Trung Quốc đã tăng mạnh sản lượng khẩu trang lên tới 450% trong chỉ một tháng, tạo ra tình trạng quá dư thừa thứ sản phẩm này một khi dịch COVID-19 kết thúc.

Sản xuất quá đà, Trung Quốc có nguy cơ thừa khẩu trang

17/03/2020, 06:24

Trung Quốc đã tăng mạnh sản lượng khẩu trang lên tới 450% trong chỉ một tháng, tạo ra tình trạng quá dư thừa thứ sản phẩm này một khi dịch COVID-19 kết thúc.

Công nhân Trung Quốc sản xuất khẩu trang suốt ngày đêm - Ảnh: EPA

Theo SCMP, ngày 16.3, do dịch COVID-19 đã phát tán nhanh đến toàn thế giới, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ra lệnh tăng cường sản xuất khẩu trang và phương tiện bảo hộ, đồng thời có các bước khuyến khích như trợ giá, giảm thuế; cho vay lãi suất thấp; nhanh chóng phê duyệt kế hoạch mở rộng nhà xưởng và giúp giải quyết tình trạng thiếu người lao động.

Tổng sản lượng hằng ngày đã đạt tới 110 triệu chiếc khẩu trang vào cuối tháng 2, tăng so với 20 triệu chiếc hồi đầu tháng 2, theo Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), cơ quan xây dựng chính sách kinh tế hàng đầu của chính quyền Trung Quốc.

Ở tốc độ này, Trung Quốc sẽ vượt sản lượng khẩu trang hồi năm 2019 gấp khoảng 10 lần, điều khiến ông Gao Shen, một nhà phân tích độc lập về lĩnh vực sản xuất ở Thượng Hải phải thốt lên: “Thật dễ hiểu là kiểu này sẽ dẫn đến việc quá thừa sản phẩm. Biên độ lợi nhuận từ mặt hàng này cực kỳ mỏng và nguồn cầu sẽ giảm khi đã kiềm chế được dịch”.

Ông Gao còn nói :“Trung Quốc có cơ hội xuất khẩu trọn số hàng hóa khi dịch lây lan quá nhanh khỏi nước này. Vấn đề là dịch sẽ kéo dài bao lâu trên toàn thế giới”.

Toàn quân toàn dân tham gia sản xuất chống dịch

Sự tăng sản xuất khẩu trang là kết quả một sự thay đổi chính sách công nghiệp kiểu thời chiến, với việc Bắc Kinh chỉ đạo các xí nghiệp, công ty nhà nước (SOE) đi đầu trong nỗ lực “toàn dân toàn quân sản xuất khẩu trang”, và tất cả bộ máy sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đã thực hiện.

Hồi tháng 1.2020, tập đoàn dầu khí nhà nước Sinopec đã tăng sản xuất vật liệu thô để làm khẩu trang như polypropylene và polyvinyl chloride. Họ cũng lập hai dây chuyền ở Bắc Kinh để sản xuất vải không dệt tan chảy, với kế hoạch mỗi ngày sản xuất 4 tấn vải này để sử dụng vào khâu sản xuất 1,2 triệu mặt nạ phòng độc N95 hoặc 6 triệu khẩu trang y tế/ngày.

Tập đoàn Không gian Thành Đô (nơi sản xuất dòng chiến đấu cơ J-20) cũng tái cơ cấu nhà máy để thiết kế một dây chuyền sản xuất khẩu trang, theo các báo Trung Quốc. Tờ Tứ Xuyên nhật báo viết 258 kỹ sư của tập đoàn đã trải qua 3 ngày phát triển nhanh một dây chuyền lắp ráp với hơn 1.200 linh kiện.

Theo báo SCMP, các cơ sở sản xuất khẩu trang mọc như nấm ở Trung Quốc, vì muốn “ăn theo” giá bán khẩu trang tăng rất nhanh ở Trung Quốc và khắp khu vực, vào lúc thiên hạ hoảng loạn tìm mua khẩu trang khi dịch COVID-19 càng gây tác hại nghiêm trọng.

Sản phẩm “made in China” đã kết hợp mẫu khẩu trang y tế bán đại trà với mẫu khẩu trang hoạt tính N95 kiểu Mỹ mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đeo khi ông thị sát thành phố ổ dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hôm 10.3.

Một khẩu trang y tế trước đây có giá 0,46 nhân dân tệ nhưng các tay mua đi bán lại và thương mại điện tử đã “hét” lên 5 nhân dân tệ từ tháng 1.

Công ty công nghệ cũng tham gia sản xuất khẩu trang

Theo trang tin điện tử Sina (Trung Quốc), cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn nhất này đã kéo thêm 3.000 doanh nghiệp mới ở Trung Quốc, sau khi đã có 4.000 đơn vị đã sản xuất tổng cộng 4,2 tỉ chiếc khẩu trang hồi năm 2109. Tổng số này bằng một nửa sản lượng của thế giới, theo dữ liệu chính phủ Trung Quốc.

Theo SCMP, 700 công ty công nghệ ở Trung Quốc, có cả nhà lắp ráp điện thoại iPhone Foxconn và các nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và Oppo đã bắt đầu sản xuất... khẩu trang, trong một nỗ lực tổng động viên tất cả các nguồn lực tham gia vào cuộc “chiến tranh nhân dân phòng dịch” do Bắc Kinh phát động.

Một số công ty ở Hồng Kông cũng nhảy vào cuộc đua sản xuất khẩu trang. Trong số các “gương mặt mới” tham gia sản xuất khẩu trang có BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc. BYD đã cử 3.000 kỹ sư làm việc suốt ngày đêm để lập một xí nghiệp ở Thâm Quyến vào cuối tuần qua, với tham vọng sẽ là một dây chuyền sản xuất lớn nhất thế giới và sẽ đạt sản lượng 5 triệu chiếc khẩu trang/ngày.

Hãng xe SAIC-GM-Wuling (liên doanh với General Motors của Mỹ) hồi tháng 2 cho biết năng suất của xí nghiệp ở tỉnh Quảng Tây đã đạt 1,7 triệu chiếc khẩu trang/ngày.

Nhà sản xuất Eagle Health (đăng ký thị trường chứng khoán Úc) cũng tuyên bố đã lập các dây chuyền sản xuất ở xí nghiệp của công ty tại Hạ Môn (miền Nam Trung Quốc) để sản xuất 300 triệu chiếc khẩu trang/năm. Công ty này nói đã nhận nhiều đơn đặt hàng của Trung Quốc, với đơn đầu tiên là 3,2 triệu chiếc khẩu trang y tế cho Tập đoàn Quản lý Bệnh viện Di Lăng. Eagle Health cũng đã nhận các đơn đặt hàng nhỏ hơn từ các cơ quan chính quyền Trung Quốc và kỳ vọng sẽ nhận thêm nhiều đơn đặt hàng từ các nước khác nữa.

Lãnh đạo công ty này cũng còn nói sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn ở Trung Quốc, nhưng cũng ý thức sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn khẩu trang cấp toàn cầu: “Quyết định sản xuất khẩu trang nhiều hơn vì nguồn cầu tăng. Đấy là các vận may của chúng tôi. Nguồn cầu khẩu trang chất lượng cao của thế giới sẽ rất đáng kể. Hãy tưởng tượng khi mở cửa trường học. Tình hình này rồi sẽ lên đỉnh”.

Mỹ Trinh (theo SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất quá đà, Trung Quốc có nguy cơ thừa khẩu trang