Nhà thiết kế chip Nvidia cho biết các quan chức Mỹ đã yêu cầu họ ngừng xuất khẩu hai chip điện toán hàng đầu cho công việc trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc.

Mỹ ra lệnh Nvidia ngừng bán 2 chip AI hàng đầu, nhiều công ty Trung Quốc điêu đứng

Sơn Vân | 01/09/2022, 09:17

Nhà thiết kế chip Nvidia cho biết các quan chức Mỹ đã yêu cầu họ ngừng xuất khẩu hai chip điện toán hàng đầu cho công việc trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc.

Đây là động thái có thể làm tê liệt khả năng của các công ty Trung Quốc trong việc thực hiện các công việc nâng cao như nhận dạng hình ảnh và cản trở hoạt động kinh doanh của Nvidia tại quốc gia châu Á.

Cổ phiếu Nvidia giảm 6,6% sau nhiều giờ.

Công ty Mỹ cho biết lệnh cấm, ảnh hưởng đến chip A100 và H100 của họ được thiết kế để tăng tốc các tác vụ máy học, đồng thời có thể cản trở việc hoàn thành phát triển H100, chip hàng đầu mà Nvidia đã công bố trong năm nay.

Cổ phiếu của đối thủ Nvidia là Advanced Micro Devices (AMD) giảm 3,7% sau nhiều giờ.

Một phát ngôn viên của AMD nói với hãng tin Reuters rằng công ty đã nhận được các yêu cầu giấy phép mới sẽ ngăn việc xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo MI250 sang Trung Quốc nhưng tin rằng chip MI100 của họ sẽ không bị ảnh hưởng.

AMD không tin rằng các quy tắc mới sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của mình.

Theo Nvidia, các quan chức Mỹ nói với quy tắc mới sẽ giải quyết rủi ro rằng các sản phẩm được bảo hộ có thể được sử dụng hoặc chuyển hướng sang mục đích “sử dụng cuối trong quân đội” hoặc “người dùng cuối quân sự” ở Trung Quốc.

Khi được đề nghị bình luận về chuyện này, Bộ Thương mại Mỹ không nói rõ đã đặt ra tiêu chí mới nào với các chip trí tuệ nhân tạo không còn được vận chuyển đến Trung Quốc nhưng cho biết đang xem xét các chính sách và thực tiễn liên quan đến nước này để "giữ cho các công nghệ tiên tiến tránh bị rơi vào tay kẻ xấu”.

"Dù không có khả năng vạch ra những thay đổi chính sách cụ thể lúc này, chúng tôi đang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện để thực hiện các hành động bổ sung cần thiết liên quan đến công nghệ, mục đích sử dụng cuối và người dùng cuối để bảo vệ an ninh quốc gia cùng lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ", người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ nói với Reuters.

Thông báo trên báo hiệu Mỹ sẽ đàn áp mạnh tay với năng lực công nghệ của Trung Quốc khi căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng leo thang vì nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi đến Đài Loan, nơi sản xuất chip cho Nvidia và hầu hết các hãng chip lớn khác.

Nếu không có chip của Mỹ từ các công ty như Nvidia và AMD, các hãng Trung Quốc sẽ không thể làm ra loại máy tính tiên tiến được sử dụng để nhận dạng hình ảnh và giọng nói cùng nhiều tác vụ khác một cách hiệu quả về chi phí.

Nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên phổ biến trong các ứng dụng tiêu dùng như smartphone có thể trả lời các truy vấn và gắn thẻ ảnh. Chúng cũng được sử dụng trong quân sự như dò tìm hình ảnh vệ tinh để tìm vũ khí hoặc căn cứ và lọc thông tin liên lạc kỹ thuật số cho mục đích thu thập thông tin tình báo.

Nvidia cho biết dự tính kiếm được doanh thu 400 triệu USD từ tiền bán chip A100 và H100 cho Trung Quốc trong quý 3/2022. Song, số tiền này có thể bị mất nếu các công ty Trung Quốc quyết định không mua các sản phẩm thay thế của Nvidia.

