Mỹ đang tiến hành đốt cháy giai đoạn trong việc thử nghiệm vắc-xin coronavirus khi áp dụng ngay trên người.

Mỹ đốt cháy giai đoạn việc thử nghiệm vắc-xin chống COVID-19

17/03/2020, 09:31

Mỹ đang tiến hành đốt cháy giai đoạn trong việc thử nghiệm vắc-xin coronavirus khi áp dụng ngay trên người.

Cơ quan y tế Mỹ hôm qua cho biết một tình nguyện viên ở Seattle là người đầu tiên ở Mỹ được nhận một liều thử nghiệm vắc-xin coronavirus như một phần của cuộc thử nghiệm lâm sàng mới.

Trong 6 tuần tới, các nhà nghiên cứu có kế hoạch triển khai với 45 người tham gia thử nghiệm, điều này sẽ kiểm tra độ an toàn của vắc-xin cũng như khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch ở những người tình nguyện. Thử nghiệm sẽ diễn ra tại Viện nghiên cứu sức khỏe Kaiser Permanente Washington (KPWHRI) ở Seattle.

Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) cho phép vắc-xin mới được theo dõi nhanh trong các thử nghiệm lâm sàng mà không cần thử nghiệm trước trên động vật, vốn thường là điều kiện tiên quyết nghiêm ngặt đối với thử nghiệm ở người. Mặc dù việc làm tắt thử nghiệm trên người có thể đưa vắc-xin ra thị trường nhanh hơn, nhưng đây vẫn chỉ là bước một.

Các loại thuốc mới phải trải qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước khi được coi là an toàn và hiệu quả để sử dụng rộng rãi. Giả sử các thử nghiệm ban đầu diễn ra tốt đẹp, thì vẫn có thể mất 12 đến 18 tháng trước khi triển khai đại trà, Giám đốc NIAID, Tiến sĩ Anthony Fauci đã khẳng định với Ủy ban Cải cách và Giám sát của Hạ viện vào ngày 12.3.

"Tìm một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2 (cách gọi dịch COVID-19 do WHO định nghĩa) là ưu tiên cấp bách của sức khỏe cộng đồng", trích lời của ông Fauci trong tuyên bố của NIAID, được công bố vào ngày 16.3. "Nghiên cứu giai đoạn 1 này, được triển khai với tốc độ kỷ lục, là một bước nghiên cứu quan trọng đầu tiên để đạt được mục tiêu đó (chế tạo ra vắc-xin)"

Việc tìm vắc-xin mới chống COVID-19 là sự hợp tác giữa các nhà khoa học của NIAID và công ty công nghệ sinh học Moderna Inc., có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts.

Trước đó, Đức tỏ ý nghi ngờ Washington theo đuổi một công ty Đức để chuyển nghiên cứu tìm kiếm vắc-xin coronavirus sang Mỹ. Các chính trị gia Đức khẳng định không có quốc gia nào được độc quyền về bất kỳ loại vắc-xin nào trong tương lai.

Các nguồn tin chính phủ Đức xác nhận với Reuters rằng, chính quyền Mỹ đang tìm cách để có thể tiếp cận với một loại vắc-xin tiềm năng đang được phát triển bởi một công ty Đức, CureVac.

Còn phát ngôn viên của Bộ Y tế Đức nhìn nhận: Chính phủ Đức rất quan tâm đến việc đảm bảo rằng vắc-xin và các hoạt chất chống lại coronavirus cũng phải được phát triển ở Đức và Châu Âu. Về vấn đề này, chính phủ đang trao đổi sâu hơn với công ty CureVac.

Tờ báo của Đức Welt am Sonntag đã đưa tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chi tiền để lôi kéo CureVac chuyển nghiên cứu sang Mỹ và chính phủ Đức đã đưa ra các đề nghị phản đối nhằm giữ CurVac ở lại.

Welt am Sonntag dẫn lời một nguồn tin chính phủ Đức cho biết ông Trump đang cố gắng và sẽ làm bất cứ điều gì để có được vắc-xin độc quyền cho Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell cho rằng: Câu chuyện này đang bị thổi phồng quá mức. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp xúc với bất kỳ công ty nào tuyên bố có thể giúp đỡ tình hình hiện giờ. Và mọi giải pháp hữu hiệu sẽ được chia sẻ với thế giới.

CureVac đã đưa ra một tuyên bố vào Chủ nhật, trong đó bác bỏ những tin đồn về việc mua bán nghiên cứu vắc-xin.

Dietmar Hopp, nhà đầu tư chính của CureVac cho biết ông không bán và muốn CureVac phát triển vắc-xin coronavirus để giúp mọi người không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.

Phát ngôn viên của Bộ thương mại Đức cho biết, Berlin có một mối quan tâm lớn trong việc sản xuất vắc-xin ở Đức và Châu Âu. Phát ngôn viên đã trích dẫn luật thương mại của Đức, trong đó Berlin có thể kiểm tra các vụ mua lại từ ngoài EU, được gọi là nước thứ ba, nếu lợi ích an ninh quốc gia hoặc châu Âu bị đe dọa.

Từ tuần trước Florian von der Muelbe, giám đốc sản xuất và đồng sáng lập của CureVac đã tiết lộ công ty đã bắt đầu với rất nhiều ứng cử viên tình nguyện thử nghiệm vắc-xin coronavirus và hiện đang chọn hai người tốt nhất để tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Công ty tư nhân có trụ sở tại Tuebingen, Đức hy vọng sẽ có một loại vắc-xin được sẵn sàng thử nghiệm vào tháng 6 hoặc tháng 7 để sau đó tìm kiếm sự cho phép thử nghiệm trên người.

CureVac còn cho biết CEO của họ Daniel Menichella hồi đầu tháng này đã gặp Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence cùng đại diện cấp cao của các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học để thảo luận về vắc-xin.

CureVac có quan hệ tốt với người Mỹ. Trong năm 2015 và 2018 họ đã nhận được sự hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển từ Quỹ Bill & Melinda Gates, để phát triển thuốc ngăn ngừa bệnh sốt rét và cúm.

Một số nhà nghiên cứu nói rằng có hai loại thuốc rất hữu hiệu để phòng chống coronavirus từng tồn tại ở Úc. Một loại là thuốc HIIV, loại còn lại là chloroquine vốn là thuốc rất hữu ích trong điều trị sốt rét. Theo giáo sư David Peterson ở trường đại học Queensland, cả hai đều có tác dụng tích cực đối với bệnh nhân COVID-19.

Tuần trước, một công ty dược phẩm sinh học ở Canada tuyên bố họ có thể có vắc-xin coronavirus, được chế tạo bằng cách sử dụng thực vật và có thể sẵn sàng phân phối tại địa phương vào tháng 11.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đốt cháy giai đoạn việc thử nghiệm vắc-xin chống COVID-19