Sau khi hàng ngàn thổ dân thủ rựa, gậy xông chiếm trụ sở Quốc hội ở thủ đô Quito, chính phủ Ecuador đã tháo chạy khỏi thành phố này. Cuộc biểu tình phản đối bạo lực có lý do Tổng thống Lenin Moreno quyết định cắt trợ giá xăng dầu khiến nhiên liệu tăng cao.

Thổ dân thủ rựa gậy thực hiện kế hoạch lật đổ chính phủ Ecuador

Mỹ Trinh | 09/10/2019, 13:26

Sau khi hàng ngàn thổ dân thủ rựa, gậy xông chiếm trụ sở Quốc hội ở thủ đô Quito, chính phủ Ecuador đã tháo chạy khỏi thành phố này. Cuộc biểu tình phản đối bạo lực có lý do Tổng thống Lenin Moreno quyết định cắt trợ giá xăng dầu khiến nhiên liệu tăng cao.

          

Quyết định cắt trợ giá là một trong số các biện pháp được công bố, như một phần của kế hoạch viện trợ 4,2 tỉ USD mà chính phủ Moreno đạt được với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tổ chức này nói gói viện trợ này sẽ giúp người dân nghèo bằng cách củng cố nền kinh tế Ecuador và tạo ra việc làm.  

Thổ dân bất mãn chính quyền Tổng thống Ecuador  

Nhưng các cộng đồng thổ dân lên án điều họ gọi là “thỏa thuận sau cánh cửa đóng kín” của chính phủ với IMF. Họ tuyên bố các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ đào sâu cách biệt giàu-nghèo. Họ cũng tuyên bố thực hiện “bất tuân dân sự”, bắt giam một số quan nhân và cảnh sát tại nơi họ sinh sống. Nhưng họ lên án tình trạng vẽ bậy và nạn hôi của “của những phần tử bên ngoài không liên kết với các mục tiêu và phong trào của chúng tôi”.

Theo hãng tin AP ngày 9.10, người phản đối đã chiếm vài trạm xăng và công ty xăng dầu nhà nước Petroecuador, đồng thời cảnh cáo việc mất sản lượng có thể đạt đến 165.000 thùng dầu/ngày, tức gần 1/3 tổng sản lượng, nếu tình hình bất ổn vẫn kéo dài. Thổ dân cũng chiếm 2 nhà máy cấp nước ở thành phố Ambato (phía nam Quito) dẫn đến sự lo ngại về nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Trước đó vào ngày 8.10, người biểu tình vượt qua rào chắn của cảnh sát, một số người xông vào trụ sở Quốc hội bị bỏ trống. Cảnh sát bắn hơi cay để buộc người biểu tình rút lui. Đêm 7.10, hàng trăm người gây rối ở khu vực Duran ở gần thành phố cảng Guayaquil, hôi của ở các tiệm thuốc, các cửa hàng bán dụng cụ điện tử và các tòa nhà. Chính phủ Moreno đã đến thành phố này để làm việc, khi thủ đô Quito đang có tình hình bất ổn.  

Tại vài khu vực, cảnh sát phải bỏ một xe bọc thép và người biểu tình đốt cháy nó. Người gây rối cũng đập cửa sổ xe con, xông vào các tiệm hàng và xung đột với lực lượng an ninh. Vài đoạn vidéo thu hình cảnh sát đánh đập người biểu tình ngã quị.

Phe đối lập chỉ trích chính phủ Moreno vi phạm nhân quyền khi nỗ lực dẹp loạn. Theo ông Juan Sebastian Roldan, thư ký riêng của ông Moreno, khoảng 570 người đã bị bắt vì hành hung người khác và chiếm đoạt tài sản. Tuần trước, chính phủ cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm phục hồi trị an.

 Người biểu tình đốt cháy xe bọc thép của cảnh sát - Ảnh: AP

Tổ chức liên Mỹ đã kêu gọi đối thoại để chấm dứt bất ổn ở Ecuador, đồng thời nói ông Moreno trúng cử hợp pháp. Tổ chức này hoàn toàn không chấp nhận việc “bắt cóc các quân nhân và cảnh sát, nạn hôi của, đốt xe tuần tra và tấn công xe cứu thương”.

