Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng không phải là lần đầu tiên vấn đề đảm bảo an ninh được đặt ra trong lĩnh vực kinh tế, cũng như không phải lần đầu tiên nó được sử dụng để bào chữa cho các dự án bị đánh giá là kém hiệu quả.

Nền kinh tế Việt Nam bị kìm hãm bởi 'căn bệnh an ninh'

Nhàn Đàm | 20/08/2016, 14:40

Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng không phải là lần đầu tiên vấn đề đảm bảo an ninh được đặt ra trong lĩnh vực kinh tế, cũng như không phải lần đầu tiên nó được sử dụng để bào chữa cho các dự án bị đánh giá là kém hiệu quả.

Một trong những câu chuyện kinh tế gây tranh cãi nhất trong thời gian vừa qua là báo cáo đánh giá tác động của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đối với ngân sách nhà nước do Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) công bố. Theo đó, khi dự án lọc hóa dầu có tổng vốn đầu tư lên tới 9 tỉ USD này đi vào hoạt động thì thu ngân sách nhà nước có thể sẽ sụt giảm hàng chục ngàn tỉ đồng, chưa kể các khoản bù lỗ mà Petro Vietnam sẽ phải chi trả cho dự án có thể lên tới hàng tỉ USD. Vì vậy dư luận đặt ra những câu hỏi về hiệu quả kinh tế thực sự của dự án này.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng ấyđược cho là những ưu đãi về thuế của Nhà nước và cam kết bao tiêu sản phẩm của Petro Vietnam, mà một trong những lý do ưu đãi thuếvà bao tiêu sản phẩmlàdự án lọc hóa dầu Nghi Sơn có mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai. Đây không phải lần đầu tiên các mục tiêu có tiêu đề “an ninh” được đưa ra để bào chữa cho các dự án bị đặt dấu hỏi về hiệu quả kinh tế. Ngành dầu khí cũng không phải lĩnh vực đầu tiên trong nền kinh tế Việt Nam được ưu ái gắn với các mục tiêu “an ninh” này.

Sẽ thật khó có thể không quan tâm đến vấn đề hiệu quả kinh tế thực sự của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn nếu nhìn vào bản báo cáo đánh giá tác động của dự án này đối với ngân sách nhà nước do Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) thực hiện. Theo đó, khi dự án này đi vào hoạt động, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước sẽ bị sụt giảm do số thutừ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị giảm. Cụ thể, tổng thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 1.377 tỉ đồng vào năm 2017, con số này vào năm 2018 sẽ là 10.927 tỉ đồng, năm 2019 là 10.632 tỉ đồng, và năm 2020 là 14.110 tỉ đồng. Số hụt thu ngân sách nhà nước này là do cam kết của chính phủ dành cho dự án này là cơ chế thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu. Ngoài ra, cơ chế bảo lãnh nghĩa vụ của Petro Vietnam bao tiêu sản phẩm của dự án lọc dầu Nghi Sơn cũng sẽ khiến cho Tập đoàn Dầu khíViệt Nam phải bù lỗ khoảng 1,54 tỉ USD/10 năm nếu giá dầu ở mức 45 USD/thùng. Con số bù lỗ của Petro Vietnam sẽ tăng lên 1,8 tỉ USD/10 năm nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, 2 tỉ USD/10 năm nếu giá dầu ở mức 70 USD/thùng.

Dù Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước đã tuyên bố rằng thông tin dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến ngân sách là không chính xác, do chưa đủ dữ liệu để khẳng định và phải đợi đến khi dự án đi vào hoạt động mới có thể tính toán chính xác hiệu quả kinh tế của dự án này là lỗ hay lãi; thì câu trả lời ấy cũng chỉ làm tăng thêm những nghi vấn về hiệu quả kinh tế thực sự của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thật khó có thể tin rằng một dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 9 tỉ USD có thể được thông qua trong quá trình thẩm định mà không xác định được hiệu quả kinh tế một cách sơ bộ là lỗ hay lãi. Và càng có cơ sở để đặt nghi vấn về hiệu quả kinh tế của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn nếu đối chiếu với trường hợp của dự án lọc dầu Dung Quất vốn cũng được hưởng những ưu đãi tương tự, thậm chí ưu đãi đối với dự án Nghi Sơn còn lớn hơn.

