Mặt trời còn đang ngủ vùi trong đêm đông dài, tôi đặt bước chân trần trụi lên nền tháp của ngôi đền Shwe San Daw cổ kính – nơi được xem là cao nhất để đón chờ ánh mặt trời lên ở quần thể thánh địa Old Bagan.
Bình minh Bagan Cho dù đã quá quen với thói quen của nhiều ngày đi dọc Myanmar với đôi chân trần qua các đền đài, mà theo nhiều người Myanmar cho biết nguyên tắc từ ngàn xưa đến nay là vậy, tất cả đều phải đi chân trần ngay từ khi đặt chân lên đất của những ngôi đền hay chùa ở đất nước này cho dù đó là ngày đông giá rét hay ngày hè thiêu đốt, có lẽ vì thế quốc phục của người Myanmar là quấn tấm Longyi đi với dép kẹp là để dễ dàng bỏ ra khi đặt chân đến các đền đài, thánh tích Phật giáo. Mà thật khó có ai đếm được cả đất nước Myanmar rộng gần gấp đôi Việt Nam có bao nhiêu đền đài, chùa chiền?
Lịch sử đã từng ghi dấu vùng đất cố đô Bagan từng đạt tới điểm phát triển cực thịnh vào năm 1044 dưới triều đại của vị vua mộ đạo Anawrahta. Chỉ với diện tích nhỏ bé 42km2 nằm bên bờ sông Ayeyarwaddy, trong 250 năm đã có hơn 4.446 ngôi đền thờ Phật được xây dựng nơi miền đất khô hạn như sa mạc ở Bagan. Có lẽ không miền đất nào trên thế giới lại dày đặc đền đài như Bagan.
Mặt trời vừa ló dạng ở đường chân trời phía đông, hàng trăm người chịu “khổ hạnh” chân trần trong giá rét chờ đợi từ nhiều giờ qua trên đỉnh tháp Shwe San Daw cổ kính như được quay về với quá khứ ngàn năm, trước hàng ngàn ngôi đền dần dần lộ ra qua làn sương mù dày đặc khắp vùng thung lũng rộng lớn. Một không gian không thể có ở thế giới hiện tại, mà chúng luôn dừng lại ở ngày hôm qua, trong quá khứ, trong những tâm thức thiền định…để rồi ngày ngày trở về trong chốc lát của buổi bình minh Bagan. Đất Phật là đây, nơi mọi tâm tưởng, ngưỡng vọng đều dành trọn vẹn cho ánh đạo vàng.
|
Ẩn hiện những ngọn tháp trong sương sớm ở Bagan |
Người ta không thể hiểu vì sao dưới vó ngựa chinh phạt của đoàn quân Mông Cổ vào năm 1200 xâm chiếm kinh đô Bagan, thủ đô của người Miến Điện trở thành bình địa hoàn toàn, mà kỳ diệu thay, hàng ngàn ngôi đền vẫn sừng sững vươn lên giữa trời cao. Lịch sử kể lại rằng, vương quốc bị xóa sổ, năm 1364 người Miến mới có thể gượng dậy mà khôi phục đất nước ở Ava, vậy mà Bagan vẫn trường tồn cho đến hôm nay, nếu không có trận động đất kinh hoàng vào năm 1975 làm sụp đổ hàng ngàn ngôi đền, mà theo tổ chức Unesco và cục Khảo cổ ghi nhận vào năm 1993 thì Bagan chỉ còn 2.230 ngôi đền.
Nhiều người đến Bagan có được diễm phúc hơn chúng tôi khi kiên trì từ nhiều tháng trời chờ đợi để đăng ký được đi vài mươi phút khinh khí cầu trên bầu trời Bagan vào lúc bình minh để cảm nhận bức tranh kiệt tác trong không gian hoàn mỹ nhất. Có lẽ vì thế mà từ năm 1898, nhà thơ, đồng thời thám hiểm người Anh Rudyard Kipling (Giải Nobel Văn chương năm 1907) đã từng viết về nơi này một cách kỳ vĩ nhất: “Đây Burma, và nơi này không giống bất cứ nơi nào trên thế giới mà bạn từng biết…”. Vâng, không giống, bởi đây chính là vùng đất thiên cực lạc.
Hoàng hôn Ubein
Đi qua những miền thánh tích Phật giáo, cho dù đó là nơi đức Phật đã từng ghé qua ngàn năm trước, hay cố đô của những vương triều hay vùng đất của những truyền thuyết mà những vị vua đã hiến hết tất cả của cải, vàng bạc, châu báu để cúng dường sau khi giác ngộ Phật pháp. Từ nông thôn hay thành thị…Những câu chuyện những ngày huy hoàng xa xưa của một đế chế gần như đối lập với không gian sống bụi bặm của một đất nước được xem là nghèo nhất thế giới.
