Dự báo năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỉ kWh.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Năm 2024: Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu là 306,259 tỉ kWh

Tuyết Nhung 09/12/2023 08:27

Dự báo năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỉ kWh.

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) dự báo năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỉ kWh. Trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.

evn.jpg

Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2024 cơ bản sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện như không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang ở giai đoạn suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu; đảm bảo độ sẵn sàng, khả dụng cao của các tổ máy phát điện; lập các kế hoạch cung cấp điện chi tiết, cụ thể cho từng tháng, từng tuần; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện và các dự án có trong kế hoạch được phê duyệt đảm bảo giải toả công suất cho các nguồn điện, giảm tải cho các đường dây, máy biến áp đang phải vận hành đầy và quá tải.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty khí Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí - điện và lợi ích quốc gia.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Than Đông Bắc lập kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo các điều khoản hợp đồng đã ký để đảm bảo phát điện.

Trước đó, để đảm bảo cân đối cung - cầu điện năm 2024, EVN đã tính toán cân đối cung - cầu điện với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.

Kịch bản 1: Nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tương ứng tần suất 65%)

Kịch bản 2: Cực đoan (lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023 tương ứng tấn suất khoảng 90%).

Trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.

Đại diện EVN cho biết theo tính toán cung cầu năng lượng giai đoạn 2024-2030, dự kiến các nhà máy của EVN sẽ được huy động rất cao khoảng 40-42 tỉ kWh/năm, tương ứng với khối lượng than là 27,2 - 28 triệu tấn, vượt quá khả năng cấp trong hợp đồng dài hạn. Do đó, cần phải bổ sung thêm than cho vận hành các nhà máy điện than hiện hữu, đáp ứng nhu cầu huy động trong các năm, giai đoạn 2024-2030.

Dự kiến kế hoạch năm 2024, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp than cho điện là 56,48 triệu tấn, trong đó TKV cấp hoảng 46,48 triệu tấn và Tổng công ty Đông Bắc khoảng 10 triệu tấn. Đối với các nhà máy EVN, TKV cung cấp 20,35 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 8,35 triệu tấn.

Cũng theo TKV, để có đủ nguồn cung ứng 46,48 triệu tấn than cho sản xuất điện trong đó có 31 triệu tấn than pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu, TKV dự kiến sẽ cần nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than.

Liên quan đến tình hình cung cấp khí, theo báo cáo của EVN, trong các năm vừa qua, khả năng cấp khí Đông Nam Bộ của PVN/PVgas cho phát điện đang suy giảm mạnh từ năm 2020 trở đi, trong đó năm 2020 khả năng cấp chỉ khoảng 6 tỉ m3 đến năm 2023 khả năng cấp chỉ còn 4,3 tỉ m3, khả năng cấp khí cho khu vực Tây Nam Bộ ổn định trong khoảng 1,3-1,4 tỉ m3/năm.

Đại diện PVN cho biết đã có kế hoạch sản xuất điện, kế hoạch cung cấp khí trong năm 2024, kế hoạch dự kiến là 27,50 tỉ kWh. Về khả năng cung cấp khí có phát điện dự kiến năm 2024 theo từng lĩnh vực: Khu vực Đông Nam Bộ là 3,06 tỉ Sm3, khu vực Tây Nam Bộ là 1,41 tỉ Sm3.

Để bảo đảm năng lượng cho nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống. Trong đó, yêu cầu EVN khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố ở các nhà máy, tổ máy (nhiệt điện, thủy điện) trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất; khẩn trương đàm phán giá huy động các dự án điện chuyển tiếp.

Đối với TKV, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị này bảo đảm nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện đã có hợp đồng; đối với PVN, yêu cầu tăng năng lực khai thác, chế biến sản phẩm dầu khí phục vụ nhu cầu phát điện và nhu cầu của nền kinh tế, kể cả nguồn nguyên liệu thô lẫn thành phẩm cho thị trường theo đúng sản lượng, khối lượng đã cam kết và các hợp đồng đã ký.

Bài liên quan
Ngôi nhà 40m2: Xu hướng kiến trúc bền vững, tiết kiệm điện năng và thân thiện môi trường
Đơn giản, ấm cúng, nhưng hơn hết, thiết kế bền vững và sử dụng vật liệu tái chế của ngôi nhà chính là điểm thu hút khách du lịch, người làm môi trường và kiến trúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
2 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2024: Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu là 306,259 tỉ kWh