Trên thực tế, những vấn đề về hiệu quả kinh tế và giảm thu ngân sách đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được đặt ra ngay từ thời điểm thẩm định dự án, khi Việt Nam đã có một số kinh nghiệm với dự án lọc dầu Dung Quất trước đó. Nhưng, một trong những lý do chính được đưa ra để ủng hộ dự án này là lý do an ninh năng lượng. Theo đó, nếu dự án lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, Việt Nam có thể chủ động nguồn cung dầu và các sản phẩm hóa dầu đảm bảo cho nhu cầu của xã hội và nền kinh tế mà không bị phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu dầu trong những trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, lý do an ninh năng lượng đã vấp phải sự hoài nghi từ không ít chuyên gia. Trước hết, giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng thường được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng là xây dựng kho dầu dự trữ và tận dụng khi giá dầu rẻ sẽ mua vào, chứ có rất ít quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách thức có phần kỳ quặc như Việt Nam đang làm. Kể cả các cường quốc có sản lượng khai thác dầu hàng đầu thế giới như Mỹ, hay quốc gia có nền kinh tế quy mô khổng lồ và vấn đề đảm bảo an ninh năng lượngrất lớn như Trung Quốc, thì ưu tiên hàng đầu của các nước này trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng vẫn là xây dựng các kho chứa trữ lượng lớn, dù về lý thuyết các nước này đủ khả năng sản xuất ra lượng dầu đủ dùng cho nền kinh tế của mình.

Đó là chưa kể đến việc dù dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt nhà máy tại Việt Nam, nhưng nguyên liệu đầu vào lại là dầu thô nhập khẩu từ Kuwait, điều này đồng nghĩa với việc về cơ bản sản phẩm lọc hóa dầu do Nghi Sơn sản xuất ra cũng không khác nhiều xăng dầu Việt Nam có thể nhập khẩu từ Singapore hay Hàn Quốc. Trong trường hợp vì một lý do nào đó Việt Nam không thể nhập sản phẩm xăng dầu từ các quốc gia trên, e rằng chúng ta cũng không thể nhập khẩu dầu thô từ Kuwait để tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do và song phương mà Việt Nam đã và đang ký kết đang có xu hướng biến các dự án lọc hóa dầu quy mô lớn được xây dựng và ưu đãi tại thị trường trong nước trở nên không còn nhiều ý nghĩa. Điển hình như FTA Việt Nam - Hàn Quốc có các điều khoản trong đó quy định rõ thuế nhập khẩu khá nhiều sản phẩm xăng dầu giảm đáng kể. Nói cách khác, các FTA mà Việt Nam đã và đang ký kết sẽ đưa nền kinh tế của chúng ta có mức độ hội nhập cao hơn rất nhiều, và những tính toán theo kiểu tự túc để đảm bảo an ninh trong một số lĩnh vực như năng lượng sẽ trở nên vô ích, sẽ chỉ gây ra những thiệt hại kinh tế lớn mà Việt Nam phải gánh chịu.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên lý do đảm bảo an ninh trong một lĩnh vực nào đó được đưa ra để bào chữa cho những dự án kém hiệu quả về mặt kinh tế. Ngoài lý do an ninh năng lượng, thì một điển hình khác là an ninh lương thực vẫn thường được viện dẫn để bào chữa cho việc trì hoãn chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp trồng lúa sang các giống cây trồng khác, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng cho các lĩnh vực phi nông nghiệp. Ngay cả khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long oằn mình vì hạn mặn và nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích lớn đất nông nghiệp từ trồng lúa sang các giống cây trồng khác rất cấp bách, thì số diện tích được phép chuyển đổi vẫnkhá ít. Theo quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số diện tích đất trồng lúa trên cả nước giảm từ nay đến năm2020 chỉ 52.040 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước sẽ giảm 92.950 ha, con số này rõ ràng là quá ít ỏi so với tổng diện tích đất trồng lúa còn lại lên tới 3.760.390 ha.

Lý do được đưa ra cho sự chuyển đổi diện tích đất trồng lúa khá ít ỏi này là vì để đảm bảo an ninh lương thực. Thật khó có thể tin rằng một quốc gia xếp hạng 2-3 thế giới về xuất khẩu gạo như Việt Nam, trong đó bình quân mỗi năm xuất khẩu một lượng gạo lên tới 5-6 triệu tấn, lại có thể lo lắng về vấn đề an ninh lương thực và lấy lý do đó để tiếp tục duy trì một diện tích trồng lúa quá lớn một cách không cần thiết.

Có thể thấy, tình trạng sử dụng lý do đảm bảo an ninh để bào chữa cho các dự án kém hiệu quả về kinh tế đang bắt đầu lan tràn tại nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam, và phần lớn các lý do đảm bảo an ninh đó đều không thực sự hợp lý. Nó không chỉ kìm hãm khả năng phát triển, mà còn đang đe dọa gây ra những sự lãng phí và mất mát to lớn tại khá nhiều lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế.

Đảm bảo an ninh trong một số lĩnh vực kinh tế là điều cần thiết, nhưng không thể sử dụng danh nghĩa đó để có thể làm gì cũng được.

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền kinh tế Việt Nam bị kìm hãm bởi 'căn bệnh an ninh'