Bình luận của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào lúc phương Tây lo ngại Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực, còn Trung Quốc đang quan tâm hơn đến khu vực này.

NATO phải tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực, đề phòng Nga và Trung Quốc

Bảo Vĩnh | 29/08/2022, 11:30

Bình luận của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào lúc phương Tây lo ngại Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực, còn Trung Quốc đang quan tâm hơn đến khu vực này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Đức Welt am Sonntag hôm 28.8, ông Stoltenberg nói “Bắc Cực mang tầm quan trọng chiến lược đối với NATO, nên NATO cần tăng cường hiện diện ở Bắc Cực”.

Ông cho biết liên minh quân sự phương Tây “đã đầu tư mạnh vào máy bay tuần tra biển để có cái nhìn toàn cảnh về những diễn biến ở cực bắc. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực”.

Lãnh đạo NATO còn nói Nga đã tăng cường các hoạt động ở vùng Bắc Cực giàu tài nguyên “bằng cách mở lại các căn cứ quân sự cũ, dàn và thử nghiệm các loại vũ khí hiện đại mới ở đó, chẳng hạn tên lửa siêu thanh”.

Ngày 27.8, sau chuyến thăm Bắc Cực, ông Stoltenberg cũng nói Nga đã mở lại hàng trăm căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô và sự hiện diện này là một thách thức chiến lược cho khối liên minh quân sự gồm 30 thành viên.

Theo Reuters, chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine đã đẩy cao sự lo ngại của phương Tây về những tham vọng của Nga trên toàn thế giới.

Ông Stoltenberg cũng lưu ý Trung Quốc cũng đã đầu tư mạnh vào Bắc Cực, và hiện vùng này ngày càng quan trọng đối với hoạt động hàng hải do thời tiết thay đổi và trái đất nóng dần lên gây ra tình trạng tan băng.

Trung Quốc đã tự phong là một “quốc gia cận Bắc Cực” dù ở cách xa những 3.000km. Bắc Kinh cũng đã lập kế hoạch “Con đường Tơ lụa Bắc Cực” để tận dụng sự tan băng. Kế hoạch này gồm đóng đội tàu phá băng lớn nhất, cho phép mở các tuyến đường vận chuyển mới trên biển để khai thác nguồn khoáng sản mà ngành công nghiệp Trung Quốc đang cần.

Để đối phó các tham vọng của Trung Quốc và Nga, NATO sẽ đầu tư nâng cao “năng lực hàng không và hàng hải mới”, tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn nữa, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự, ông Stoltenberg nói. 

Hồi tháng 3, NATO đã tổ chức cuộc tập trận Phản ứng lạnh (Cold Response) ở Na Uy, với sự tham gia của quân đội 27 nước. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO ở Bắc Cực kể từ những năm 1980.

nato-dw.jpg
NATO tập trận Phản ứng lạnh 2022 - Ảnh: DW

Trong cuộc trả lời báo Đức Deutsche Welle hồi năm ngoái, ông Stoltenberg đã cảnh báo sự thay đổi khí hậu có thể làm nóng tình hình địa chính trị ở Bắc Cực.

Ngày 27.8, Mỹ cho biết sẽ chỉ định một đặc sứ lưu động cho vùng Bắc Cực, phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng về mặt chiến lược và thương mại của Bắc Cực, vào lúc sự tan băng cho phép mở các tuyến đường biển mới và “khui” các nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu thô bao la của khu vực này.

Bộ Ngoại giao Mỹ chưa cho biết ai sẽ được chính quyền Tổng thống Joe Biden chọn làm đặc sứ lưu động. Quan chức này sẽ cần sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ. Bộ nêu trong tuyên bố: “Vùng Bắc Cực hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác là một quan tâm chiến lược quan trọng của Mỹ. Là một trong 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực, Mỹ từ lâu đã cam kết bảo vệ các quyền lợi an ninh quốc gia và kinh tế tại khu vực, đối phó hiện tượng biến đổi khí hậu, xây dựng sự phát triển bền vững và đầu tư, quảng bá hợp tác với các nước thuộc Bắc Cực, các đồng minh và đối tác”.

8 nước có lãnh thổ ở Bắc Cực là Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và Iceland.

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan
Đức muốn đồng minh NATO cấp thêm khí đốt nhưng bị từ chối vì "đã hết sức"
Đức và Na Uy muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết họ không có khả năng cung cấp thêm khí đốt cho Đức và châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO phải tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực, đề phòng Nga và Trung Quốc