Một quan chức Mỹ đã tới Nhật Bản sau cuộc gặp với chính phủ Hà Lan trong nỗ lực thúc đẩy đồng minh hạn chế hơn nữa khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc, một người quen thuộc về vấn đề này tiết lộ với hãng tin Reuters hôm 18.6.
Thế giới số

Mỹ muốn Hà Lan và Nhật gia tăng hạn chế thiết bị chip đến Trung Quốc, thêm 11 nhà máy vào danh sách đen

Sơn Vân 12:03 19/06/2024

Một quan chức Mỹ đã tới Nhật Bản sau cuộc gặp với chính phủ Hà Lan trong nỗ lực thúc đẩy đồng minh hạn chế hơn nữa khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc, một người quen thuộc về vấn đề này tiết lộ với hãng tin Reuters hôm 18.6.

Alan Estevez, người đứng đầu chính sách xuất khẩu của Mỹ, một lần nữa đang cố gắng xây dựng thỏa thuận năm 2023 giữa ba nước để ngăn chặn thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc vì có thể giúp hiện đại hóa quân đội nước này.

Mỹ lần đầu tiên áp đặt các hạn chế toàn diện vào năm 2022 với các lô hàng chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc từ các công ty như Nvidia và Lam Research.

Tháng 7.2023, để phù hợp với chính sách của Mỹ, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị, từ máy phủ màng phim trên đĩa bán dẫn đến thiết bị khắc các mạch điện cực nhỏ. Nhật Bản là quê hương của nhà sản xuất thiết bị chip Nikon Corp và Tokyo Electron.

Sau đó, chính phủ Hà Lan bắt đầu kiểm soát việc ASML cung cấp máy quang khắc cực tím sâu (DUV) cho Trung Quốc. Chính quyền Biden cũng áp đặt các hạn chế với các máy DUV bổ sung cho một số nhà máy Trung Quốc, với lý do các hệ thống của ASML chứa các bộ phận và linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ.

ASML (Hà Lan) là nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới.

Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về việc thêm 11 nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc vào danh sách hạn chế, nguồn tin của Reuters cho biết. Hiện có 5 nhà máy trong danh sách đen này, gồm cả của SMIC (hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc).

Nguồn tin nói rằng Mỹ cũng muốn kiểm soát thêm các thiết bị sản xuất chip.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về thông tin này.

Các quan chức Mỹ đã đến thăm Hà Lan vào tháng 4 trong nỗ lực ngăn chặn ASML bảo trì một số thiết bị ở Trung Quốc. Theo quy định của Mỹ, các công ty nước này bị cấm bảo dưỡng thiết bị tại các nhà máy tiên tiến của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nguồn tin Reuters cho biết các hợp đồng bảo trì của ASML cho các nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc vẫn có hiệu lực, giải thích rằng chính phủ Hà Lan không có quyền hạn áp dụng ngoài lãnh thổ để cắt giảm chúng.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

Vào tháng 4, Mỹ bắt đầu gây sức ép với chính phủ Hà Lan để ngăn ASML bảo trì một số máy trị giá hàng tỉ euro từng bán cho khách hàng Trung Quốc, gồm cả trong một số trường hợp thiết bị được phê duyệt xuất khẩu hoặc bán trước khi các hạn chế mới xuất hiện vào năm 2023.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của ASML tính theo doanh số bán hàng vào năm 2023 và khoảng 20% doanh thu toàn cầu của công ty Hà Lan đến từ việc bảo trì các máy đã lắp đặt trước đó.

Dù Hà Lan tự giám sát chính sách xuất khẩu của mình và ASML hy vọng có thể tiếp tục bảo trì cho hầu hết khách hàng Trung Quốc đến cuối năm nay, Peter Wennink (cựu Giám đốc điều hành ASML) nói rằng điều đó không đúng trong mọi trường hợp.

Ông cho hay: “Chúng tôi có thể bảo trì chúng, nhưng không phải với các linh kiện của Mỹ hoặc các phụ tùng thay thế xuất xứ từ Mỹ đang bị kiểm soát xuất khẩu”. Các quy định của Mỹ bao gồm cả phân khúc dòng sản phẩm của ASML được gọi là máy DUV.

"Nhưng đó chỉ dành cho một số lượng hệ thống hạn chế. Chúng tôi có thể cài đặt chúng. Bất kỳ thứ gì khác từng bán, chúng tôi đều có thể cài đặt và bảo trì", Peter Wennink nói.

tham-vong-chip-cua-trung-quoc-ton-hai-do-asml-bi-ha-lan-cam-ban-may-san-xuat-chip-tien-tien-nhat.jpg
Mỹ gây sức ép với chính phủ Hà Lan để ngăn ASML bảo trì một số máy trị giá hàng tỉ euro từng bán cho khách hàng Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đang bị Mỹ trừng phạt, năm ngoái đã ra mắt dòng smartphone Mate 60 tích hợp chip Kirin 9000s tiên tiến được SMIC sản xuất theo quy trình 7 nanomet.

