Hôm 25.3, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt hai tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát sau cuộc đảo chính ngày 1.2 của các tướng lĩnh và đàn áp chết nhiều người biểu tình.

Mỹ, Anh lần đầu đánh vào hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar, Indonesia và Singapore cùng lên tiếng

Nhân Hoàng | 25/03/2021, 20:00

Hôm 25.3, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt hai tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát sau cuộc đảo chính ngày 1.2 của các tướng lĩnh và đàn áp chết nhiều người biểu tình.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Myanmar Economic Holdings Public Company Ltd (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC), theo một thông báo đăng trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ. MEHL và MEC là hai tập đoàn quân sự kiểm soát nền kinh tế Myanmar với các lợi ích khác nhau.

Động thái của chính quyền Biden đóng băng bất kỳ tài sản nào do MEHL và MEC nắm giữ liên quan đến Mỹ. Đây là hành động mới nhất sau một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngân hàng trung ương Myanmar cũng như các tướng lĩnh hàng đầu.

Biện pháp này là hành động đầu tiên đánh vào hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar, lực lượng kiểm soát toàn bộ nền kinh tế Myanmar với các lĩnh vực khác nhau, từ bia, thuốc lá, viễn thông, lốp xe, khai thác mỏ và bất động sản.

Đồng minh của Mỹ là Anh cũng áp lệnh trừng phạt với hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar.

Bộ Ngoại giao Anh thông báo nước này sẽ nhắm vào MEHL vì vi phạm nhân quyền với người thiểu số Rohingya và quan hệ cùng các quan chức cấp cao trong quân đội Myanmar.

Các lệnh trừng phạt hôm nay nhắm vào lợi ích tài chính của quân đội Myanmar, cắt nguồn cung tiền giúp họ thực hiện các chiến dịch đàn áp dân thường”, Ngoại trưởng Anh - Dominic Raab tuyên bố.

Đại diện của MEHL và MEC chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

my-anh-lan-dau-danh-vao-hoat-dong-kinh-doanh-cua-quan-doi-myanmar.jpg
Pháo nổ khi người biểu tình nấp sau hàng rào trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở thành phố Mandalay, Myanmar

Hôm 22.3, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với các cá nhân liên quan đến cuộc đảo chính và đàn áp người biểu tình ở Myanmar.

Các lệnh trừng phạt của EU là phản ứng quan trọng nhất của khối này kể từ khi chính phủ được bầu của bà Suu Kyi bị lật đổ vào ngày 1.2. Trong 11 người mà EU nhắm mục tiêu có Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar và người đứng đầu quân đội đã nắm quyền.

Ngày 11.2, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt với Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing cùng một số tướng lĩnh quân đội khác vì cuộc đảo chính.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào những quan chức quân sự hàng đầu Myanmar. Trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng ký một sắc lệnh hành pháp cho phép Bộ Tài chính nhắm vào cả con cái hoặc vợ/chồng của những người bị trừng phạt.

"Bộ Tài chính xác định 10 quan chức quân sự, cả tại vị lẫn đã về hưu, chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính ngày 1.2 hoặc có liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar", Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố.

Trong danh sách trừng phạt Mỹ đưa ra có tên Min Aung Hlaing, cấp phó của ông là Soe Win cùng 4 thành viên khác thuộc Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar.

Động thái trên sẽ ngăn các tướng lĩnh Myanmar tiếp cận hơn 1 tỉ USD trong các quỹ của chính phủ nước này tại Mỹ. Cụ thể hơn, chính quyền Biden chặn quân đội Myanmar chuyển 1 tỉ USD khỏi tài khoản Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York).

Các biện pháp trừng phạt cũng tác động tới Tập đoàn Myanmar Ruby và Myanmar Imperial Jade, các doanh nghiệp do chính quyền kiểm soát.

Hôm 4.3, Bộ Thương mại Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt khác với quân đội Myanmar, đưa thêm Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Myanmar cùng hai tập đoàn MEHL và MEC vào danh sách đen.

Ngày 10.3, Mỹ áp đặt thêm trừng phạt với hai người con của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing cùng 6 công ty mà họ kiểm soát.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã đưa Aung Pyae Sone và Khin Thiri Thet Mon, hai con lớn của Min Aung Hlaing, vào danh sách đen.

