Còn nhiều lựa chọn khác để đạt được mục tiêu tăng trưởng lại vừa thúc đẩy cải cách kinh tế và hướng tới “Chính phủ kiến tạo” mà không cần đến những giải pháp mang tính ngắn hạn và không có nhiều ý nghĩa về khía cạnh cải cách như tăng khai thác dầu thô.
Câu chuyện tâm điểm của nền kinh tế những ngày đầu tháng Tư, khi tăng trưởng GDP trong quý 1/2017 chỉ đạt 5,1% và là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, có vẻ như đã biến thành một cú sốc thực sự. Dù Chính phủ đã lý giải khá cặn kẽ và hợp lý về những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mức tăng trưởng khá khiêm tốn này, theo đó đây là tác động từ việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào khai khoáng và dầu khí suốt nhiều năm nay, nhưng ngay lập tức đã xuất hiện những đề xuất cứu tăng trưởng mà điển hình là phục hồi sản lượng khai thác dầu thô. Việc giảm sản lượng khai thác dầu thô như một động thái giảm phụ thuộc vào lĩnh vực khai thác tài nguyên nhằm hướng tới tái cơ cấu nền kinh tế là một việc cần thiết và hợp lý cho dù tác động ngắn hạn là kéo lùi tăng trưởng GDP. Vì thế, việc đề xuất tăng khai thác dầu để cứu tăng trưởng không thể xem là một hành động hướng tới mục tiêu “Chính phủ kiến tạo” mà Thủ tướng đã đặt ra.
Việc đề xuất tăng sản lượng khai thác dầu để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong cả năm 2017 là 6,7% có vẻ như đã được chính thức thông qua, khi tại cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp vào chiều ngày 12.4 Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng năm là 6,7%. Trong đó, tăng sản lượng khai thác dầu là một trong những biện pháp được đưa ra, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thì việc thực hiện mục tiêu tăng sản lượng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu là khả thi (theo The Saigon Times). Việc Chính phủ chấp nhận tăng khai thác dầu để cứu tăng trưởng dù trước đó đã giảm sản lượng khai thác để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào ngành khai khoáng trong suốt quý 1, đã biến việc khai thác dầu thô thành câu chuyện khó hiểu nhất trong nền kinh tế Việt Nam giai đoạn đầu năm 2017.
Sự khó hiểu bắt đầu từ lời giải thích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức tăng trưởng 5,1% trong quý 1/2017. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, thì tăng trưởng giảm chủ yếu là do khai khoáng đặc biệt là dầu khí: năm ngoái Việt Nam khai thác hơn 15 triệu tấn nhưng năm nay theo kế hoạch chỉ khai thác 12,28 triệu tấn; trong quý 1 giảm khoảng 600.000 tấn so với cùng kỳ. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu sản lượng khai thác trong quý 1 bằng mức cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng GDP 3 tháng đầu năm sẽ lên tới 5,95%. Nói cách khác, việc giảm sản lượng khai thác dầu thô như một biện pháp giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khai thác tài nguyên, đồng nghĩa với việc gần như chắc chắn sẽ giảm tăng trưởng GDP vì Chính phủ không có biện pháp thay thế, là điều đã được lường trước và được chấp nhận từ phía Chính phủ. Vì thế, việc Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm, và nhất là việc chấp nhận tăng sản lượng dầu khai thác để cứu tăng trưởng ở thời điểm hiện tại, là điều vô cùng khó hiểu xét trên khía cạnh sự nhất quán trong chính sách điều hành.
Quan trọng hơn, đây có thể không phải là động thái phù hợp với tinh thần “Chính phủ kiến tạo” mà Thủ tướng đã đặt ra. Có rất nhiều cách để có thể khôi phục tăng trưởng GDP lại vừa có thể phù hợp với chủ trương “Chính phủ kiến tạo” mà không cần đến giải pháp hãn hữu là tăng khai thác dầu thô. Theo báo cáo của ngân hàng HSBC và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì dư địa cho cải cách và thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn còn rất nhiều, từ việc thúc đẩy ngành sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, đến tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn vốn đã gần như bị đình trệ trong suốt 3 tháng đầu năm, cho đến cải cách mạnh mẽ trong các lĩnh vực cốt lõi như nông nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đặc biệt dư địa phát triển của nông nghiệp và tác động vào tăng trưởng GDP của Việt Nam là rất lớn. Thống kê của ADB, tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam từ năm 2011 đến nay vẫn chỉ quanh quẩn trong mức 2,4%/năm là một mức thấp, nếu như tăng trưởng nông nghiệp đạt khoảng 5%/năm thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 7%/năm (theo The Saigon Times). Điều này có thể đạt được nếu các biện pháp cải cách sâu rộng ngành nông nghiệp vốn vẫn còn rất lạc hậu của Việt Nam được thực hiện một cách toàn diện, mà điển hình là vấn đề gây tranh cãi suốt nhiều năm qua là tháo bỏ cơ chế hạn điền. Rõ ràng, chúng ta vẫn còn nhiều lựa chọn khác để đạt được mục tiêu tăng trưởng lại vừa thúc đẩy cải cách kinh tế và hướng tới “Chính phủ kiến tạo” mà không cần đến những giải pháp mang tính ngắn hạn và không có nhiều ý nghĩa về khía cạnh cải cách như tăng khai thác dầu thô.
Bi quan hơn một chút, nếu nhìn nhận vấn đề trên khía cạnh cải cách nền kinh tế, thì mức tăng trưởng khá thấp trong quý 1/2017 là điều không có gì khó hiểu khi mà 3 tháng đầu năm 2017 là khoảng thời gian gần như vắng bóng các động thái cải tổ mạnh mẽ trong nền kinh tế Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm, không có một DNNN lớn nào được cổ phần hóa, không chính sách mang tính đột phá nào được đưa ra trong lĩnh vực nông nghiệp, và cũng vẫn chưa có cơ chế thông thoáng và cởi mở để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng,… Dĩ nhiên là nếu các biện pháp cải cách mạnh mẽ nói trên được đưa ra trong 3 tháng đầu năm thì GDP quý 1 vẫn không thay đổi, nhưng ít nhất nó cũng có thể cho chúng ta kỳ vọng về sức bật mạnh mẽ trong phần còn lại của năm.
Nhàn Đàm