Mate 60 được coi là biểu tượng cho sự hồi sinh công nghệ của Trung Quốc bất chấp nỗ lực hạn chế từ Mỹ.

Lý do bảo trì thiết bị ASML là mặt trận mới trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung

Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các đồng minh buộc các công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip trong nước ngừng bảo trì một số công cụ mà họ đã bán ở Trung Quốc. Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Với tư cách là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất trên toàn cầu, ASML đang được chú ý trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung.

Tại sao thiết bị của ASML quan trọng?

ASML thống trị thị trường công cụ in thạch bản. Đó là những cỗ máy phức tạp, đắt tiền, thực hiện một bước quan trọng trong quy trình sản xuất chip, giúp tạo ra mạch điện.

Vì sao Mỹ không muốn ASML bảo trì thiết bị đã bán?

Lý do để ngăn chặn nhà máy sản xuất chip Trung Quốc bị nhắm mục tiêu có thể hoạt động trơn tru. Các thiết bị của ASML từ khó đến không thể thay thế. Nếu chủ sở hữu thiết bị của ASML bị từ chối cung cấp phụ tùng và bảo trì, đến một lúc nào đó, thiết bị sẽ ngừng hoạt động và nhà máy sẽ không thể sản xuất chip.

Chính phủ Hà Lan có từ chối giấy phép bảo trì không?

Hà Lan, đồng minh thân cận của Mỹ, không loại trừ khả năng từ chối giấy phép xuất khẩu và bảo trì của ASML trong một số trường hợp mà họ nhận thấy có rủi ro về an ninh. Tuy nhiên, Hà Lan không có kế hoạch cấm toàn diện.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan. Chính phủ quốc gia châu Âu này không muốn làm tổn hại đến ASML, công ty lớn nhất của họ.

Ngoài ra, phần lớn thiết bị mà ASML bán ở Trung Quốc được sử dụng trong các quy trình sản xuất chip kém tiên tiến hơn và không yêu cầu giấy phép xuất khẩu hoặc bảo trì của Hà Lan.

Có bao nhiêu thiết bị ASML ở Trung Quốc?

Rất nhiều. ASML đã bán được số thiết bị trị giá hơn 6 tỉ euro (6,5 tỉ USD) cho khách hàng Trung Quốc chỉ riêng trong năm 2023.

Công ty không tiết lộ có bao nhiêu thiết bị thuộc các loại yêu cầu giấy phép cho phân khúc DUV. Đây là các máy thuộc phân khúc trung - cao cấp của ASML. Những thiết bị tốt nhất của ASML là in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến không được bán ở Trung Quốc.

ASML tiết lộ giấy phép xuất khẩu của Hà Lan cho phép hãng bảo trì cho phần lớn các khách hàng Trung Quốc đến ngày 31.12.2024, theo hãng tin Reuters.

Tác động có thể là gì đến các nhà sản xuất chip Trung Quốc?

Điều này là không chắc chắn. Lấy ví dụ hư cấu về hãng sản xuất chip Trung Quốc đã mua một trong những công cụ DUV tốt nhất của ASML với giá 60 triệu USD nhưng không được gia hạn giấy phép bảo trì.

Nếu không cập nhật phần mềm, thiết bị sẽ không hoạt động tối ưu. Thế nhưng, các kỹ sư Trung Quốc biết cách vận hành thiết bị của họ và có thể bị sa thải nếu không thể làm việc với máy ASML.

Một số trong hàng nghìn bộ phận trong thiết bị ASML có thể thay thế hoặc sửa chữa được nếu chúng bị hỏng. Tuy nhiên, khi nói đến ống kính và tia laser chuyên dụng cao, không có lựa chọn thay thế nào được biết đến.

Một số bộ phận được cho là có thể bị loại bỏ khỏi các thiết bị ASML hiện có. Hầu hết thiết bị mà ASML từng cung cấp vẫn đang được sử dụng, nhưng chưa có ai từng thử chạy một máy tiên tiến mà không có sự trợ giúp của công ty Hà Lan.

Hậu quả với ASML là gì?

Có thể là nhỏ, ít nhất là lúc đầu. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của ASML vào năm 2023 sau Đài Loan, với 29% doanh số, nhỉnh hơn Hàn Quốc một chút. Khoảng 20% tổng doanh thu của ASML đến từ việc bảo trì các máy đã lắp đặt.

Dù thống trị thị trường, ASML phải đối mặt với sự cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm thấp hơn từ Nikon và Canon (Nhật Bản) và SMEE (Trung Quốc). Về lâu dài, các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ có động lực cao để phát triển các giải pháp thay thế cho việc sử dụng thiết bị của ASML.

Bài liên quan
SMIC dùng máy của ASML sản xuất chip Kirin 9000s cao cấp trong Huawei Mate 60 Pro
SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) đã sử dụng thiết bị của ASML để sản xuất bộ xử lý tiên tiến Kirin 9000s cho smartphone Huawei Mate 60 Pro, Bloomberg đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ muốn Hà Lan và Nhật gia tăng hạn chế thiết bị chip đến Trung Quốc, thêm 11 nhà máy vào danh sách đen