Toàn quyền Paul Doumer, người đã thiết lập một hệ thống hạ tầng cơ sở theo mô hình đô thị Tây phương cho mảnh đất Kẻ Chợ, có để lại một cuốn hồi ký về xứ Đông Dương, trong đó, ông ta so sánh việc người An Nam “không ưa gì mùi của chúng ta cũng như chúng ta không thích hơi thở của họ”. Doumer còn nói, người An Nam bảo trâu hay húc Tây là vì mùi như xác chết. Thế còn mùi người An Nam thì sao?

Mùi hương hóa thạch ​

15/09/2019, 08:08

Toàn quyền Paul Doumer, người đã thiết lập một hệ thống hạ tầng cơ sở theo mô hình đô thị Tây phương cho mảnh đất Kẻ Chợ, có để lại một cuốn hồi ký về xứ Đông Dương, trong đó, ông ta so sánh việc người An Nam “không ưa gì mùi của chúng ta cũng như chúng ta không thích hơi thở của họ”. Doumer còn nói, người An Nam bảo trâu hay húc Tây là vì mùi như xác chết. Thế còn mùi người An Nam thì sao?

Người ta vẫn hay gắn mốc cải biến toàn diện Đông Dương và nhất là đô thị Hà Nội với viên Toàn quyền Paul Doumer, người đã thiết lập một hệ thống hạ tầng cơ sở theo mô hình đô thị Tây phương cho mảnh đất Kẻ Chợ. Ông ta để lại một cuốn hồi ký về xứ Đông Dương, dĩ nhiên kể đầy tự hào về thành tích khai hóa.

Trong đó, ngoài những chuyện đại sự như mở trường Y, lập bệnh viện hay xây cầu bắc qua sông Hồng thì Paul Doumer cũng không quên ghi lại những chi tiết lặt vặt. Chẳng hạn như ông ta so sánh việc người An Nam “không ưa gì mùi của chúng ta cũng như chúng ta không thích hơi thở của họ”.

    Bách hóa Grands Chaffanjon phố Tràng Tiền thập niên 1950

    Doumer còn nói, người An Nam bảo trâu hay húc Tây là vì mùi như xác chết. Thế còn mùi người An Nam thì sao? Kho từ vựng người Việt sẵn có một pho các tính từ phản ánh khức giác nhạy bén. Thơm dìu dịu, thoang thoảng, ngan ngát, ngào ngạt, nồng nàn, phưng phức, nức, hăng hắc, nồng nặc, điếc mũi… (và ngược lại, tính từ chỉ mùi thối còn nhiều nữa).

    Câu ca dao nổi tiếng “quảng cáo” phẩm chất người Hà Nội hay được viện dẫn chính là:

    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

    Nhưng rõ ràng trong câu ví von mùi thơm này, rất khó suy ra rằng nói về mùi cơ thể. Điều này không lạ, bởi khái niệm mùi cơ thể rất mờ nhạt trong vốn văn học dân gian. Ca dao về thân thể phụ nữ chỉ nói đến “Cổ tay em trắng như ngà” hay “Miệng cười như thể hoa ngâu”. Bài thơ Bánh trôi nước được coi như lời tự bạch về thân phận phụ nữ của Hồ Xuân Hương là “thân em vừa trắng lại vừa tròn”.

    Định nghĩa về nhan sắc Việt dường như không có tiêu chí mùi hương. Thậm chí liệt kê cả “mười thương” thì không có “thương” nào dành cho mùi hương thân thể. Pho “từ điển văn chương” của người Việt, Truyện Kiều, chỉ có vài lần ám chỉ mùi hương thân thể nhưng cũng ở dạng gián tiếp: Hương còn thơm nức người đà vắng tanh.

    Với độc giả hiện đại, “thơm nức” gây liên tưởng đến một loại hoa hay quả chín đến độ ăn được như quả thị mà cô Tấm bước ra vậy. Học sinh nào cũng biết Nguyễn Du hay ví nữ nhân vật chính với đóa trà mi (“con ong đã tỏ đường đi lối về”).

    Giai thoại kể rằng trong cuộc thi vịnh Kiều năm 1905, chánh chủ khảo Nguyễn Khuyến có có lời phê hơi nghiệt cho giải nhất của Chu Mạnh Trinh - cả hai đều là tác gia văn học trong sách giáo khoa! Sau đó thủ khoa tặng chủ khảo một chậu hoa trà, loại hoa hữu sắc vô hương ngụ ý xỏ cụ mắt kém không biết nhìn ra người tài.

