Đến năm 2035, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ trở thành đầu cầu quan trọng của cả nước trong sản xuất, giao thương, hợp tác quốc tế và tham gia vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu

Năm 2035, Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung sẽ tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu

Duyên Duyên | 07/09/2016, 11:31

Đến năm 2035, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ trở thành đầu cầu quan trọng của cả nước trong sản xuất, giao thương, hợp tác quốc tế và tham gia vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu

Đưa Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung trở thành đầu cầu sản xuất của cả nước

Cuối tháng 8.2016, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 3447 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Quy hoạch gồm 4 mục tiêu chính: thứ nhất, nhằm phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung theo hướng hiện đại để trở thành đầu cầu quan trọng của cả nước trong sản xuất, giao thương, hợp tác quốc tế.

Thứ hai, nâng cao vai trò động lực của công nghiệp, thương mại đối với phát triển và tái cấu trúc kinh tế vùng.

Thứ ba, tạo chuyển biến mạnh mẽ công nghiệp, thương mại của vùng theo hướng văn minh, hiện đại, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Thứ tư, xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung trở thành vùng có công nghiệp, thương mại phát triển mạnh vào năm 2025.

Cụ thể, quy hoạch xác định tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng trong GDP toàn Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung năm 2020 chiếm khoảng 40 - 41%. Mục tiêu đến năm 2025 chiếm khoảng 41 - 42% và năm 2035 chiếm khoảng 36 - 37%.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 16 - 17%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Sau đó sẽ tăng lên 17 - 18% giai đoạn 2021 - 2025. Đến giai đoạn 2025 -2035 sẽ hạ xuống 15 - 16%.

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng (theo giá thực tế) được đề ra bình quân đạt 16 - 18%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và 16 - 17% giai đoạn sau năm 2020.

Phấn đấu đưa tỷ trọng bán lẻ của các loại hình bán lẻ hiện đại trong tổng mức bán lẻ vùng lên 25 - 30% vào năm 2020 và đạt 35 - 40% vào năm 2035.

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức 18 - 20%/năm và giai đoạn 2021 - 2035 đạt trên 18%.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức 10 - 12%/năm và giai đoạn 2021 - 2035 đạt khoảng 9 - 10%.

Mục tiêu đến 2035 tham gia vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu

Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, quy hoạch định hướng trong giai đoạn đến năm 2025 sẽ liên kết hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp và phân phối hàng hóa đồng bộ.

Đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng công nghiệp, thương mại hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Về công nghiệp, quy hoạch xác định tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp có lợi thế của vùng như: chế biến hải sản thực phẩm; hóa chất, hóa dầu; đóng và sửa chữa tàu biển.

Tiếp đó, sẽ từng bước phát triển các ngành có trình độ cao như cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị điện, điện tử, sản xuất các loại vật liệu cao cấp thay thế nhập khẩu, hướng tới tạo ra một số thương hiệu sản phẩm riêng, đặc trưng cho vùng để tham gia vào chuỗi sản xuất và xuất khẩu trọng điểm của cả nước.

Về thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa theo hướng vừa mở rộng thị trường, mặt hàng, vừa nâng cao hiệu quả xuất - nhập khẩu phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Song song đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, đưa xuất khẩu dịch vụ trở thành một mũi nhọn xuất khẩu của vùng, đặc biệt là các dịch vụ về du lịch, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa, dịch vụ cảng biển, logistics.

Giai đoạn từ năm 2025 đến 2035 sẽ tập trung vào các ngành sản xuất có công nghệ và thiết bị hiện đại, công nghiệp sạch, công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn tiên tiến của các nước phát triển và tham gia vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Quy hoạch cũng định hướng phát triển thương mại đạt trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, hội nhập vững chắc thương mại cả nước và thương mại quốc tế.

Về phân bố không gian phát triển, lĩnh vực công nghiệp sẽ được phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển và theo các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Trong lĩnh vực thương mại, phân bố không gian phát triển hạ tầng thương mại được xây dựng cho từng tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ; Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; Tiểu vùng Nam Trung Bộ; khu vực miền núi phía Tây của các tỉnh, thành phố trong vùng.

Kèm theo quy hoạch là Danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, bao gồm các dự án trong 7 ngành công nghiệp chủ yếu và danh mục Hệ thống chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm.

Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ.

Vị trí khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích tự nhiên 90.790 km2, chiếm 28% diện tích tự nhiên cả nước.

Bắc Trung Bộ gồm có 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Vùng Bắc Trung Bộ có tính chất chuyển tiếp giữa các vùng kinh tế phía Bắc và các vùng kinh tế phía Nam.

Phía Tây là sườn Đông Trường Sơn, giáp nước Lào có đường biên giới dài 1.294 km với các cửa khẩu Quan Hoá, Lang Chánh (Thanh Hoá), Kỳ Sơn (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), tạo điều kiện giao lưu kinh tế với Lào và các nước Đông Nam á trên lục địa.

Phía Đông hướng ra biển Đông với tuyến đường bộ ven biển dài 700 km, với nhiều hải sản và có nhiều cảng nước sâu có thể hình thành các cảng biển. Vùng có nơi hẹp nhất là Quảng Bình (50km), nằm trên trục giao thông xuyên Việt là điều kiện thuận lợi giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Bắc và phía Nam.

Duyên hải miền Trung gồm 8 tỉnh thành theo thứ tự Bắc - Nam: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Duyên hải miền Trung có phía Bắc là đèo Hải Vân, điểm cuối của dãy Trường Sơn Bắc, giáp với Bắc Trung Bộ; phía Tây là dãy Trường Sơn Nam với hệ thống cao nguyên đất đỏ bazan, giáp với Lào và Tây Nguyên, phía Đông là biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thềm lục địa và biển sâu tạo điều kiện phát triển các cảng quốc tế; phía Nam giáp với Đông Nam Bộ.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2035, Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung sẽ tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu