Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 28.10 cho biết nước này đang tham vấn các đồng minh châu Âu về Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF).
“Chúng tôi có tham vấn cùng các đối tác châu Âu. Tôi có trao đổi chuyện này với Bộ trưởng Quốc phòng Đức một ngày trước. Tôi khẳng định quá trình tham vấn đang tiếp diễn”, ông Mattis phát biểu với báo giới trong thời gian thăm Cộng hòa Czech.
Đón tiếp Bộ trưởng Mattis tại thủ đô Prague, Thủ tướng Czech Andrej Babis cảnh báo INF đổ vỡ sẽ đẩy châu Âu trở về chiến tranh lạnh. Theo ông: “Đây là tin xấu khiến chúng tôi thấy đáng tiếc. Quan hệ Nga-Mỹ không ở tình trạng lý tưởng và chúng ta đang quay lại thời kỳ chiến tranh lạnh. Chúng ta phải đối thoại với phía Nga”.
Bộ trưởng các nước NATO chuẩn bị có cuộc họp tại Brussels vào tháng 12, sự kiện mà ông Mattis hứa hẹn sẽ là “thời khắc quyết định” trong vấn đề này.
Tổng thống Donald Trump hôm 20.10 tuyên bố rút Mỹ khỏi INF, hiệp ước nước này ký với Liên Xô năm 1987 có nội dung cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500km phóng từ mặt đất. Lý do mà nhà lãnh đạo Washington đưa ra là Moscow vi phạm thỏa thuận.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ xem INF là trụ cột quan trọng trong kiểm soát vũ khí. Dù cùng có quan điểm Nga làm trái với cam kết trong hiệp ước nhưng họ lo lắng INF một khi đổ vỡ sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, sẽ có thêm tên lửa hạt nhân Mỹ triển khai đến lục địa già.
Ngày 25.10, những thành viên châu Âu trong NATO kêu gọi Mỹ cố buộc Nga tuân thủ hiệp ước thay vì rút khỏi. Một số nhà ngoại giao lo ngại mâu thuẫn trong vấn đề này có thể bị Moscow lợi dụng.
Trả lời báo giới tại Czech, Bộ trưởng Mattis không loại trừ khả năng Mỹ triển khai tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất nếu quả thực rút khỏi INF.
Nga chuẩn bị trả lời câu hỏi của Mỹ về INF
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow đã bắt đầu chuẩn bị trả lời những câu hỏi liên quan đến INF mà giới chức Mỹ đưa sang.
Theo Ngoại trưởng Nga: “Vài ngày trước khi xuất hiện tuyên bố rút khỏi hiệp ước, giới chức Mỹ đã thông qua Đại sứ quán tại Moscow để gửi đến Bộ Ngoại giao Nga một danh sách câu hỏi thể hiện mối quan tâm của họ”. Danh sách đã được chuyển đến Bộ Quốc phòng Nga cũng như những cơ quan chính phủ khác.
Ông Lavrov còn đánh giá thông báo rút khỏi của Mỹ quá ngắn gọn và không đóng góp cho đối thoại bền vững.
Cẩm Bình (theo Reuters)