Những túi mứt tết đủ màu sắc, hương vị được bày rất bắt mắt tại các sạp hàng chợ đầu mối Đồng Xuân và phố Hàng Buồm (Hà Nội). Những túi mứt tết này là đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Thay tên đổi họ cho mứt
Các tiểu thương ở đây tự gán nhãn cho sản phẩm của mình những cái tên danh giá: Mứt tết gia truyền Hà Nội, mứt Thái Lan... mà thực chất đều là hàng Trung Quốc độc hại, có thể gây tử vong bất cứ lúc nào.
Chợ Đồng Xuân và phố Hàng Buồm là một trong những đầu mối kinh doanh mặt hàng bánh, mứt, kẹo lớn nhất Hà Nội. Đây cũng là trung tâm bán buôn, bán lẻ, chuyên cung cấp hàng cho các tỉnh lân cận mỗi độ tết về.
Trong vai một người khách ở tỉnh xa muốn tìm kiếm hàng mứt Tết để bán, phóng viên được tiểu thương tại chợ Đồng Xuân giới thiệu cho rất nhiều loại mứt khác nhau: mứt bí, mứt cà rốt, mứt khoai, mứt gừng, mứt mận, mứt đào... với giá bán buôn dao động từ 40.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/kg.
"Em nếm thử mỗi loại một ít rồi quyết định. Ở đây chị có rất nhiều loại khác nhau, đều là mứt gia truyền Hà Nội, đảm bảo hàng ngon, chất lượng" - bà chủ tên H. chào mời.
Rất nhiều loại mứt tết không rõ nguồn gốc được bày bán tại chợ Đồng Xuân
(Ảnh Duyên Duyên)
Theo lời giới thiệu của bà H., các loại mứt mà bà bán đều được làm thủ công, nguyên liệu sạch, được tuyển chọn vô cùng kỹ lưỡng.
"Chẳng hạn như mứt bí là phải chọn quả già, đanh, phải ngâm qua nước vôi trong rồi phơi đến cả tháng trời. Đường cũng đảm bảo là đường sạch chứ không phải mấy loại đường hóa học. Mứt gia truyền nên đảm bảo không ở đâu sánh bằng" - bà H. cho biết.
Tuy nhiên khi được hỏi địa chỉ nơi sản xuất mứt gia truyền thì bà H. lúng túng giải thích: "Nhà chị buôn lớn, lấy hàng ở nhiều xưởng khác nhau, làm sao mà kể hết cho em biết được. Em chỉ cần yên tâm là xưởng nào cũng có giấy chứng nhận vệ sinh đàng hoàng. Còn chị bán ở đây cả chục năm rồi, ai mà chẳng biết"
Theo quan sát, các loại mứt đủ màu tại gian hàng của bà H. vừa được đựng trong từng chiếc túi bóng to khoảng 10 kg, màu trắng, vừa được đóng sẵn thành từng gói nhỏ khoảng 400-500 g, có ghi dòng chữ: Chúc mừng năm mới, ngoài ra không có thêm bất kỳ thông tin về nơi sản xuất hay hạn sử dụng.
Qua một gian hàng bán bánh mứt kẹo khác tại chợ Đồng Xuân, phóng viên tiếp tục được chào đón nhiệt tình. Bà chủ quán tên N. nom còn khá trẻ, vừa giới thiệu không ngớt miệng, vừa lôi ra một đống nhãn mác khác nhau. Nào là: Mứt bí gia truyền Hà Nội, Mứt Thái Lan chúc mừng năm mới... Nhãn mác thì bắt mắt, nhưng hạn sử dụng chỉ ghi rất chung chung: sử dụng trong vòng 5 tháng.
"Em thích nhãn mác nào chị cũng có hết. Em cứ đóng vài chục cân vào, rồi chị cho mác về nhà tự cân, tự đóng lấy. Thích hàng nội, hàng ngoại đều được tất" - bà chủ N. hướng dẫn.
Cầm một gói mứt bí có màu hồng trên tay, phóng viên quay sang hỏi bà chủ về nguồn gốc thật sự và độ an toàn thì được cho biết: "Mấy năm trước bọn chị còn nhập được hàng Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội), nhưng năm nay khó khăn quá, bên đó người ta bỏ nghề gần hết rồi, những xưởng còn làm thì giá lại cao, buôn không có lãi nên phải nhập hàng Trung Quốc.
