Khi mà mục tiêu phát triển khối doanh nghiệp tư nhân đã được thiết lập với việc sẽ nâng gấp đôi số doanh nghiệp hiện có lên mức 1 triệu vào năm 2020, thì mục tiêu cổ phần hóa các DNNN đến thời điểm này vẫn chưa được đặt ra. Cần lưu ý, khu vực DNNN đang nắm số vốn lên tới 5 triệu tỉ đồng trong nền kinh tế Việt Nam.

Cổ phần hóa DNNN: Bao giờ mới thực chất?

Nhàn Đàm | 08/12/2016, 10:26

Khi mà mục tiêu phát triển khối doanh nghiệp tư nhân đã được thiết lập với việc sẽ nâng gấp đôi số doanh nghiệp hiện có lên mức 1 triệu vào năm 2020, thì mục tiêu cổ phần hóa các DNNN đến thời điểm này vẫn chưa được đặt ra. Cần lưu ý, khu vực DNNN đang nắm số vốn lên tới 5 triệu tỉ đồng trong nền kinh tế Việt Nam.

Xét về nhiều khía cạnh, có lẽ năm 2017 mới là năm bản lề của nền kinh tế Việt Nam, khi một loạt nhân tốđược dự báo sẽ tác động mạnh tới mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ diễn ra trong năm này: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, chính sách hạn chế thương mại mà nhiều khả năng chính phủ mới của Mỹ sẽ áp dụng. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước đang phản ánh rõ rệt sự thay đổi này khi tỷ lệ thu nội địa dự kiến trong năm 2017 sẽ tăng vọt để bù đắp khoản hụt thu về thuế xuất nhập khẩu do các FTA quy định, điển hình như TP.HCM tỷ trọng thu nội địa năm 2017 dự kiến tăng tới trên 27% so với năm 2016.

Nói cách khác, bắt đầu từ năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển mạnh sang các khu vực doanh nghiệp trong nước, như doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân (và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI). Nhưng, khi mục tiêu cho khối tư nhân đã được thiết lập, trong đó sẽ nâng gấp đôi số doanh nghiệp hiện có lên mức 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, thì mục tiêu cổ phần hóa các DNNN đến thời điểm này vẫn chưa có, màkhu vực DNNNđang nắm tới 5 triệu tỉ đồng (tương đương 220 tỉ USD) trong nền kinh tế.

Những số liệu thống kê vừa được chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 6.12, đang cho thấy một thực tế: trong suốt giai đoạn 2011-2015 Việt Nam đã không cổ phần hóa DNNN một cách thực chất. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 10.2016 cả nước hiện còn 718 DNNN so với con số 1.369 DNNN vào thời điểm năm 2011. Ngoài ra, trước đây DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì nay chỉ còn tập trung 19 ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, tính bình quân Nhà nước còn nắm giữ tới 81% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp, nhà đầu tư bên ngoài chỉ nắm 9,5%, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,13%, người lao động và tổ chức công đoàn nắm 2,2%, theo The Saigon Times.

Nói cách khác, phần lớn các vụ cổ phần hóa DNNN trong suốt giai đoạn 2011-2015 chỉ là về bề ngoài khi các nhà đầu tư bên ngoài chỉ nắm số cổ phần nhỏ, không có khả năng tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, trong khi đó Nhà nước vẫn nắm giữ số cổ phần chi phối. Về lý thuyết, việc cổ phần hóa các DNNN được kỳ vọng sẽ giảm ảnh hưởng của Nhà nước tới khả năng quản trị và điều hành tại các doanh nghiệp vốn có hiệu quả kém, và đặt kỳ vọng vào việc các nhà đầu tư tham gia thông qua số cổ phần nắm giữ sẽ khiến hoạt động của doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn. Nhưng khi mà bình quân Nhà nước vẫn nắm tới 81% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa - một tỷ lệ quá áp đảo - thì thật khó tưởng tượng được các nhà đầu tư bên ngoài với vỏn vẹn 9,5% vốn điều lệ có thể làm được gì.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ thì hầu hết các DNNN sau khi cổ phần hóa đều kinh doanh có hiệu quả. Số liệu khảo sát của Bộ Tài chính với 350 doanh nghiệp sau cổ phần hóa năm 2015 cho kết quả: lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%... Nhưng thực tế đã chứng minh, thu ngân sách từ khu vực DNNN trong 10 tháng đầu năm nay không những không tăng mà còn sụt giảm khá mạnh, lên tới 1,8% so với cùng kỳ 2015 trong khi thu ngân sách từ khu vực tư nhân và FDI đều tăng mạnh, theo CafeF. Bản thân Ban Chỉ đạo cũng thừa nhận rằnghiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, năng lực quản trị điều hành còn yếu kém, và tỷ lệ cổ phần bán ra thấp như trên đã làm hạn chế đáng kể đến kết quả các mục tiêu nâng cao hiệu quả DNNN.

Tình trạng này có lẽ sẽ không được phép tái diễn trong giai đoạn 2016-2020 sắp tới khi yêu cầu phát triển và tăng nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp nội địa đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế Việt Nam. Xét về khía cạnh thu ngân sách và hiệu quả hoạt động thực tế, khu vực DNNN quan trọng hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp tư nhân khi nắm giữ nhiều lợi thế lớn: số vốn khổng lồ lên tới 5 triệu tỉ đồng, hầu hết đều là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn đã đi vào hoạt động ổn định trong nhiều năm và đều thuộc diện nộp thuế cho ngân sách. Trong khi đó theo thống kê hiện chỉ có khoảng 42% số doanh nghiệp tư nhân hoạt động có lãi để nộp thuế, còn 58% còn lại thì không; ngoài ra phải kể đến 97% số doanh nghiệp tư nhân là thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ, có mức đóng thuế thấp. Chưa kể đến việc tại Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 20-30% số doanh nghiệp mới thành lập còn trụ lại được sau năm đầu tiên hoạt động.

Gánh nặng ngân sách trong giai đoạn 2016-2020 sắp tới vì thế sẽ chủ yếu được đặt trên vai khu vực DNNN, nhưng khi mà mục tiêu cho khối tư nhân đã được thiết lập (đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp), thì đến thời điểm hiện tại mục tiêu của khối DNNN vẫn chưa biết cụ thể là gì. Chúng ta không biết sẽ có bao nhiêu DNNN được cổ phần hóa trong 4 năm sắp tới, cũng không biết cổ phần hóa có thực chất hay không, hay lại chỉ được thực hiện một cách hình thức như những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2011-2015. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã cam kết trước Quốc hội rằng Chính phủ cam kết sẽ cổ phần hóa DNNN một cách thực chất trong giai đoạn sắp tới, nhưng làm như thế nào, và mục tiêu cụ thể ra sao thì đến giờ vẫn không ai biết.

Từng có không ít người kỳ vọng về đề án thiết lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN, được xem như một siêu ủy ban sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động tại các doanh ngiệp, nhưng như Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, thì cơ quan này sẽ chỉ đại diện vốn cho 30 doanh nghiệp chứ không phải quản lý tất cả vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thay vào đó là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chịu sự giám sát công khai một cách rõ ràng.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
24 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổ phần hóa DNNN: Bao giờ mới thực chất?