Hãng Reuters dẫn nguồn tin quan chức tiết lộ Mỹ đến nay vẫn từ chối xem Travis King là tù binh chiến tranh (POW) mặc dù binh sĩ này đang bị CHDCND Triều Tiên giam giữ khi vượt biên vào tháng trước.

Mỹ từ chối xem binh sĩ đào tẩu sang Triều Tiên là tù binh chiến tranh

Cẩm Bình | 05/08/2023, 10:13

Hãng Reuters dẫn nguồn tin quan chức tiết lộ Mỹ đến nay vẫn từ chối xem Travis King là tù binh chiến tranh (POW) mặc dù binh sĩ này đang bị CHDCND Triều Tiên giam giữ khi vượt biên vào tháng trước.

Với quyết định trên, King không được hưởng loạt biện pháp bảo vệ POW theo các công ước Geneva. Quân đội Mỹ từng cam kết không bỏ rơi binh sĩ của mình ở phía kẻ thù.

Do còn tại ngũ và trên lý thuyết Mỹ - Triều vẫn đang trong tình trạng chiến tranh nên King đủ điều kiện được xem như POW. Cuộc chiến Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình.

Nhưng theo nguồn tin quan chức, dường như các yếu tố như tự ý đào tẩu, vượt biên trong trang phục dân sự khiến King khó đạt điều kiện.

travis.jpg
Binh sĩ Travis King - Ảnh: CNN

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về tình trạng hiện tại của King mà chỉ tuyên bố ưu tiên hiện tại là đưa binh sĩ này trở về thông qua mọi kênh liên lạc khả dĩ, đồng thời nhấn mạnh: “King phải được đối xử nhân đạo theo luật pháp quốc tế”.

Nguồn tin tiết lộ Mỹ đã chuyển thông điệp trên đến phía Triều Tiên, nỗ lực liên lạc đang diễn ra không có nghĩa King được xem là POW. Washington hiện còn cân nhắc khi có thêm thông tin.

Công ước Geneva bao gồm bốn hiệp ước và ba nghị định thư thiết lập tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về đối xử nhân đạo trong chiến tranh. Các văn kiện nêu rõ tù nhân không bị truy tố vì tham gia trực tiếp vào hành động thù địch, việc giam giữ sau khi bị bắt không được coi là một hình thức trừng phạt mà chỉ là biện pháp để ngăn họ tái tham chiến.

Chuyên gia luật quân sự Rachel VanLandingham (trường Luật Southwestern) nhận định King sẽ hưởng lợi nếu được xem là POW: “Tư cách này cung cấp khuôn khổ rõ ràng hơn về cách đối xử với anh ấy”.

Chuyên gia luật quân sự Geoffrey Corn (trường Luật thuộc Đại học Công nghệ Texas) thì lại cho rằng Mỹ khó xem King là POW vì binh sĩ không bị bắt trong chiến sự. Có lẽ chỉ có thể xem King là người nước ngoài không giấy tờ vượt biên mà không có thị thực.

Có tiền lệ Mỹ trao tư cách POW cho trường hợp không tham chiến. Ba binh sĩ Christopher Stone, Andrew Ramirez và Steven Gonzales bị Nam Tư giam giữ hơn một tháng sau khi bị bắt trong một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của NATO năm 1999 được nhận huân chương dành cho POW. Trung úy hải quân Robert Goodman nhận huân chương tương tự sau khi bị bắt vào năm 1983 tại Lebanon, giam giữ tại Syria.

Hiện tại Lầu Năm Góc giữ nguyên tình trạng “vắng mặt không phép” (AWOL) với King. Binh sĩ này sẽ tự động thành kẻ đào ngũ sau 30 ngày bị AWOL.

Bài liên quan
Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung: Lịch sử có lặp lại?
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng, việc ông đe dọa áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc có thể đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc chiến thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ từ chối xem binh sĩ đào tẩu sang Triều Tiên là tù binh chiến tranh