Tình trạng hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đang kéo lùi tăng trưởng GDP trong quý I và đe dọa ảnh hưởng đến GDP cả năm 2016. Và như thường lệ, vấn đề cứu tăng trưởng lại được đặt lên hàng đầu, khi đề xuất tăng sản lượng khai thác dầu lại được đề cập đến tương tự như những gì đã diễn ra trong năm 2015 khi Việt Nam đã tăng sản lượng thêm 2 triệu tấn dầu.
Tuy nhiên, trong một năm mà nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ có sức bật mạnh mẽ hơn thường lệ, cũng như lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào sẽ đạt mức kỷ lục, và vẫn còn tới 3 quý nữa ở trước mắt, liệu có phải Việt Nam đã đầu hàng quá sớm?
Quả thực, tình trạng hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng vượt khỏi dự kiến của hầu hết các chuyên gia kinh tế. Không những tàn phá phần lớn diện tích canh tác nông nghệp tại 8/13 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, khiến Việt Nam phải tiêu tốn những khoản chi không nhỏ để tháo gỡ khó khăn, mà còn gây ra những hệ lụy kinh tế khá nghiêm trọng. Hạn mặn kỷ lục tại phía Nam đang khiến giá cả hàng hóa tại khu vực tăng lên, trực tiếp đẩy mức lạm phát lên cao, đồng thời kéo tụt tăng trưởng GDP của cả nước trong quý I khi chỉ đạt mức 5,46% thấp hơn khá nhiều so với mức kỳ vọng là trên mức cùng kỳ của năm 2015 là 6,12%. Không những vậy, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả, nó còn có thể khiến tăng trưởng GDP của cả năm 2016 chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 6,7-6,9%.
Như thường lệ, để đối phó với sự kiện bất lợi và có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế này, các cơ quan Chính phủ đã ngay lập tức lên kế hoạch đối phó. Theo đó, tổng cục trưởng tổng cục Thống kê là ông Nguyễn Bích Lâm nhận định: “Tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, lạm phát có hướng tăng cao, cân đối ngân sách gặp khó khăn, để đạt được mục tiêu kinh tế xã hội năm 2016 là hết sức khó khăn”. Đề cập đến giải pháp ứng phó, ông Hà Quang Tuyến, vụ trưởng vụ Thống kê tài khoản quốc gia, cho rằng để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng cần thực hiện một số giải pháp, trong đó có đề xuất khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô để cứu tăng trưởng.
Trên thực tế, việc tăng sản lượng khai thác dầu thô không phải là chuyện hiếm gặp. Năm 2015 Việt Nam cũng đã tăng sản lượng khai thác thêm hơn 2 triệu tấn như một biện pháp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng, và bất kể giá dầu thế giới trong năm 2015 sụt giảm mạnh thì không chỉ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn dự kiến là 6,7% mà thu ngân sách cũng vượt dự toán khoảng 86.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đề xuất tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu tấn ngay từ quý I để cứu tăng trưởng như hiện tại lại là điều đáng để suy ngẫm. Có hai vấn đề đáng chú ý qua sự việc lần này, thứ nhất là Việt Nam vẫn đang tiếp tục đặt nặng vào tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế, trong khi chỉ số này từ lâu đã không còn nhiều ý nghĩa nhất là với yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam. Và thứ hai, việc đề xuất múc dầu để cứu tăng trưởng ngay khi quý I vừa mới kết thúc có vẻ như đang cho thấy Việt Nam dường như đã đầu hàng quá sớm.
Trên thực tế, đúng là với tốc độ tăng trưởng 5,46% trong quý I thì việc đạt được tốc độ 6,7% của cả năm đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhưng điều đó không hẳn là một sự vô vọng. Năm 2016 là năm mà nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là có sức bật lớn hơn thường lệ do nền kinh tế đã có sự hồi phục vững chắc trong năm 2015 với mức tăng trưởng cao là 6,7%. Ngoài ra, 2016 cũng là năm mà nền kinh tế được dự báo sẽ nhận được lượng vốn FDI lớn hơn bao giờ hết. Việc các bộ phận chủ lực của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp (chiếm 39% GDP) hay dịch vụ (chiếm trên 40% GDP) tăng trưởng mạnh có thể bù đắp được sự sụt giảm của sản xuất nông nghiệp (chiếm khoảng 19% GDP) là điều hoàn toàn có thể, nhất là khi vẫn còn tới 3 quý nữa ở trước mắt. Việc vội vã tính đến phương án múc thêm dầu để cứu tăng trưởng ngay khi quý I vừa mới kết thúc có vẻ như là một dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng vào năng lực thực sự của nền kinh tế.
Ngoài ra, việc đề xuất mục thêm dầu ở thời điểm hiện tại cũng không phải là một giải pháp mang nhiều ý nghĩa. Năm 2016 được kỳ vọng là năm mà kinh tế Việt Nam sẽ có sự hội nhập toàn diện và sâu rộng khi hàng loạt hiệp định thương mại quan trọng bắt đầu có hiệu lực. Theo lộ trình thì đây là thời điểm Việt Nam cần tiến hành cải cách để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp về vốn và công nghệ. Một khi thực hiện được những cải cách này, với tiềm lực mạnh mẽ có sẵn của nền kinh tế, thì GDP của Việt Nam sẽ tự có được mức tăng trưởng cao như mục tiêu đã đặt ra là 6,7% mà không cần các biện pháp thúc đẩy theo kiểu "mì ăn liền" như múc thêm dầu.
Vì thế, trong bối cảnh hạn hán và xâm mặn đang kéo tụt tăng trưởng trong quý I hiện tại, thì Việt Nam nên coi đó là một cơ hội để có thêm động lực đẩy mạnh hơn nữa các cải cách trong nền kinh tế để bù đắp khoản sụt giảm về tăng trưởng kinh tế do thiên tai gây ra tại phía Nam, thay vì cố gắng bù đắp bằng cách múc thêm dầu. Nếu làm được điều đó, thì kể cả khi tăng trưởng GDP trong cả năm 2016 không đạt được mức đặt ra là 6,7% thì đó vẫn là điều đáng mừng hơn nhiều, vì nó tạo ra nền tảng vững chắc cho nền kinh tế phát triển mạnh trong những năm sắp tới.
Lý do duy nhất có thể khiến việc đề xuất tăng sản lượng khai thác dầu thực sự có ý nghĩa với nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, đó là đóng vai trò một giải pháp để tăng nguồn thu ngân sách, qua đó gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nguồn vốn đầu tư từ Chính phủ. Với tỷ lệ tiền trả nợ lấy từ ngân sách quốc gia ngày càng cao (chiếm khoảng 26% ngân sách trong năm 2016) khiến cho các khoản chi cho đầu tư phát triển kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì việc múc thêm dầu có thể phần nào giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, không nên coi đó như một giải pháp để đạt được tăng trưởng bằng mọi giá, mà chỉ nên coi như một biện pháp tăng thu ngân sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế mà thôi. Vì nếu coi việc tăng sản lượng dầu là biện pháp để cứu tăng trưởng, thì nó sẽ làm giảm nỗ lực tiến hành và thúc đẩy các cải cách cần thiết trong nền kinh tế - vốn là điều quan trọng nhất với kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)