Mỹ mới đây đã thông báo từ chối cấp thị thực (visa) cho các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương, động thái làm gia tăng căng thẳng Mỹ -Trung, nhất là trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại cấp cao sắp diễn ra trong vài ngày tới ở Washington.
Theo CNBC, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8.10 thông báo lệnh trừng phạt hạn chế thị thực mới của Washington sẽ được áp dụng đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc - những người được cho là phải chịu trách nhiệm, hoặc có liên quan tới vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, Trung Quốc.
Lệnh này cũng ảnh hưởng tới các thành viên gia đình họ, gồmnhững người đang tìm cách du học Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không công bố tên cụ thể của quan chức nào bị cấm thị thực, và cho hay hành động này là để “bổ sung” cho chế tài của Bộ Thương mại.
Động thái trên được đưa ra chỉ 1ngày sau khi Bộ Thương Mại Mỹ công bố danh sách trừng phạt 28 thực thể, bao gồm 20 cơ quan an ninh địa phương tại Tân Cương và 8 công ty công nghệ lớn, bao gồm Hikvision và Dahua, hai nhà sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới. Các đối tượng này bị Washington cáo buộc "vi phạm nhân quyền" với người Hồi giáo tại Tân Cương.
Phản ứng lại hành động trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lên án các hành động của Mỹ là “tạo ra cái cớ” để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. “Vấn đề về Tân Cương hoàn toàn là việc nội bộ của Trung Quốc, và các quốc giá khác không được can thiệp. Chúng tôi kêu gọi Mỹ rút lại hành động của họ ngay lập tức, và ngừng ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nói Bắc Kinh sẽ tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ và dứt khoát để bảo vệ an ninh chủ quyền, đồng thời cũng yêu cầu khuyến cáo Mỹ ngưng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Hiện các quan chức Mỹ - Trung sắp tiến hành các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán của Bắc Kinh tới Washington trong hai ngày 10-11.10. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các nhà đàm phán cấp cao hai nước tại Mỹ từ sau khi các cuộc đàm phán đổ vỡ hồi tháng 5.
Tuy nhiên, trước những động thái trừng phạt trên của Mỹ, truyền thông nhà nước Trung Quốc hạ thấp kỳ vọng vào vòng đàm phán thương chiến
“Rõ ràng có nhiều khác biệt về thương mại giữa hai nước, cùng với thái độ không chân thành của Mỹ. Phạm vi xung đột ngày càng mở rộng và sự mất lòng tin lẫn nhau ngày càng tăng. Mỹ luôn chỉ tập trung vào những điểm mạnh của mình, nhưng vấn đề là lợi thế thực sự của nó còn lâu mới hỗ trợ cho yêu cầu của họ đối với Bắc Kinh, và Washington dường như chưa hiểu điều này”, Bloomberg trích dẫn một bài xã luận được đăng hôm 8.10 trên Thời báo Toàn cầu - tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bài xã luận cũng chỉ trích quyết định của Mỹ khi đưa vào danh sách đen các công ty Trung Quốc có liên quan đến việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo ở Tân Cương và cho rằng, “đây là một chiến lược cũ nhằm gây áp lực tối đa trước các cuộc đàm phán và sẽ có ít tác động đến sự tập trung hoặc ý chí của phía Trung Quốc”.
“Trung Quốc đã thấy nhiều chiêu trò của Mỹ. Và chắc chắn chiêu trò mới cũng không đủ thực tế để có thể làm Trung Quốc bất ngờ. Cho dù Washington có thêm những động thái nhắm vào Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại đi chăng nữa, Trung Quốc luôn chuẩn bị để đối phó”, bài xã luận nói thêm.
Hoàng Vũ (theo CNBC, Bloomberg)