Được cái hàng này mẫu mã đẹp, nhiều màu sắc nên đổ buôn cho các tỉnh được lắm. Tết nhất nên ai cũng thích màu mè. Còn vệ sinh thực phẩm thì em cũng không cần lo. Nói thật là ngày nào ngồi đây bán chị cũng nhấm nháp một tí mà có bị đau bụng hay làm sao đâu" - bà N. chia sẻ.
Nguy cơ ung thư, tử vong cao
Trao đổi với Một Thế Giới, một chuyên gia y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, đối với các loại mứt tết không có hạn sử dụng đã vô cùng nguy hiểm, chứ chưa cần xét đến nguồn gốc xuất xứ ở đâu.
Các loại mứt không rõ hạn sử dụng, nguồn gốc có thể gây tử vong cho người sử dụng
(Ảnh minh họa)
"Đôi khi sản phẩm có hạn sử dụng còn chưa chắc tin được chứ đừng nói là không có hạn. Báo chí vẫn đưa tin rất nhiều, chuyện tiểu thương vì ham lợi nhuận mà thay hạn sử dụng, sửa hạn sử dụng. Cho nên người tiêu dùng cần phải tỉnh táo và thông minh, khi mua bất kỳ sản phẩm nào cũng cần kết hợp xem kỹ hạn sử dụng, nơi sản xuất và đánh giá sản phẩm bằng mọi giác quan.
Riêng các loại mứt tết bày bán trên thị trường hiện nay, dù không dám nói hàng Trung Quốc tràn ngập, nhưng tôi có thể khẳng định là chắc chắn có rất nhiều hàng Trung Quốc trôi nổi. Các loại mứt Trung Quốc nhìn bằng mắt thường rất đẹp, màu sắc tươi sáng, bắt mắt, có độ giòn. Còn mứt nội địa, chẳng hạn như mứt bí thường không có màu sáng trắng, lớp đường mỏng và bản không to.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mứt nội địa an toàn. Ngày nay khoa học phát triển, rất nhiều loại hóa chất được nhập về, đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà sản xuất, cho nên an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Trước đây, chúng ta đã từng phát hiện ra việc người ta sử dụng hàn the, chất tẩy trắng, các loại hóa chất hương vị để tẩm ướp vào mứt, vào thực phẩm. Công dụng của các loại hóa chất này là giúp cho thực phẩm giòn, dai, có màu sắc đẹp.
Ví dụ như khi làm mứt dừa, cho một ít hàn the vào thì sợi dừa sẽ dai, không bị đứt gãy, cho vào mứt bí thì sẽ có độ giòn. Tương tự, đối với các loại khác như mứt khoai, người ta hay ngâm vào nước có hòa chất tẩy trắng, vì khoai có nhiều nhựa, ngâm vào đó sẽ tẩy hết nhựa, khiến cho khoai có màu đẹp hơn. Cho nên khi mua mứt, người tiêu dùng nên lựa chọn những thương hiệu có uy tín, độ tin cậy cao.
Trên thị trường còn có rất nhiều loại mứt màu sắc xanh đỏ tím vàng và cũng cần đặc biệt lưu ý. Tôi không dám nói là toàn bộ đều là phẩm màu hóa học, nhưng để loại bỏ nguy cơ gây mất an toàn, tốt nhất là không nên sử dụng các loại mứt nói riêng và các loại thực phẩm nói chung có màu sắc không nguyên gốc. Chẳng hạn như bí có màu trắng thì chỉ nên mua loại mứt bí trắng, các loại mứt bí màu xanh, màu hồng thì không nên sử dụng" - chuyên gia y tế cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi sử dụng các loại mứt Tết không đảm bảo sẽ đưa đến nhiều hậu quả khó lường. "Nhẹ nhất là đau bụng đi ngoài. Nặng hơn là ói mửa, tím tái, phải cấp cứu. Và nguy hiểm hơn nữa là khi sử dụng phải các loại mứt có chất phụ gia độc hại sẽ làm suy tim, suy thận, suy gan... gây ung thư và tử vong bất cứ lúc nào".
Duyên Duyên