Không thực hiện đúng quy định cách ly tại nơi cách ly tập trung và cách ly tại nhà để phòng chống dịch COVID-19, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nam tiếp viên của Vietnam Airlines có thể đối diện với mức án tù lên đến 12 năm.
Trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý, bệnh nhân 1342 (nam tiếp viên của Vietnam Airlines) không những đi lại tự do mà còn tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác là bệnh nhân 1325. Chưa dừng lại ở đó, bệnh nhân 1342 đã tự ý rời khỏi nhà trong thời gian tự cách ly để đi ăn và đi học ở Trường Đại học Hutech (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Những việc làm trên của bệnh nhân 1342 đã khiến nhiều người lây nhiễm COVID-19, hàng nghìn người phải cách ly, hàng chục nghìn học sinh phải nghỉ học…
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, pháp luật đã quy định rõ về những vi phạm trong công tác phòng chống dịch, đó là những người không đeo khẩu trang, trốn nơi cách ly, không tuân thủ quy định cách ly…
Do đó, việc bệnh nhân 1342 không tuân thủ quy định cách ly đã vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống dịch, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm. Những hành vi trên đủ yếu tố để cấu thành tội “Lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”.
Đối với dịch bệnh COVID-19, TAND Tối cao đã có công văn số 45 ngày 30.3.2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Tối cao về hành vi “Lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm C, Khoản 1, Điều 240 của Bộ luật Hình sự.
Theo đó, mức phạt cho hành vi này là từ 1 năm đến 5 năm tù. Hình phạt này có thể nâng lên đến 12 năm tùy theo mức độ. Ngoài ra còn phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng và cấm hành nghề, hoặc những công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
“Hành vi của nam tiếp viên hãng Vietnam Airlines vi phạm nghiêm trọng về cách ly đã gây ra hậu quả làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng. Đây là trường hợp cần phải được xử lý nghiêm”, luật sư Hậu nói.
Dư luận cho rằng không chỉ bệnh nhân 1342 có hàng loạt hành vi xem thường tính mạng của cộng đồng mà cần phải truy trách nhiệm người quản lý khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines bởi sự lỏng lẻo ở nơi này.
Theo luật sư Hậu, Vietnam Airlines có một phần lớn trách nhiệm. Đó là sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý tại nơi bệnh nhân 1342 cách ly tập trung và cả cách ly tại nhà.
“Với những chuyến bay thương mại ra nước ngoài, nhất là các nước đang bùng phát dịch COVID-19, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Trước đó đã có các trường hợp tiếp viên mắc COVID-19 được cách ly ngay. Nếu đưa tiếp viên vào khu cách ly của Vietnam Airlines thì đơn vị này phải giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định cách ly. Do đó, việc để bệnh nhân 1342 không tuân thủ quy định cách ly thì trách nhiệm của Vietnam Airlines có thể bị xử lý tùy theo mức độ”, ông Hậu chia sẻ.
Ông Hậu cho rằng dịch bệnh COVID-19 không chừa một ai nên không thể có trường hợp nào ngoại lệ. Vì thế chuyện các thành viên tổ bay của Vietnam Airlines chỉ cách ly tập trung 4 hay 5 ngày còn những người khác phải cách ly 14 ngày là không hợp lý.
Việc cách ly tại nhà đối với các thành viên tổ bay theo luật sư Hậu cũng cần phải xem xét lại. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang bùng phát dịch COVID-19 nên các thành viên tổ bay trong chuyến bay quốc tế, nhất là đến các quốc gia đang có dịch nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Vì vậy cần phải có một chế độ cách ly nghiêm ngặt hơn so với việc cách ly tại nhà. Cách ly tập trung phải được thực hiện đầy đủ 14 ngày và được xét nghiệm âm tính cả 3 lần thì mới có thể đưa về cách ly tại nhà.