    Nguyễn Khuyến đáp lễ bằng một bài thơ chữ Hán, hai câu cuối dịch ra là “Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi. Đếch thấy mùi thơm một tiếng khà”. Tóm lại chỉ loanh quanh là cái cớ các thi nhân thử thâm ý của nhau, chứ học trò ngày nay cũng không luận ra được Kiều thơm như hoa gì? Rõ ràng việc ví với hoa trà đã thất bại!

    Mỹ nhân các vương triều Việt không để lại một câu chuyện đáng kể như Dương Quý Phi đời Đường bên Trung Quốc phải tẩm hoa và tắm bằng dầu thơm để át mùi hôi nách. Cách làm thơm thân thể mang tính truyền thống nhất của người Việt chính là tắm nước mùi già vào ngày giáp Tết. Việc người Việt Nam dùng một thứ hương mộc mạc như mùi hoa nhài để ví với sự thanh lịch cũng gián tiếp phản ánh quan niệm đơn giản về mùi thơm, nếu như so với việc người Pháp làm ra nước hoa.

    Quảng cáo nước hoa bán tại Grands Chaffanjon, Hà thành ngọ báo 30.12.1934

    Nước Pháp dù không phải nơi phát minh ra nước hoa nhưng từ lâu người ta đã mặc nhiên nói đến “nước hoa Pháp” như nói đến “phở Việt Nam”.

    Món “quốc hồn” này gắn với vị hoàng đế biến nước Pháp thành một siêu cường châu Âu, “vua Mặt Trời” Louis XIV. Nước hoa được đề cao vì lý do rất con người: Mặc dù là trung tâm của thế giới, nhưng cung điện Versailles nơi đặt triều đình của “vua Mặt Trời” đến tận 144 năm sau khi xây dựng mới có cái toilet đầu tiên.

    300 phòng khách của lâu đài khổng lồ này khi đó đồng nghĩa với 300 cái bô, được hàng ngàn người hầu chăm sóc và được mang đi tẩu tán ở các cánh rừng quanh lâu đài. Tình cảnh này xét ra người Việt có phần đồng dạng với câu “thứ nhất quận công”.

    Việc người Việt Nam dùng một thứ hương mộc mạc như mùi hoa nhài để ví với sự thanh lịch cũng gián tiếp phản ánh quan niệm đơn giản về mùi thơm, nếu như so với việc người Pháp làm ra nước hoa.

    Quận công Philippe d’Orléans, em trai đức vua, ngó sang người tình đồng giới của mình, Philippe de Lorraine, “Ngươi lại mua cái bô mới giá bằng mười bộ quần áo. Anh trai ta thì đang thiếu tiền mở rộng cung điện”. Người tình Philippe vùng vằng, “Nhưng cái bô này có nắp đậy khảm ngọc tông xuyệc tông mấy bộ áo của thiếp!”.

    Hãy thử tưởng tượng hàng ngàn con người sống trong một không gian tù hãm, thì việc cần một thần dược khử mùi quan trọng nhường nào. Vì thế ta không nên ngạc nhiên khi tên gọi một dòng nước hoa chính là “Eau de toilette”, dịch nôm na tiếng ta là “nước vệ sinh”. Đến bây giờ, nước Pháp có lẽ không còn là trung tâm thế giới nhưng chắc vẫn vớt vát được bằng tư cách đế quốc nước hoa.

    Quảng cáo nước hoa Forvil bán tại cửa hiệu 59 Hàng Gai, Hà thành ngọ báo 18.12.1935

    Khi Pháp xâm lược Đông Dương với ý muốn phân biệt mình là đế quốc văn hóa với các đế quốc thương mại hay kỹ nghệ lạnh lẽo, nên ngoài Nhà hát Lớn thì món xa xỉ phẩm như nước hoa cũng chiếm một vị trí làm đại diện “văn minh”.

    Người Việt bắt đầu du nhập mùi hương nhục cảm vào vốn văn hóa tình tự của họ. Các thi sĩ Thơ Mới thấy ở nàng thơ có thêm một điểm quyến rũ ngoài khuôn mặt hay dáng vẻ. Hoa trà mi “ngậm gương nửa vành” của Nguyễn Du giờ được bổ sung thêm một thứ “hoa ác” bí hiểm của các thi sĩ thơ tượng trưng Pháp như Baudelaire, Verlaine, những tên tuổi ảnh hưởng đến Thơ Mới.