Nvidia có kế hoạch nộp đơn xin miễn trừ quy tắc nhưng không chắc chắn rằng các quan chức Hoa Kỳ sẽ thông qua.

Stacy Rasgon, nhà phân tích tài chính của công ty Bernstein, cho biết việc tiết lộ báo hiệu khoảng 10% doanh số trung tâm dữ liệu của Nvidia, mà các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ những năm gần đây, đến từ Trung Quốc. Cũng theo Stacy Rasgon, Nvidia có thể "quản lý được" tác động đến doanh số bán hàng.

Lệnh cấm xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo đến khi Nvidia vào tuần trước đã dự báo doanh thu giảm mạnh trong quý 3/2022 do ngành công nghiệp game yếu hơn. Nvidia nói dự kiến ​​doanh thu quý 3/2022 là 5,9 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

my-cam-nividia-xuat-khau-2-chip-ai-hang-dau-sang-trung-quoc.jpg
Các quan chức Mỹ đã yêu cầu Nvidia ngừng xuất khẩu chip A100 và H100 sang Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước khi Mỹ gia tăng đáng kể các hạn chế xuất khẩu với các công nghệ tiên tiến, theo các chuyên gia và giám đốc điều hành chip hàng đầu nước này.

Những nỗ lực từ Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, vốn đạt được hiệu quả sau khi Tổng thống Joe Biden ký thành luật Chips and Science (Chips và Khoa học), đã trở thành một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị và Triển lãm Bán dẫn Thế giới 2022, vừa qua tại thành phố Nam Kinh, phía đông Trung Quốc.

Luật mới của Mỹ nhằm ngăn chặn các khoản đầu tư nước ngoài vào các công nghệ sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc, tạo ra những thách thức không thể vượt qua, theo Yu Xiekang, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) - nhóm thương mại được nhà nước hậu thuẫn đứng sau ngành công nghiệp vi mạch (IC) của đại lục.

Không thể để Trung Quốc tự mình giải quyết các nút thắt trong thiết bị và vật liệu bán dẫn”, Yu Xiekang nói trong một cuộc thảo luận. Ông gợi ý rằng Trung Quốc nên xem xét các con đường thay thế, chẳng hạn như tăng cường sức mạnh của mình trong bao bì tiên tiến, bao gồm cả chiplet.

Chiplet là một phần của mô đun xử lý tạo nên mạch tích hợp lớn hơn như bộ xử lý máy tính. Thay vì sản xuất một bộ xử lý trên một miếng silicon với số lượng lõi mong muốn, chiplet cho phép các nhà sản xuất sử dụng nhiều chip nhỏ hơn để tạo thành một mạch tích hợp lớn hơn.

Đại diện cho 744 công ty thành viên trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, CSIA đã tố cáo đạo luật Chips and Science là vi phạm thương mại công bằng, đồng thời cảnh báo rằng luật này có thể dẫn đến hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuyên bố từ CSIA đã hòa vào dàn đồng ca của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, các tổ chức thương mại và tiếng nói của chính phủ lên án đạo luật được ban hành gần đây.

Thông qua đạo luật Chip and Science, chính quyền Biden dùng 52,7 tỉ USD để thu hút sản xuất chất bán dẫn nhiều hơn ở Mỹ.

Đạo luật Chips and Science cũng cung cấp 200 tỉ USD cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác - những lĩnh vực mà Bắc Kinh coi là ưu tiên quốc gia.

Bắc Kinh coi đạo luật Chips and Science là mối đe dọa với cả việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến cần thiết cho lĩnh vực chip và vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Trong khi "hết sức đau buồn" trước sự phát triển này, CSIA cảnh báo rằng việc thông qua luật "chắc chắn sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu". CSIA kêu gọi Mỹ "sửa chữa những sai lầm của mình” và thể hiện sự tôn trọng trật tự trong lĩnh vực chip quốc tế.

