panama là hết sức bình thường. Vì trên thực tế, với cách quản lý tiền của người Việt Nam tôi cũng không ngạc nhiên. Chẳng hạn nhiều thứ rõ ràng 100% rồi mà tìm vẫn không ra. Hay chẳng hạn tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nói một đằng làm một nẻo nên doanh nghiệp không có động cơ đầu tư… và họ phải mang tiền giấu đi theo nhiều hình thức khác", vị chuyên gia này cho biết.
Trao đổi với báo giới về vấn đề nói trên, Cục trưởng Cục Thống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho rằngthông tin về số lượng cá nhân, tổ chức Việt Nam trên mạng về Hồ sơ Panama cần phải được xác thực và cần sự chỉ đạo từ Trung ương, phối hợp với quốc tế thì mới có thể vào cuộc làm rõ.
“Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được”, ông Đạt nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, những thông tin nóng hổivề danh tính 23 cá nhân, tổ chức trung gian; 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài và 189 địa chỉ ở Việt Nam đều được công bố trên mạng tại địa chỉ Offshore Leaks. Đây chỉ là một phần trong 200.000 doanh nghiệp ở nước ngoài do các cá nhân giàu có trên thế giới lập ra mà ICIJ công bố.
Với 189 cái tên trong hồ sơ, hơn nửa trong số này là những cái tên "thuần Việt", còn lại có tên ngoại quốc. Trong số đó có những cái tên doanh nhân, doanh nghiệp khá quen thuộc.
Hồ sơ này cũng tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên toàn thế giới, trong đó có liên quan đến 12 người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia như gia đình và cộng sự. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ).
Tuyết Nhung
Ảnhminh họa