NASA sẽ phóng một tàu vũ trụ vào một tiểu hành tinh để thay đổi quỹ đạo của nó nhằm thử nghiệm khả năng bảo vệ trái đất khỏi va chạm với các vật thể không gian.

NASA thử nghiệm 'bắn' tiểu hành tinh để bảo vệ trái đất

Hoàng Vũ | 05/11/2021, 12:08

NASA sẽ phóng một tàu vũ trụ vào một tiểu hành tinh để thay đổi quỹ đạo của nó nhằm thử nghiệm khả năng bảo vệ trái đất khỏi va chạm với các vật thể không gian.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 5.11 thông tin Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết sứ mệnh thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh Đôi (DART) sẽ được phóng trong tháng này trên một tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX. Mục tiêu được nhắm đến là một cặp tiểu hành tinh quay quanh mặt trời và thỉnh thoảng đến gần trái đất.

Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi nhằm xác định xem đây có phải là cách hiệu quả để làm chệch hướng đi của một tiểu hành tinh có thể đe dọa trái đất trong tương lai hay không. 

Theo NASA, hai tiểu hành tinh này không gây đe dọa cho trái đất, nhưng khoảng cách gần khiến chúng trở thành ứng cử viên hàng đầu cho việc thử nghiệm một kỹ thuật “phòng thủ hành tinh”, giúp bảo vệ trái đất khỏi các mối đe dọa từ ngoài vũ trụ.

mo-phong.png
Hình ảnh mô phỏng tàu vũ trụ DART và tiểu hành tinh đôi - Ảnh: AFP

Trong hai tiểu hành tinh, tiểu hành tinh lớn Didymos có đường kính khoảng 800m, với một “mặt trăng” nhỏ hơn có tên Dimorphos quay quanh nó. Dimorphos có đường kính khoảng 160m, là “kích thước điển hình của các tiểu hành tinh có thể gây mối đe dọa đáng kể nhất đối với trái đất”, theo NASA.

Trả lời phóng viên trong cuộc họp báo hôm 4.11, đại diện NASA tiết lộ sứ mệnh DART trị giá 330 triệu USD đang nhắm tới việc đâm vào Dimorphos với tốc độ khoảng 24.140 km/giờ nhằm thay đổi chỉ một phần nhỏ của 1% trong quỹ đạo của nó. Thay đổi này tuy không đáng kể nhưng đủ lớn để các nhà khoa học có thể quan sát được qua kính thiên văn ở trái đất.

Cũng theo NASA, tàu vũ trụ DART được cung cấp nhiên liệu, các thử nghiệm cuối cùng đang được tiến hành và thời gian nó được tên lửa Falcon 9 phóng lên vào ngày 24.11 tại căn cứ Lực lượng không gian Vandenberg ở California (Mỹ). 

Tàu vũ trụ DART nặng 550kg sẽ tách ra khỏi tên lửa của SpaceX và bay trong không gian trong 10 tháng trước khi đâm vào Dimorphos vào cuối tháng 9.2022. Đây là thời điểm mà cặp tiểu hành tinh này sẽ cách trái đất 11 triệu cây số, đủ gần để các nhà khoa học có thể nhìn thấy chúng.

Ông Lindley Johnson, quan chức phòng vệ hành tinh của NASA cho biết hiện có hơn 27.000 tiểu hành tinh gần trái đất đã được lập danh mục nhưng hiện chưa có tiểu hành tinh nào gây nguy hiểm cho trái đất.

“Mặc dù hiện tại không có một tiểu hành tinh nào được biết đến với nguy cơ có thể va chạm với trái đất, nhưng chúng tôi đã xác định rằng có một số lượng lớn các tiểu hành tinh đang di chuyển gần quỹ đạo trái đất ngoài không gian", ông nói.

Ông Johnson nói rằng mặc dù không có tiểu hành tinh nào gây ra mối đe dọa cho trái đất, nhưng chúng là ứng cử viên lý tưởng cho bài kiểm tra bảo vệ trái đất vì khả năng quan sát chúng bằng kính thiên văn trên mặt đất. Cụ thể, hình ảnh vụ va chạm sẽ được thu thập bởi một vệ tinh trang bị camera thu nhỏ do Cơ quan Vũ trụ Ý đóng góp, sẽ được phóng ra bởi tàu vũ trụ DART 10 ngày trước khi tàu tiếp cận tiểu hành tinh đôi nói trên.

"DART sẽ tạo ra một cú hích nhỏ và làm chệch hướng đường đi của tiểu hành tinh. Chúng tôi đang nhắm đến mục tiêu càng gần càng tốt để gây ra sự lệch hướng lớn nhất có thể", Nancy Chabot thuộc Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng của Đại học Johns Hopkins - nơi chế tạo tàu vũ trụ DART, cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NASA thử nghiệm 'bắn' tiểu hành tinh để bảo vệ trái đất