Đó là nhận định của TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) với báo điện tử Một Thế Giới khi nhìn nhận lại nền kinh tế Việt Nam năm 2015 và dự báo kinh tế năm 2016.

Năm 2016 chúng ta phải mạnh dạn dứt bỏ, vượt qua cái đã lỗi thời

Một Thế Giới | 27/12/2015, 16:36

Đó là nhận định của TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) với báo điện tử Một Thế Giới khi nhìn nhận lại nền kinh tế Việt Nam năm 2015 và dự báo kinh tế năm 2016.

-Thưa ông, ông có nhận xét gì về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015? Cái được nhất trong năm qua là gì?

-TS Lưu Bích Hồ: Kinh tế Việt Nam năm qua tuy còn nhiều khó khăn những cũng có được không ít khởi sắc, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Trong 4 năm liên tiếp (2012-2015), tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước (năm 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,25%, năm 2013: 5,42%, năm 2014: 5,98% và năm 2015: 6,68%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay cũng tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2014, tỷ lệ lạm phát thấp. Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4.192.900 tỉ đồng, với GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014. Tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn 2011-2015 là 5,91%. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới và hồi phục hoạt động cũng tăng nhanh, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tín dụng, chính sách điều hành tỷ giá cũng có những thành công nhất định.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, đầu tư cũng được cải thiện và việc cải cách đang được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, mạnh mẽ hơn. Năm 2015 cũng là năm mà Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới với hàng chục hiệp định thương mại tự do, có những hiệp định tầm cỡ nhất thế giới như TPP.

Cái được nhất trong năm qua là đi cùng với lạm phát thấp mà vẫn tăng trưởng ở mức khá, thể hiện xu thế hồi phục trong ổn định của nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì kinh tế Việt Nam cũng còn không ít khó khăn và thách thức cần phải giải quyết. Chủ yếu là cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, tính cạnh tranh, năng suất lao động, nợ công…

Thách thức lớn nhất vẫn là năng lực cạnh tranh khi chúng ta tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Sức cạnh tranh của chúng ta trong thời gian qua có được nhích lên nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu để đáp ứng những cam  kết, chuẩn mực mới đó.

So với chính chúng ta trong thời gian trước thì chúng ta đang có nhiều lợi thế hơn, nhưng tham gia hội nhập, các nước cũng có lợi thế như chúng ta, cơ hội vượt lên như chúng ta nên ai có sức cạnh tranh lớn hơn thì sẽ thu được nhiều lợi hơn. Điều đó buộc chúng ta phải vượt lên về sức cạnh tranh, phải có định hướng chi tiết đến từng ngành hàng.

Chúng ta đã đặt ra vấn đề tái cấu trúc kinh tế, thể chế rất gấp kể từ Nghị quyết Trung ương 3 cho đến các nghị quyết gần đây. Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian, chúng ta dường như vẫn lúng túng và gặp nhiều khó khăn cả ở khía cạnh vi mô lẫn vĩ mô. Theo ông, nguyên nhân là gì và đâu là “nút thắt” lớn nhất?

-TS Lưu Bích Hồ: Tái cơ cấu kinh tế đang đứng trước nhiều vấn đề, “nút thắt” lớn nhất là phải dứt bỏ cái cũ đã lỗi thời, “vượt qua chính mình” để thay đổi, đi tới cái mới, từ tư duy đến cách làm, từ chính sách thể chế đến hành động.

Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra, đó là do các cấp, các ngành và doanh nghiệp chưa tích cực, nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chưa tạo được chuyển biến về chất trong công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp và cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân khách quan là những biến động của thị trường tài chính quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước. Nhiều doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa có quy mô lớn, tình hình tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý. Các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa được đẩy mạnh và phù hợp.

Tái cơ cấu kinh tế trước hết cần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh như ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế, cải thiện cách tiếp cận nguồn lực, quản lý của doanh nghiệp… để cơ chế thị trường được vận hành tốt và phát huy đầy đủ hiệu lực trong huy động và phân bố nguồn lực.

Về tái cơ cấu đầu tư công, các biện pháp triển khai bao gồm cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, thực hành tiết kiệm; theo đó, sẽ huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30 - 35% GDP, duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế như: tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, ngân sách nhà nước, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ công và nợ nước ngoài quốc gia...

Về tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, cần phải có các biện pháp tập trung vào lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng, trước hết tập trung xử lý nợ xấu của cả hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính, bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả và phát triển ổn định, bền vững, tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

-Còn một vấn đề nữa trong tái cơ cấu kinh tế là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này đang tiến hành hết sức chậm chạp. Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải chỉ là “cổ phần hóa” mà phải “tư nhân hóa”, ông có nhận định gì về ý kiến này?
-TS Lưu Bích Hồ: Những đề xuất đó đều hợp lý. Về tái cơ cấu doanh nghiệp, phải đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước. Cổ phần hóa cần phải triệt để, Nhà nước không cần nắm giữ đến 51% cổ phần mà nên tiếp tục thoái vốn. Hiện nay khu vực DNNN còn chiếm gần 30% trong GDP là quá lớn.  DNNN chỉ cần chiếm khoảng 15-20% trong GDP nên quá trình cổ phần hóa cần phải tiến hành mạnh hơn, thực chất hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

-Nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng và lãng phí trong sử dụng ngân sách là nguyên nhân chính dẫn đến sự khó khăn của nền kinh tế. Ý kiến của ông thế nào, thưa ông?

-TS Lưu Bích Hồ: Tuy không hẳn là nguyên nhân chính nhưng tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách cũng là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn của nền kinh tế. Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra rằng thất thoát, lãng phí trong khâu chủ trương đầu tư như xác định sai chủ trương đầu tư, dẫn đến đầu tư không có hiệu quả, hoặc hiệu quả đầu tư kém. Thất thoát trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng như bớt xén tiền đền bù, đền bù không đúng đối tượng, khai khống diện tích, khối lượng tài sản được đền bù; làm giả hồ sơ đền bù... từ đó làm tăng thêm vốn đầu tư xây dựng công trình….

Bên cạnh đó là thất thoát, lãng phí trong khâu lựa chọn nhà thầu,  trong khâu thi công xây lắp công trình. Thi công không đảm bảo khối lượng theo thiết kế được phê duyệt hoặc thi công không đúng thiết kế dẫn đến phải phá đi làm lại; sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng; khai khống khối lượng; ăn bớt vật liệu trong quá trình thi công, chất lượng công trình không đảm bảo...

-Ông có dự báo gì về kinh tế Việt Nam trong năm tới, năm 2016? Theo ông, trong vài năm tới, chúng ta liệu có còn loay hoay với những khó khăn của hiện tại hay không bởi vì những vấn đề mà ông vừa nói đều không mới và đã được đưa ra từ nhiều năm nay?

-TS Lưu Bích Hồ: Năm 2016, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng khá hơn dù còn những bất ổn chưa lường được (thể hiện ở 2 thái cực Mỹ khá lên khi Trung Quốc đang nhiều trắc trở, giá dầu vẫn đi xuống…), kinh tế VN vẫn sẽ sáng hơn năm 2015. Vài năm tới cũng sẽ có những chuyển động tích cực hơn do cuộc sống trong nước và sức ép hội nhập thúc đẩy chúng ta đổi mới toàn diện đồng bộ hơn để kinh tế dần dần đi vào quỹ đạo mới, mô hình tăng trưởng phát triển mới.

-Xin cảm ơn ông! 

Trí Lâm (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2016 chúng ta phải mạnh dạn dứt bỏ, vượt qua cái đã lỗi thời