Tôi không tin điều đó, Myanmar không bao giờ nghèo. Những ngọn tháp bằng vàng khối nặng hàng tấn vẫn còn tồn tại bất chấp quy luật của không gian và thời gian, bất chấp nỗi càn qua của thăng trầm, hưng phế của thời cuộc, mà nào có ít, đâu đâu cũng thấy sừng sững những ngọn tháp vàng cho dù đứng xa hàng mấy cây số.
Myanmar trong tôi là vậy, và con người Myanmar cũng độ lượng ngay chính với con đường mình đi qua. Tôi đã bật cười khi nhận ra những đứa bé đi xe đạp ngang chùa cũng chạy chậm lại và cúi xuống rút đôi dép đang mang để cầm trên tay rồi đạp tiếp cho đến khi khuất cổng chùa lại thò tay mang dép vào và phóng như bay trên con đường bụi đỏ. Họ tin họ là con của đất Phật và sự giàu có lớn nhất từ bé được dạy nơi đây là tinh thần tôn kính đạo pháp. Giàu có là cúng dường, giàu có là quy y nơi cửa Phật…
Tôi đã dự một buổi lễ quy y của những đứa trẻ nông thôn ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar về phía Bắc. Những đứa trẻ được ăn mặc đẹp như con cháu hoàng gia và cưỡi ngựa, đoàn xe hoa rước chúng vào chùa là những cổ xe bò trang hoàng thật vui mắt…
Trẻ con Myanmar quy y như một nghi thức trưởng thành không thể thiếu trong vòng đời cõi tạm, có trở thành sadi hay tỳ kheo không đều tùy duyên, nhưng khi lên 7-8 tuổi đều phải qua nghi thức quy y gọi là Shinpyu. Điều đó nhắc tôi không được làm lạ khi mỗi sáng sớm ra đường lại thích ngắm nhìn những đoàn sadi – tu sĩ Phật giáo nam tông Nguyên thủy trẻ tuổi xếp hàng dài trên đường đi khất thực, những con đường như được thấm đẫm màu nâu đỏ của sắc y tu sĩ. Làm sao lạ được, khi Myanmar có hơn 600 ngàn tu sĩ Phật giáo thì hết gần phân nửa số ấy đang tu tập tại Mandalay – miền cố đô với 2,5 triệu dân.
|
Những đứa trẻ trong lễ quy y |
Người ta hay dọa nhau rằng: “Đến Mandalay mà không đến cầu Ubein xem như chưa đến Mandalay”. Dọa nhau bằng thừa. Bởi ai có thể bỏ qua khoảnh khắc tuyệt vời nhất với ánh hoàng hôn buông xuống cây cầu gỗ teak dài nhất thế giới này đây. Truyền thông thế giới cũng có đức tin của nó khi CNN công bố nơi đây là một trong 12 điểm đón hoàng hôn đẹp nhất thế giới.
Đi hết chiều dài 1,2 km cây cầu gỗ này có lẽ không gì thú vị bằng cứ tưởng tượng mình đang đi chuyến tàu trở về quá khứ của một thời vàng son cố đô một đế chế. Cầu được xây dựng trên hồ Taungthaman vào giữa năm 1800 bằng hơn 1.000 trụ cột và hàng ngàn tấm ván gỗ vật liệu xây dựng cung điện hoàng gia. Khi cung điện này bị bỏ hoang khi triều đại của vua Mindon quyết định chuyển kinh đô về Mandalay.
|
Hoàng hôn Ubein |
Không giàu có sao được khi từ những vật liệu dư thừa làm một tòa cung điện thôi mà đã trở nên thu hút khách du lịch khắp năm châu?
Mặt trời đã chìm sâu dưới chân cầu Ubein, tòa tháp cổ xa xa vẫn in đậm vóc dáng cao vút lên trời tím chiều nay, vậy mà đoàn lữ khách cứ ngẩn ngơ chờ đợi một không gian khác, một câu chuyện cổ tích khác như chuyện 1001 đêm cứ trôi mãi niềm khao khát tận hưởng không thôi.
Tôi lại có thói quen như bao ngày qua, ấn đôi chân trần xuống dòng nước lạnh ngắt của hồ Taungthaman. Kỳ lạ lắm, nước không lạnh, mà ấm áp lạ thường, niềm ấm áp của bước chân giang hồ cảm nhận được cõi thiền nơi đất khách…
Bài và ảnh: Binh Nguyên