Tạp chí Foreign Policy vừa đăng bài "Mỹ cần chiến lược mới để Ả Rập Saudi và Iran dừng hỗ trợ Nga". Bài viết nhấn mạnh vào những sai lầm trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời gian qua.

Mỹ đã mắc sai lầm gì mà để cả Ả Rập Saudi và Iran cùng chung sức hỗ trợ Nga?

Tá Nhu (lược dịch) | 26/10/2022, 16:14

Tạp chí Foreign Policy vừa đăng bài "Mỹ cần chiến lược mới để Ả Rập Saudi và Iran dừng hỗ trợ Nga". Bài viết nhấn mạnh vào những sai lầm trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời gian qua.

ngamy.jpg
Quan hệ Nga - Mỹ chi phối thế giới

Khi đà tấn công của Nga đối với Ukraine ngày càng gia tăng, hai cường quốc Trung Đông thường ở thế kình địch nhau trong hầu hết các cuộc xung đột lại cùng đang hỗ trợ Moscow. Iran bị phương Tây cáo buộc là đang hỗ trợ vũ khí, cụ thể là máy bay không người lái cảm tử và có thể cả tên lửa, cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Ả Rập Saudi đang vũ khí hóa sản xuất dầu của mình theo cách giúp có lợi cho xuất khẩu dầu của Moscow và gây ra nỗi đau lớn hơn cho các nước phương Tây trước một mùa đông lạnh giá. Riyadh (đối tác lâu đời của phương Tây) và Tehran (đối thủ lâu đời của phương Tây) đều được thúc đẩy phần lớn bởi một yếu tố: nước Mỹ.

Cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến Ukraine đã tạo ra một động lực lớn cho tình trạng địa chính trị của Ả Rập Saudi. Và Riyadh đang chơi những nước đi rất có lực. Trong tháng này, Riyadh đã tăng gấp bội sức nặng cho chiến lược này bằng cách thúc đẩy OPEC + (bao gồm các thành viên OPEC cộng với các nhà sản xuất khác không phải là thành viên, chẳng hạn như Nga) cắt giảm sản lượng tập thể lên tới 2 triệu thùng mỗi ngày (thay vì 1 triệu thùng mỗi ngày như kỳ vọng của Nga).

Điều này xảy ra vào thời điểm Mỹ và châu Âu đang kêu gọi tăng sản lượng để hạ giá theo cách vừa làm cạn túi tiền của Nga, vừa giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ở phương Tây. Các lệnh trừng phạt được thiết kế để buộc Nga phải bán dầu của mình, bao gồm cả cho Ả Rập Saudi, với giá thấp hơn thị trường. Đó là do mức giá cao hơn cơ bản là cách chính để Moscow vẫn kiếm được lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng của mình và duy trì các nỗ lực chiến tranh tốn kém. Ngân sách sơ bộ năm 2023 của Riyadh, bao gồm thặng dư tương đối khoảng 2,4 tỉ USD, được tính toán bằng dựa trên bán dầu với mức giá 76 USD / thùng và điều này phủ nhận sự cấp thiết phải can thiệp để duy trì mức giá khoảng 90 USD / thùng như hồi đầu tháng 10..

Về phía Iran, họ liên tục tuyên bố rằng mình là một bên trung lập và không chuyển vũ khí vào Ukraine, nhưng rõ ràng cuộc xung đột đã trở thành một sân khấu mới, nơi Tehran cảm thấy rằng họ có thể củng cố mối quan hệ với Nga để làm suy yếu Mỹ. Các quan chức Ukraine khẳng định rằng một lượng lớn máy bay không người lái do Iran sản xuất đã được Nga triển khai ở Ukraine với hiệu quả sát thương cao. Cũng có báo cáo của Mỹ về các chuyên gia hướng dẫn quân sự Iran ở Crimea và Tehran đã đồng ý giao cho Nga tên lửa đất đối đất do Iran sản xuất để sử dụng ở Ukraine.

Có một số yếu tố đang thúc đẩy Riyadh và Tehran, nhưng động lực lớn nhất là tăng cường sức mạnh của chính họ chống lại Mỹ trong một trật tự thế giới ngày càng đa cực. Sau nhiều thập kỷ bị đè nén và sai khiến bởi các cường quốc phương Tây, các quốc gia trong khu vực như Iran và Ả Rập Saudi đang báo hiệu cho những người khổng lồ toàn cầu rằng mối quan hệ của họ hiện là con đường hai chiều và đang ngày càng tìm cách củng cố mối quan hệ với các nước không phải phương Tây để khẳng định quyền hoạt động tự do của họ.