Tuyên bố từ CSIA phản ánh sự cấp bách mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc đối phó với luật mới của Mỹ, điều này có thể thúc đẩy nỗ lực của Washington trong việc hình thành liên minh Chip 4 - quan hệ đối tác với Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Bắc Kinh coi liên minh đó là âm mưu của chính phủ Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Quy mô của các ưu đãi mà Mỹ hiện có thể cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn có thể đe dọa ngăn cản các hãng lớn, chẳng hạn những gã khổng lồ chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynix, tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.

Theo đạo luật Chips and Science, những hãng nhận trợ cấp bị cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc ngoài chất bán dẫn cũ - được định nghĩa là chip được sản xuất bằng công nghệ xử lý 28 nanomet trở lên - trong 10 năm.

Điều đó có thể cản trở các sáng kiến ​​của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu chip.

Vật liệu và thiết bị chip sản xuất trong nước của Trung Quốc vẫn chưa đủ tốt để thay thế hàng nhập khẩu, Hu Wenlong (Phó chủ tịch Tongfu Microelectronics, công ty đóng gói và kiểm tra chất bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc) nói tại sự kiện này.

Nhận định của chúng tôi là việc đầu tư vào thiết bị, nguyên vật liệu trong nước vẫn còn thiếu và các thiết bị sản xuất trong nước ít được sử dụng trong dây chuyền sản xuất”, Hu Wenlong nói.

Hu Wenlong cho biết thêm, cần hợp tác chặt chẽ hơn trong nước và quốc tế để nâng cao khả năng của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.

Được thành lập năm 1997 với tư cách là một liên doanh giữa chính phủ Trung Quốc và Fujitsu (Nhật Bản), Tongfu Microelectronics đã trở thành công ty quan trọng trong ngành công nghiệp chip sau khi mua lại hai nhà máy từ công ty bán dẫn Advanced Micro Devices (Mỹ) vào 2016.

Dù ngành công nghiệp chip nội địa ở Trung Quốc có vẻ đang hoạt động tốt khi được đo lường bằng dữ liệu bán hàng, các công nghệ cốt lõi của nó vẫn còn nhiều điều đáng mong đợi, Hu Wenlong nhận định.

Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, nhờ nhu cầu phát triển mạnh từ các ngành công nghiệp hạ nguồn, từ sản xuất ô tô đến đồ gia dụng.

Không thể tạo ra những con chip tiên tiến hơn, chẳng hạn những con chip được sử dụng trong smartphone mới nhất, Trung Quốc hiện chi nhiều tiền hơn vào việc nhập khẩu vi mạch so với mua dầu nước ngoài.

Tháng trước, sản lượng vi mạch của Trung Quốc giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 27,2 tỉ đơn vị, theo dữ liệu của chính phủ, do các vụ phong tỏa không liên tục cản trở sản xuất và làm ảnh hưởng đến nhu cầu, dẫn đến cung vượt quá cầu của các sản phẩm chip cấp thấp.

Tuần qua, Trung Quốc tiếp tục công kích đạo luật Chips and Science nhưng các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có ít biện pháp đối phó thực tế. Lý do bởi những lời chỉ trích như vậy sẽ không hiệu quả để ngăn những nỗ lực từ Mỹ làm chậm bước tiến của Trung Quốc trong các công nghệ cơ bản, bao gồm cả chất bán dẫn.

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, thiết bị, vật liệu nhập khẩu để thiết kế và sản xuất chip, khiến nước này khó có thể tự mình tạo ra những đột phá về công nghệ.

Bài liên quan
Hàn Quốc đối mặt rủi ro ngày càng tăng do xuất khẩu chip phụ thuộc vào Trung Quốc
KCCI đã kêu gọi đa dạng hóa các đối tác thương mại về chip do Hàn Quốc phụ thuộc vào Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ ra lệnh Nvidia ngừng bán 2 chip AI hàng đầu, nhiều công ty Trung Quốc điêu đứng