    Từ “Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng” (Huy Cận) đến “Hoa vừa đưa hương gây đê mê” (Bích Khê), các nàng thơ được định vị bằng mùi hương - cho dù được tạo ra từ một vật chất cụ thể như lọ nước hoa chẳng hạn: “Ai đem phân chất một mùi hương” (Xuân Diệu).

    Nhưng nhà thơ được mệnh danh “chân quê” nhất mới là người gọi thẳng thứ vật chất cụ thể ấy ra - Nguyễn Bính. Hơn thế, chàng nói đến mùi nước hoa trong một cơn ghen:

    Tôi muốn mùi nước hoa

    Mà cô thường xức chẳng bay xa

    Chẳng làm ngây ngất người qua lại,

    Dẫu chỉ qua đường, khách lại qua.

    Mùi nước hoa khiến Nguyễn Bính ngây ngất đã được quảng cáo tới tấp trên báo, thậm chí là mặt hàng chủ lực của những đại bách hóa như Grand Magasins hay các cửa hiệu mấy phố Hàng Đào, Hàng Bạc. “Nước hoa, phấn và kem Forvil là những khí giới người đàn bà nhất thiết phải dùng trong khi đi xâm chiếm lòng yêu. Câu nói đó bây giờ đã thấy ở cửa miệng các nữ lưu tân thời Việt Nam” (Hà thành ngọ báo, 18.12.1935).

    Bìa tờ nhạc bài hát Ghen của Trọng Khương phổ thơ Nguyễn Bính, Nxb. An Phú, 1953

    Từ khi không cần nước hoa người con gái vẫn đủ “mười thương”, đến giờ miệng lưỡi các nhà buôn khiến phụ nữ tân thời cảm thấy mình thua đến nơi nếu không cầm chắc trong tay thứ vũ khí mới này.

    Nước hoa đã tỏ ra có hiệu lực như một tấm giấy thông hành vô hình bước vào thế giới hoa lệ mà người Pháp đã gieo cấy ở những salon chật hẹp Hà Nội thời ấy. Paul Doumer hẳn không ngờ rằng câu nhận xét đầy “thực dân tính” của mình sẽ được hiện thực hóa chỉ sau ba thập niên.

    Đương nhiên, cái gì cũng lấy thời điểm khi người Pháp đến, một mốc quy chiếu có phần dễ dãi, thì có lẽ không thỏa đáng lắm. Nhưng sự thật là như trong một tùy bút có tên “Khúc ngâm trong đất Hà”, Vũ Bằng đã cười cợt sự mục ruỗng của một đô thị tạm chiếm năm 1949 cố phô ra sự hào nhoáng của các cửa hiệu ở các phố “Bôn-Be, Tràng Tiền, Hàng Đào, Bờ Hồ, Phố Nhi, bao nhiêu là phấn, là sáp son, là trầm hương, là kem, là nước hoa! Là nước hoa! Là nước hoa!”.

    Nhưng dù cười nhạo các cậu mợ, ông phán ông ký sống bám vào hệ thống xã hội thuộc địa mạt kỳ, Vũ Bằng cũng gián tiếp ghi nhận xã hội ấy sót lại những dấu chân hóa thạch vô hình: “Văn hóa Âu Tây có cái văn hóa nếm rượu ăn tiền và ngửi nước hoa mà phát tài. Ta xức nước hoa, ta đánh phấn quý và ta mặc hàng trăm thứ quần áo đắt tiền cũng là một thứ văn hóa chớ sao?” (Tiểu thuyết thứ Bảy, 31.3.1949).

    Giờ thì chẳng cần là mỹ nhân như Marylin Monroe mới được “đi ngủ cùng Chanel số 5”, đến ngay cánh đàn ông cũng dễ dàng đặt hàng nước hoa qua mạng để được giao hàng tận chân giường.

    Sau bốn thập niên vắng bóng nước hoa, khi đất nước đổi mới, người Hà Nội ngỡ ngàng khi thấy có những thương hiệu nước hoa nội địa từ Sài Gòn ra, tung hoành ở các hội chợ triển lãm. Các nhà báo Hà thành năm 1988 đã dành những lời có cánh cho chủ nhân các thương hiệu này, gọi chung là nước hoa Thanh Hương - “nhà kinh doanh trẻ Việt Nam đầy tài năng Nguyễn Văn Mười Hai (tức Cường)”.

