Kể từ ngày 1.1.2016, hàng loạt Nghị định quan trọng như quy định về bảo hiểm xã hội, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ, quy định về mức lương tối thiểu…sẽ chính thức có hiệu lực.

5 qui định quan trọng có hiệu lực từ ngày 1.1.2016

Một Thế Giới | 26/12/2015, 12:25

Kể từ ngày 1.1.2016, hàng loạt Nghị định quan trọng như quy định về bảo hiểm xã hội, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ, quy định về mức lương tối thiểu…sẽ chính thức có hiệu lực.

1. Nghị định 115/2015/NĐ-CP: Tiền lương tháng đóng BHXH
Từ ngày 1.1.2016, Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)  về BHXH bắt buộc có hiệu lực thi hành.
Theo đó, chế độ thai sản của người mang thai hộ sẽ chính thức được áp dụng trong nghị định này. Cụ thể, lao động nữ mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Đối với trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định trên tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá 6 tháng.
Không những vậy, để mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nghị định này quy định tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài dù đã đóng hay chưa đóng BHXH trước đó, khi rời khỏi Việt Nam sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc.
2. Nghị định 108/2015/NĐ-CP: Thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô dưới 24 chỗ
Theo đó, đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế
Còn giá vốn xe nhập khẩu bao gồm giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu.
Nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 và thay thế Nghị định 26/2009/NĐ-CP, 113/2011/NĐ-CP.
3. Nghị định 122/2015/NĐ-CP: Mức lương tối thiểu vùng năm 2016
Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì kể từ ngày 1.1.2016, mức lương tối thiểu vùng là từ 2.400.000 đồng đến 3.500.000 đồng/tháng.
Mức lương này được áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ tới đây như sau: Vùng 1: 3.500.000 đồng/tháng, vùng 2 là 3.100.000 đồng/tháng, vùng 3 là 2.700.000 đồng/tháng, vùng 4: 2.400.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng.
Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.
Nghị định quan trọng này sẽ thay thế Nghị định 103/2014/NĐ-CP.
4. Nghị định 113/2015/NĐ-CP: Phụ cấp đặc biệt cho giáo viên
Từ ngày 1.1.2016, giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo đó, giáo viên chuyên trách giảng dạy người khuyết tật được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi 70% mức lương hiện hưởng. Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi 40% mức lương hiện hưởng.
Trong khi đó, giáo viên dạy tích hợp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp đặc thù 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Các giáo viên dạy thực hành, dạy tích hợp (nhà giáo dạy thực hành) tại phòng, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cũng được hưởng phụ cấp.
Phụ cấp đặc thù được tính theo số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế. Phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
5. Nghị định 117/2015/NĐ-CP: Cấm cản trở sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở
Nghị định 117/2015/NĐ-CP quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Theo đó, các hành vi bị cấm như không cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không đúng thời hạn; làm sai lệch, hư hỏng, thất thoát thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; chiếm giữ, tiêu hủy trái phép, làm hư hại thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; cản trở việc khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Các cơ quan, tổ chức, sàn giao dịch bất động sản, tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản hằng tháng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về lượng, giá giao dịch bất động sản về Sở Xây dựng địa phương trước ngày 5 của tháng sau tháng báo cáo. Định kỳ hằng quý, trước ngày 10 tháng đầu tiên của quý sau quý báo cáo, chủ đầu tư cung cấp thông tin về tình hình triển khai các dự án nhà ở, bất động sản, số lượng sản phẩm của dự án về Sở Xây dựng địa phương.
Nghị định 117/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.1.2016.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 qui định quan trọng có hiệu lực từ ngày 1.1.2016