Indonesia và Singapore kêu gọi quân đội Myanmar ngừng dùng vũ lực

Hôm 25.3, Ngoại trưởng Indonesia và Singapore một lần nữa kêu gọi quân đội Myanmar ngừng sử dụng vũ lực để ngăn chặn thêm thương vong ở nước này.

Sau cuộc gặp tại Thủ đô Jakarta (Indonesia) với người đồng cấp, Ngoại trưởng Singapore - Vivian Balakrishnan cho biết cả hai nước đều rất quan tâm đến tình hình ở Myanmar, bao gồm thiệt hại về nhân mạng và việc quân đội sử dụng vũ khí sát thương.

Ông Vivian Balakrishnan cho biết: “Cả hai chúng tôi đều tin rằng hòa giải dân tộc cần phải xảy ra và chỉ có thể xảy ra nếu cả hai bên thực sự ngồi lại với thiện chí, đàm phán và tìm ra một giải pháp có lợi cho Myanmar về lâu dài”. Ngoại trưởng Singapore nói thêm rằng "không nên có sự can thiệp của nước ngoài vào việc giải quyết tình hình Myanmar".

Ngoại trưởng Indonesia - Retno Marsudi cho biết cả hai nước "kêu gọi Myanmar bắt đầu đối thoại để đưa dân chủ, hòa bình và ổn định trở lại đúng hướng" và ủng hộ sáng kiến ​​tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong tương lai gần để thảo luận về vấn đề này.

Điều tra viên LHQ kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp khi tình hình Myanmar xấu đi

Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền ở Myanmar, kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Myanmar, nói rằng phản ứng ngoại giao với cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước và cuộc đàn áp với những người bất đồng chính kiến ​​là "vượt quá quy mô của cuộc khủng hoảng".

Ông Thomas Andrews nói: “Tình hình ở Myanmar đang xấu đi, nhưng có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu không có một phản ứng quốc tế ngay lập tức, mạnh mẽ để hỗ trợ những người đang bị bao vây".

Theo Reuters, hàng ngàn nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tiếp tục xuống đường hôm 25.3. Các cuộc biểu tình trên đường phố đã được tổ chức ở thành phố Yangon, Monywa và một số thị trấn khác.

Cảnh sát đã phá vỡ một cuộc biểu tình trên đường ở thành phố Mawlamyine và bắt giữ 20 người, Hinthar Media Corp cho biết. Ít nhất hai người bị thương nhưng không có báo cáo khác ngay lập tức về thương vong ở những nơi khác.

Theo Myanmar Now, một số nhân viên của chuỗi cửa hàng như City Mart đã bị bắt giữ vì tham gia phong trào bất tuân dân sự.

Tờ Global New Light of Myanmar đưa tin lực lượng an ninh đã bắt giữ 14 thanh niên đang tiến đến các khu vực do các nhóm vũ trang dân tộc kiểm soát.

Trước đó, Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hợp Quốc lời nhắc nhở rằng Myanmar có những vấn đề cơ bản bắt đầu từ trước cuộc đảo chính ngày 1.2 khiến người dân của họ gặp rủi ro:

"Myanmar là 1 trong 30 quốc gia có gánh nặng về bệnh lao cao trên thế giới, với khoảng 150.000 người vẫn phát triển căn bệnh này mỗi năm. Bệnh lao đặc biệt ảnh hưởng đến người nghèo thành thị và dân số di cư", Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên Hợp Quốc viết.

Ngày Thế giới Phòng chống Lao đã được tổ chức hôm qua (24.3).

Bài liên quan
Quân đội Myanmar đổ lỗi cho người biểu tình khi bị EU và Mỹ trừng phạt, nói ‘đau buồn' vì nhiều cái chết
Quân đội Myanmar cáo buộc những người biểu tình chống chính quyền, đốt phá và gây bạo lực khi các nước phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với các cá nhân và nhóm có liên quan đến cuộc đảo chính cùng cuộc đàn áp với những người bất đồng chính kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ, Anh lần đầu đánh vào hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar, Indonesia và Singapore cùng lên tiếng