Trong bối cảnh đó, việc Ả Rập Saudi từ chối hợp tác về chính sách dầu mỏ với Mỹ hoàn toàn không phải là vì đứng về phía Nga. Không giống như Iran, Ả Rập Saudi đã bỏ phiếu chống lại Nga trong tất cả các nghị quyết quan trọng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan đến Ukraine, viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine (nhưng con số này ít hơn nhiều số tiền mà Nga thu được nhờ Ả Rập Saudi ủng hộ trên thị trường dầu mỏ) và ủng hộ một thỏa thuận thả các công dân phương Tây bị Nga bắt giữ khi chiến đấu bên cạnh Ukraine (nhưng đó có thể là món quà mà Nga dành cho Thái tử Ả Rập Saudi). Các động thái gần đây của Ả Rập Saudi thiên về việc không đứng về phía Washington, quốc gia mà họ cảm thấy không còn là một đối tác đáng tin cậy.

Tiền đề cơ bản của mối quan hệ đối tác Mỹ-Ả Rập Saudi kéo dài hàng thập niên - dầu mỏ để đổi lấy an ninh - đã bị chính quyền Obama và Trump làm suy yếu rõ ràng. Cựu Tổng thống Barack Obama đã ký một hiệp ước hạt nhân với Iran và cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2019 đã bóng gió về việc các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ả Rập Saudi bị tấn công bởi tên lửa và máy bay không người lái do các lực lượng do Iran hậu thuẫn phóng. Nếu không cần thiết phải chống lại Nga trong thị trường năng lượng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có lẽ sẽ tiếp tục tẩy chay Mohammed bin Salman trong nhiều năm.

Các nhà hoạch định chính sách của Ả Rập Saudi hiện đang gửi những thông điệp rõ ràng tới chính phủ Mỹ: Riyadh đang ở trong tâm thế ưu tiên lợi ích quốc gia của chính họ; khu vực Trung Đông trở nên đa cực và Ả Rập Saudi cảm thấy có quyền cất tiếng nói lớn hơn để phục vụ lợi ích an ninh chiến lược của họ trong khu vực.

Trong khi đó, Iran đang đa dạng hóa các lựa chọn để hoạt động như thỏ khôn nhiều hang khi mối quan hệ với phương Tây ngày càng xấu đi và triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có vẻ ngày càng mỏng manh. Nếu các cuộc đàm phán hạt nhân sụp đổ, Tehran sẽ chịu thêm áp lực chính trị, kinh tế và quân sự từ phương Tây (và nhất là từ Israel). Iran đang tăng gấp đôi quan hệ đối tác quân sự với Nga, thúc đẩy quan hệ kinh tế lớn hơn với Trung Quốc và làm sâu sắc hơn ngoại giao với Vịnh Ba Tư cũng như các nước láng giềng châu Á. Bằng cách xây dựng các mối quan hệ này, Tehran nhằm phá thế mà phương Tây có thể dùng để cô lập nước này giống như cách mà chính quyền Obama đã làm thông qua các lệnh trừng phạt và kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng lòng chống lại chương trình hạt nhân của Iran.

Tehran cũng đang tìm mọi cách để làm suy yếu khả năng cô lập và đối đầu của Mỹ với Iran. Một cách mà họ đã tìm cách đạt được điều này là thông qua việc tăng cường mối quan hệ an ninh sâu sắc hơn với Nga - cụ thể là sau khi Moscow quyết định tham gia quân sự ở Syria giữa lúc Iran kêu gọi sự giúp đỡ từ Nga vào năm 2015 để cứu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Bây giờ, trong thời điểm Nga cần giúp đỡ, thật khó có thể tưởng tượng Iran lại từ chối các yêu cầu từ Moscow về loại vũ khí mang lại cho Tehran những ưu đãi tài chính và ảnh hưởng địa chính trị trên trường thế giới. Đó cũng là cơ hội để Iran thử nghiệm khả năng vũ khí bản địa bất chấp các lệnh trừng phạt kéo dài hàng thập niên, đồng thời đóng vai trò như một lời cảnh báo đối với kẻ thù trong khu vực của mình rằng Tehran có những vũ khí cây nhà lá vườn rất đáng gờm.

Rõ ràng là cả Iran và Ả Rập Saudi đều đang sử dụng cuộc xung đột Ukraine để làm suy yếu các lợi ích của phương Tây. Điều ít rõ ràng hơn là làm thế nào phương Tây có thể thay đổi vị trí của mình một cách hiệu quả nhất.

Kỳ tới: Ả Rập Saudi và Iran yểm trợ Nga vì họ đã chán ngấy "trật tự thế giới cũ" của Mỹ

Bài liên quan
Ả Rập Saudi và Iran yểm trợ Nga vì họ đã chán ngấy "trật tự thế giới cũ" của Mỹ
Trong phần sau của bài "Mỹ cần chiến lược mới để Ả Rập Saudi và Iran dừng hỗ trợ Nga" đăng trên Tạp chí Foreign Policy, nội dung cho thấy Ả Rập Saudi và Iran đã chán ngấy "trật tự thế giới cũ" của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đã mắc sai lầm gì mà để cả Ả Rập Saudi và Iran cùng chung sức hỗ trợ Nga?