    Theo đó thì Nguyễn Văn Mười Hai dường như chứng minh văn hóa “ngửi nước hoa mà phát tài” mà Vũ Bằng chế giễu năm xưa không phải đùa: “Bởi Cường vốn có năng khiếu đặc biệt về môn hóa, cộng với cái khứu giác trời cho, nên anh có thể không cần máy móc mà vẫn phân tích được thành phần hương liệu của bất cứ loại nước hoa nào…”. (“Ở một góc Hội chợ Triển lãm KTKT lần thứ IV: Tổ hợp tỷ phú” – báo Tiền Phong số 49, 6.12.1988).

    Quảng cáo nước hoa bán tại Grands Magasins, Trung Hòa nhật báo 17.12.1924

    Phát tài đến độ nước hoa Thanh Hương đã thu hút được số vốn tới 37 tỷ đồng từ khắp các nhà đầu tư cá nhân, nếu lấy thời điểm bài báo trên thì tương đương 16 nghìn lượng vàng. Số vàng ấy nếu quy đổi ra ở thời điểm hiện nay thì tương đương 660 nghìn tỷ đồng, nghĩa là 1/8 GDP Việt Nam năm ngoái. Con số khổng lồ ấy đưa Nguyễn Văn Mười Hai giàu nhất nhì đất nước.

    Nhưng hỡi ôi, khi bong bóng tín dụng vỡ, nước hoa hóa ra là đùa thật! Chỉ là ngụy trang cho cơn mơ làm giàu thần kỳ đầy phù du sau những năm tháng khốn khó của người Việt.

    Năm 1990 Nguyễn Văn Mười Hai ra hầu tòa vì tội lừa đảo và ngồi tù 16 năm. Một trong những việc anh ta làm sau khi ra tù là tìm cách đăng ký lại bản quyền thương hiệu nước hoa Thanh Hương. Lần này thì có vẻ mùi hương không đùa nữa, nhưng các nhãn hiệu toàn cầu đã tràn ngập các trung tâm thương mại, nước hoa Thanh Hương có sống lại cũng khó bề thọ địch. Giờ thì chẳng cần là mỹ nhân như Marylin Monroe mới được “đi ngủ cùng Chanel số 5”, đến ngay cánh đàn ông cũng dễ dàng đặt hàng nước hoa qua mạng để được giao hàng tận chân giường.

    Tuy nhiên, Nguyễn Văn Mười Hai có thể học tập một thương nhân Pháp đã sáng tạo ra các sản phẩm nước hoa mang tên những địa danh Việt Nam: Đồ Sơn và Tam Đảo, nghe nói bán khá chạy khi nhắm vào sự hồi ức của người Pháp về miền đất Việt Nam xa xưa.

    Đồ Sơn và Tam Đảo theo như quảng cáo, là hai nơi nghỉ mát, cái ở biển cái ở rừng có từ thời thuộc địa. Mặc dù trong văn cảnh đương đại, Đồ Sơn nổi tiếng đến độ chính quyền phải cử đoàn kiểm tra tệ nạn xã hội về tận nơi để kết luận “Đồ Sơn không có mại dâm” còn Tam Đảo chẳng còn nguyên cái biệt thự thời Pháp nào để xác thực sự hoài niệm của hương thơm kia.

    Vậy thì, anh Mười Hai thân mến, để đáp lại thói tinh khôn của ông Tây đó, sao không lấy hẳn thương hiệu nước hoa là “Doumer”, chắc chắn gợi được ký ức về xứ Đông Dương thuở nào. Ông Doumer dù sao cũng từng được đặt tên cầu Long Biên, mà người ta vẫn kể công ông chứ không giật đổ cái tượng nào.

    Chỉ hiềm nỗi anh là người Sài Gòn, đọc tên ông Toàn quyền xưa lại làm khó cho anh!

    Nguyễn Trương Quý/ Người Đô Thị- Ảnh: TLTG

    Bài liên quan

    (0) Bình luận
    Nổi bật Một thế giới
    Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
    Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
    Đừng bỏ lỡ
    Mới nhất
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
    Mùi hương hóa thạch ​