Ecuador với 17 triệu dân hiện lâm tình hình bế tắc, hệ thống vận tải công cộng bị tê liệt, thổ dân dùng đá tảng để chặn đường. Những cuộc biểu tình và gây rối bắt đầu từ công nhân ngành vận tải công cộng lan qua giới sinh viên, rồi đến các thổ dân vốn từng giữ vai trò lớn trong vụ ông Lucio Gutierrez phải từ chức Tổng thống Ecuador hồi năm 2005, dù có sự ủng hộ ngầm của quân đội Ecuador.   

Cộng đồng các công dân thổ dân Ecuador (là nhóm thổ dân lớn nhất) tuyên bố chính phủ Tổng thống Moreno đã không giúp đỡ những người khổ cực nhất nước. Họ cũng có cáo buộc tương tự với người tiền nhiệm Rafael Correa của ông Moreno: “ Xuyên suốt chiều dài lịch sử Ecuador, chúng tôi đã chứng tỏ rằng thổ dân có quyền đóng cửa đất nước khi quyền lợi của chúng tôi bị đe dọa và khi xảy ra sự lạm quyền”.    

Theo AP, hai ông Correa và Moreno từng là đồng minh cánh tả. Vài tháng gần đây, cả vị cựu tổng thống lẫn ông Moreno đều bị cáo buộc tham nhũng. Ông Correa đang sống ở Bỉ và đối mặt với trát bắt vì tội tham nhũng. Chính phủ Moreno ban hành trát bắt này năm 2018. Ông Correa  nói ông và các chiến hữu là nạn nhân của đòn trả thù chính trị.

 Ông Correa (trái) trong ngày ông Moreno nhậm chức Tổng thống Ecucador - Ảnh: AP 

Tổng thống Ecuador cáo buộc tiền nhiệm gây bất ổn

Phát biểu trên đài truyền hình Ecuavisa, Tổng thống Moreno nói các cơ quan chính quyền đều ủng hộ ông, và ông cảm ơn họ “tích cực bảo vệ hệ thống dân chủ”. Hôm 7.10, ông nói ông là mục tiêu của một âm mưu đảo chính, nhưng ông không hủy quyết định cắt trợ giá xăng dầu, vì khoản trợ giá này khiến chính phủ mắc nợ công cao từ trước khi ông nhậm chức. Xung quanh ông là một số tướng lĩnh, chứng tỏ sự ủng hộ của quân đội.  

Ông Moreno kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng. Cùng lúc, ông nói cựu Tổng thống Correa âm mưu gây bất ổn Ecuador, với sự giúp đỡ của ông Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela.

7 quốc gia Nam Mỹ - Argentina, Brazil, Colombia, El Salvador, Guatemala, Peru và  Paraguay - đều ủng hộ ông Moreno và cáo buộc ông Maduro “âm mưu phá hoại nền dân chủ của chúng ta”. Colombia từng cáo buộc Venezuela dung dưỡng quân du kích Colombia nhưng chính phủ Venezuela bác bỏ.

Ecuador là một trong số hàng chục quốc gia đòi lật đổ ông Maduro. Phát biểu trên truyền hình đêm 8.10, ông Maduro bác bỏ cáo buộc của ông Moreno, tự gọi mình là “Siêu Maduro” và vuốt hàm râu đen để chọc ghẹo rằng ông có thể tập hợp các thế lực siêu nhiên vào việc lật đổ các chính phủ. Ông nói: “Lenin Moreno, nếu ông muốn chứng kiến điều gì thật đang xảy ra, thì hãy hủy gói viện trợ và tham gia đối thoại với người dân Ecuador. Hãy đối thoại với các nhà nông, công nhân và thổ dân”.  

Mỹ Trinh (theo AP)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thổ dân thủ rựa gậy thực hiện kế hoạch lật đổ chính phủ Ecuador